Việt Nam hưởng lợi từ 'cuộc di cư công nghệ' tại Trung Quốc Một số dây chuyền sản xuất của Apple, Samsung, Xiaomi được chuyển đến Việt Nam khi các công ty công nghệ lớn tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo Nikkei Asia, biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc đang góp phần đẩy nhanh cuộc "di cư công nghệ" từ Trung Quốc. Ảnh hưởng của Covid-19 làm cho giá lao động ở nước này tăng cao, khiến các nước ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ trở thành điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư. "Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất khi các nhà máy rời Trung Quốc. Lợi thế của Việt Nam là cho phép các nhà sản xuất dễ dàng tiếp cận với các thành viên trong khối thương mại tự do Đông Nam Á và những ưu đãi trong các hiệp định khắp châu Á, EU và Mỹ", trang này bình luận. Công nhân được đào tạo để sản xuất Apple Watch Series 3 trong một nhà máy ở Việt Nam. Giữa tháng 5, trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới trụ sở Apple, CEO Tim Cook khẳng định hãng sẽ xem xét việc tăng số lượng nhà cung ứng nội địa Việt Nam và tỷ lệ sử dụng dịch vụ, hàng hóa nội địa cao hơn trong các sản phẩm của tập đoàn này. Đến đầu tháng 6, Apple chuyển bớt việc sản xuất iPad ra khỏi Trung Quốc, đánh dấu lần đầu tiên iPad được lắp ráp ở Việt Nam. Trước đó, Apple Insider dẫn lời nhà phân tích Ming-Chi Kuo rằng AirPods Pro 2 cũng có thể được sản xuất tại Việt Nam từ nửa cuối 2022. Apple Must dẫn các báo cáo cho biết tính đến cuối tháng 6, Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan trong chuỗi cung ứng của hãng sang Việt Nam. Nhiều đối tác như Foxconn, Luxshare, Pegatron và Wistron cũng mở rộng cơ sở sản xuất sẵn có trong nước. Ngoài Apple, một gã khổng lồ công nghệ khác là Samsung cũng chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất, trong đó có các dòng điện thoại chiến lược như Galaxy Z Fold và Z Flip. Hãng cũng xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội. Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 cho thấy, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74,2 tỷ USD, tăng 14% so với với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD tăng 16% so với năm 2020. Ngay cả Xiaomi, hãng công nghệ Trung Quốc, cũng đang chuyển một phần dây chuyền tới Việt Nam. Ngày 5/7, những chiếc smartphone đầu tiên của Xiaomi bắt đầu được sản xuất tại nhà máy ở Thái Nguyên. Xiaomi cho biết những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chi phí hậu cần, xuất nhập khẩu và vận chuyển đến các thị trường Đông Nam Á tăng lên. Việc tìm kiếm đối tác tại các quốc gia như Việt Nam phù hợp với chiến lược cắt giảm phí lưu thông và nâng cao hiệu quả cung ứng. Theo Nikkei Asia, một trong những lý do khiến Việt Nam có thể trở thành "công xưởng mới" của thế giới là chi phí lao động thấp hơn so với Trung Quốc. Lương trung bình của một công nhân trong nhà máy lắp ráp Trung Quốc khoảng 7.000 nhân dân tệ (24 triệu đồng) trong khi ở các nhà máy Việt Nam là 2.500-3.000 nhân dân tệ (8,7-10,5 triệu đồng). Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra một số vấn đề của thị trường Việt Nam. Đầu tiên là dòng chảy của các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam chủ yếu tập trung vào nhóm hàng điện tử tiêu dùng phổ thông. Các nhà máy vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu và phụ tùng từ Trung Quốc. Khi Trung Quốc tăng cường các biện pháp chống dịch, chuỗi cung ứng bị hạn chế, hoạt động sản xuất của nhà máy ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Yang Zhongwei, Giám đốc sản xuất của một công ty con thuộc nhà sản xuất linh kiện bộ định tuyến Trung Quốc tại Việt Nam, nói họ phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất. Hai tháng qua, nguyên liệu từ Tô Châu và Côn Sơn bị trễ hẹn hơn một tháng khiến khách hàng dọa hủy đơn hàng. Zhang Huafeng, trưởng đại diện Los Angeles của Transfar Shipping, cũng cho biết chi phí vận chuyển từ Việt Nam và Indonesia đến Mỹ cao hơn từ Trung Quốc, do có ít tàu vận chuyển trực tiếp hơn. Thời gian chuyển hàng từ TP HCM đến Los Angeles cũng lâu hơn khoảng một tuần so với từ Thượng Hải. Trong khi đó, Global Times cho rằng bất chấp một số hạn chế, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài và là điểm đến để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. "Các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nước ngoài khác đang đổ tiền vào thị trường Việt Nam. Với lợi thế lớn về nhân công giá rẻ, chi phí vận hành nhà máy, kho bãi thấp, Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới trong tương lai gần", trang này nhận định. Khương Nha