Xuất hiện điện thoại “cục gạch” 4G thương hiệu Việt Những mẫu điện thoại “cục gạch” 4G có thể sẽ trở thành sự lựa chọn của một số người dân khi Việt Nam triển khai tắt sóng 2G. Nhiều năm trở lại đây, tâm điểm của thị trường di động Việt là cuộc chiến của các nhà sản xuất thiết bị smartphone. Tuy vậy, mảng thị trường điện thoại cục gạch (feature phone) tại Việt Nam vẫn có sức sống nhất định với sự xuất hiện của một số tên tuổi như Nokia, Masstel, Mobell, Energizer hay Itel. Mới đây nhất, thương hiệu điện thoại Việt Masstel vừa tung ra thị trường 2 mẫu điện thoại cục gạch có tên Masstel Lux 10 và Masstel Lux 20. Với giá bán chỉ từ 700.000 đồng, đây là 2 mẫu feature phone có giá rẻ nhất trên thị trường di động. Masstel Lux 10 với giá khoảng 700.000 đồng. (Ảnh: Trọng Đạt) Ngoài những tính năng cơ bản của một chiếc điện thoại cục gạch là khả năng nghe gọi, hai mẫu máy này sở hữu đặc điểm chung là có phím bấm lớn, giao diện đơn giản, dễ dùng, tích hợp tính năng xem lịch âm dương, dự báo thời tiết. Trong khi pin của Masstel Lux 10 có dung lượng 1.400 mAh, pin của Masstel Lux 20 có dung lượng lên tới 1.800 mAh. Đây là mức dung lượng “khủng” đối với các dòng sản phẩm điện thoại cục gạch. Nhờ vậy, bộ đôi này có đủ năng lượng để trang bị tính năng đèn pin siêu sáng. Thời lượng pin là điểm mạnh đáng kể của mẫu điện thoại 4G này. (Ảnh: Trọng Đạt) Masstel Lux 10 và Masstel Lux 20 cũng là 2 mẫu điện thoại có kết nối 4G thuộc hàng rẻ nhất trên thị trường. Việc tích hợp 4G giúp bộ đôi này có thể thực hiện các cuộc gọi VoLTE với chất lượng đàm thoại tốt hơn những chiếc điện thoại “cục gạch” truyền thống. Bộ Thông tin & Truyền thông đang có chủ trương tắt sóng 2G vào năm 2023 để tăng số lượng người dân sử dụng smartphone. Việc phổ cập smartphone cũng sẽ thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số. Mẫu máy Masstel Lux 20 có giá 800.000, đắt hơn 100.000 đồng so với bản Masstel Lux 10 . (Ảnh: Trọng Đạt) Tuy vậy, có một thực tế là ở những nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội như người già, người khuyết tật, người có trình độ hạn chế... vẫn sẽ có những người cảm thấy khó khăn trong việc thích ứng với sự thay đổi này. Bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng đặc thù, một số người dùng di động có thói quen dùng thêm một chiếc điện thoại “cục gạch” bên cạnh smartphone để tăng khả năng bảo mật. Sự xuất hiện của những mẫu điện thoại “cục gạch” có 4G sẽ giúp giải quyết nhu cầu kết nối của những nhóm đối tượng này. Theo Thông tư 43 của Bộ Thông tin và Truyền thông có hiệu lực từ 1/7/2021, các thiết bị di động được sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam sau thời điểm này phải có kết nối từ 4G trở lên. Đây cũng là lý do số lượng điện thoại feature phone có tích hợp 4G tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên trong thời gian tới, nhất là sau khi nước ta hoàn thành việc tắt sóng 2G.