Ẩn / Hiện Quảng Cáo

Xác thực sinh trắc học để chuyển khoản: Nhân viên ngân hàng cũng 'toát mồ hôi'

Thảo luận trong 'THÔNG TIN CÔNG NGHỆ KHOA HỌC.' bắt đầu bởi NguyenLong248, 12/6/24.

  1. 12/6/24 lúc 09:39

    NguyenLong248

    Administrator

    NguyenLong248
    Tham gia:
    28/3/07
    Bài viết:
    9,746
    Được thích:
    7,846
    Xác thực sinh trắc học để chuyển khoản: Nhân viên ngân hàng cũng 'toát mồ hôi'

    (VNF) - Không chỉ những người không rành công nghệ gặp khó khăn trong quá trình cập nhật dữ liệu sinh trắc học, mà nhân viên nhà băng cũng 'toát mồ hôi' với ứng dụng của chính ngân hàng mình


    Nhiều người gặp khó với sinh trắc học


    Từ 1/7, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking. Theo đó, giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng một lần hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng mỗi ngày bắt buộc phải xác thực khuôn mặt.

    Dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng phải khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chíp của thẻ căn cước công dân (CCCD) do cơ quan công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Ngoài ra, có thể xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng khớp đúng với dữ liệu được lưu trong cơ sở dữ liệu đã thu thập và kiểm tra, kết hợp với phương thức xác thực OTP gửi qua SMS/Voice hoặc Soft OTP/Token OTP.

    Nhiều ngân hàng đã chủ động áp dụng việc xác thực sinh trắc học khi giao dịch trên ứng dụng (app), bao gồm từ khâu mở tài khoản hay đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng qua số điện thoại đã đăng ký.

    Gần đây, các nhà băng, ví điện tử đã đồng loạt gửi thông báo cho khách hàng qua email, tin nhắn SMS và thông báo trên ứng dụng di động, đề nghị khách hàng cập nhật hình ảnh khuôn mặt và CCCD gắn chip trước ngày 1/7 để tránh gián đoạn giao dịch online giá trị lớn.

    Để xác thực sinh trắc học lần đầu theo Quyết định 2345 trên ứng dụng ngân hàng, người dùng cần đăng nhập vào ứng dụng, lựa chọn tính năng Cập nhật thông tin (tên gọi có thể khác nhau đối với mỗi ứng dụng ngân hàng). Tiếp đó, thực hiện quét khuôn mặt; chụp CCCD mặt trước và mặt sau; quét thông tin từ CCCD gắn chip vào đầu đọc NFC (kết nối không dây trong phạm vi ngắn) trên điện thoại để truyền dữ liệu. Cuối cùng, xác nhận thông tin và xác thực OTP là hoàn tất việc cập nhật dữ liệu.

    Về phía khách hàng, nhiều người lo ngại phát sinh khó khăn, đặc biệt với nhóm khách lớn tuổi, không rành công nghệ hoặc điện thoại có vấn đề.

    [​IMG]
    Trong những ngày qua, nhiều người dân xác thực sinh trắc học trên app (ứng dụng) của ngân hàng cho biết họ gặp khó khăn trong quá trình cập nhật dữ liệu.

    Anh Xuân Khánh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh đã thực hiện trình tự các bước theo hướng dẫn của ngân hàng, chụp 2 mặt của CCCD gắn chip. Nhưng đến bước đưa CCCD ra sau điện thoại để quét thông tin trên chíp thì không thể thực hiện được.

    Ông Nguyễn Văn Lam (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ do không thạo sử dụng công nghệ nên ông rất lúng túng khi cập nhật dữ liệu. Ông đã làm theo hướng dẫn trên app nhiều lần mà hệ thống vẫn báo việc cập nhật dữ liệu bị lỗi.

    Ông Lam cũng lo lắng việc cập nhật thông tin vào app ngân hàng đòi hỏi chụp ảnh khuôn mặt, quét thông tin trên căn cước công dân với các dữ liệu cá nhân, dấu vân tay... như vậy liệu có nguy cơ bị lộ thông tin hay không.

    Anh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) lại băn khoăn rằng khi xác thực sinh trắc học, app ngân hàng yêu cầu đưa căn cước công dân áp sát vào điện thoại di động tại vị trí có đầu đọc NFC nhưng không phải điện thoại thông minh nào cũng có đầu kết nối này hoặc mỗi điện thoại lại thiết kế đầu đọc NFC ở vị trí khác nhau. Điều này gây khó cho người dùng khi xác thực.

    Giao dịch viên của một số ngân hàng thừa nhận, việc xác thực thông tin bằng sinh trắc học phải trải qua nhiều bước. Trong đó, bước dùng app quét thông tin trên chip của CCCD thường xuyên bị lỗi. Điều này khiến khách hàng không thể thực hiện các bước tiếp theo.

    Lãnh đạo một ngân hàng lớn cho hay, việc sử dụng sinh trắc học đang có phần khó khăn nhưng sẽ đảm bảo cho những giao dịch về sau được an toàn.

    Đại diện Ngân hàng OCB chia sẻ, trong quá trình triển khai cho khách hàng đăng ký sinh trắc học, OCB cũng nhận thấy có khó khăn trong việc một số khách hàng sử dụng thiết bị di động không hỗ trợ NFC để đọc được chip của thẻ CCCD.

    Điểm chung khiến các ngân hàng và ví điện tử lo ngại trong quá trình xác thực là ở khâu chạm CCCD vào vị trí đọc chip trên điện thoại. Hiện nay, mỗi loại điện thoại lại có các vị trí chip khác nhau. Có nhiều dòng điện thoại thông minh cấu hình mạnh nhưng vẫn không có đầu đọc NFC.

    Đại diện Công ty cổ phần Công nghệ Vidiva - đơn vị sở hữu ví điện tử Ting - cho hay người dùng có thể lúng túng trong việc xác định vị trí chip trên CCCD và vị trí chip trên điện thoại.

    Trên CCCD, chip thường nằm ở vị trí dấu mộc đỏ. Trong khi mỗi điện thoại có các vị trí chip khác nhau, có thể nằm cạnh camera hoặc nằm chính giữa điện thoại. Vì vậy, khách hàng nên di chuyển CCCD lên xuống theo chiều dọc điện thoại cho tới khi hai chip tìm thấy nhau và giữ nguyên trong vài giây.

    Ngân hàng tích cực triển khai xác thực sinh trắc học

    Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN chia sẻ, hiện nay, 70% giao dịch chuyển tiền ngân hàng là dưới 10 triệu đồng. NHNN đã cân nhắc rất kỹ để cân đối giữa xác thực chống gian lận lừa đảo nhưng cũng đảm bảo giao dịch xuyên suốt. Đây là chủ trương để bảo vệ quyền lợi người dân chứ không phải gây khó khăn cho họ.

    [​IMG]

    Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, ngay sau khi Quyết định 2345 được ban hành, các tổ chức tín dụng đã khẩn trương rà soát cơ sở dữ liệu, xây dựng các giải pháp công nghệ phù hợp.

    Đến cuối tháng 5/2024, Việt Nam đã có 60 tổ chức tín dụng triển khai xác thực khách hàng thông qua CCCD gắn chip tại quầy, 49 tổ chức thực hiện xác thực CCCD gắn chip qua ứng dựng trên thiết bị di động và 22 đơn vị tham gia triển khai ứng dụng định danh và xác thực điện tử công dân (VneID).

    Các ngân hàng cho biết, nếu khách hàng gặp khó khăn trong quá trình cập nhật dữ liệu trực tuyến trên ứng dụng ngân hàng thì có thể đem theo CCCD đến trực tiếp các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng để được định danh bằng máy đọc NFC tại quầy.

    Với khách hàng là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam không được cấp CCCD gắn chip, khách hàng có thể sử dụng hộ chiếu và đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng, để được nhân viên hỗ trợ kiểm tra và cập nhật thông tin sinh trắc học.

    Đại diện Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) chia sẻ, nếu khách hàng chưa có hoặc bị mất CCCD gắn chip sẽ không có cơ sở để thu thập dữ liệu. Vì vậy, để tránh gián đoạn giao dịch online giá trị lớn, ngân hàng khuyến nghị khách hàng nếu chưa được cấp hoặc làm mất CCCD gắn chip cần chủ động cập nhật, làm lại giấy tờ.

    Đại diện TPBank cho hay, sử dụng phương thức xác thực sinh trắc học thuận tiện hơn cả các phương thức truyền thống trước đây như nhập OTP, nhập mã Pin vì trải nghiệm khá thuận lợi, khách hàng chỉ cần quét khuôn mặt. Việc này cũng khá quen thuộc với nhiều khách hàng đã sử dụng các tính năng mở khóa điện thoại bằng FaceID, Touch ID.

    Giới chuyên gia nhận định xác thực bằng sinh trắc học, với đặc điểm độc nhất của mỗi người, có thể hạn chế tối đa khả năng làm giả. Giải pháp này cho phép cơ quan quản lý, tổ chức cung cấp dịch vụ xác định được chính xác chủ tài khoản, người thực hiện giao dịch, người thụ hưởng. Điều này không chỉ bảo vệ tài khoản của khách hàng mà còn giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro gian lận.
    Tuy nhiên, việc bảo mật thông tin sinh trắc học là vô cùng quan trọng. Nếu không được bảo vệ tốt, chính những thông tin này có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.

    Ngoài ra, chi phí triển khai đối với các trung gian thanh toán được đánh giá là cao, gồm giá khai thác chip, giá sử dụng dịch vụ eKYC của bên thứ ba...

    https://vietnamfinance.vn/xac-thuc-...Effj7VyHMaKvJpYSVGIRHJYRBGZyK9e5p8XJUq0yYZhUG
     

Chia sẻ trang này