Xe VinFast đắt hay rẻ? TP - Theo đại diện của VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup), sau 2 ngày đầu tiên mở bán 3 mẫu ô tô và 1 mẫu xe máy điện, hơn 2.000 đơn hàng đã được đăng ký đặt mua cả ôtô và xe máy (theo đại diện VinFast, số lượng đơn hàng xe máy vẫn chiếm phần lớn). Người dân đổ xô đi xem xe VinFast Ảnh: Tuấn Nguyễn Đáng chú ý, trong đợt mở bán đầu tiên này, VinFast áp dụng chính sách giá “3 không” (không chi phí khấu hao, không chi phí tài chính và không lãi) cho toàn bộ sản phẩm ô tô và xe máy điện. Riêng xe máy điện Klara, ngoài chính sách “3 không” doanh nghiệp còn áp dụng thêm chính sách ưu đãi đặc biệt, giá bán chỉ còn khoảng 60% giá thành. “Với chính sách giá “3 không”, VinFast cho biết, mong muốn mang tới cho khách hàng cơ hội trải nghiệm sản phẩm Việt Nam đẳng cấp quốc tế. Đặc biệt, với dòng xe máy điện, VinFast sẵn sàng chịu lỗ lên đến 40% giai đoạn đầu để sản phẩm tiếp cận được đông đảo nhất tới người tiêu dùng, góp phần tạo dựng thói quen sử dụng phương tiện giao thông an toàn, không khí thải và giảm thiểu tiếng ồn, bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng”, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết. Theo đó, với mẫu xe máy điện Klara, giá bán phiên bản dùng pin Lithium bao gồm thuế VAT là 35 triệu đồng (giá “3 không” là 57 triệu đồng); Klara bản dùng ắc quy a xít chì là 21 triệu đồng (giá “3 không” là 34 triệu đồng). Tuy nhiên, đến trưa 21/11, lượng xe bán ra đã hết nên khách hàng phải đặt cọc mua xe và chờ đến đầu tháng 12 mới nhận. Đối với ô tô, trong thời gian khuyến mãi đợt mở bán đầu tiên này, mẫu xe VinFast sedan Lux A2.0 có giá bán lẻ (chưa VAT) là 800 triệu đồng; xe SUV Lux SA2.0 (chưa VAT) là 1,136 tỷ đồng; xe Fadil (chưa VAT) 336 triệu đồng. Theo các nhân viên tư vấn của VinFast, sau khi đặt cọc (20 triệu đồng với xe Fadil, 50 triệu đồng với 2 mẫu xe còn lại), khoảng tháng 9/2019 khách hàng sẽ được bàn giao xe. Ads by AdAsia Bình luận về giá ô tô VinFast công bố như vậy là đắt hay rẻ, anh Nguyễn Thanh Hải, người sành ô tô cho rằng, VinFast đã lấy sản phẩm của thương hiệu cao cấp BMW (sử dụng khung gầm, nền tảng và máy của BMW) để tạo ra một sản phẩm bán nhằm vào nhóm người thu nhập ở mức trung bình và cao (2 mẫu Lux A2.0 và SA2.0 đang được giảm giá khoảng 500 triệu đồng so với giá công bố). Trong khi đó, lấy một thương hiệu đại chúng (Opel) để làm sản phẩm tốt hơn, đẩy lên cho phân hạng xe nhỏ, giá thấp (xe Fadil). “Hai mẫu Lux chưa có phiên bản thương mại mà mới chỉ có mẫu trưng bày, Fadil đang chuẩn bị lên dây chuyền nên chưa thể đánh giá giá bán là “đắt, hay hợp lí” và còn nhiều yếu tố để cân nhắc”, anh Hải nhận xét. Tuy nhiên, theo anh, riêng với những trang thiết bị mà VinFast công bố, có thể khẳng định Fadil là mẫu xe có nhiều trang thiết bị hiện đại, hơn hẳn các đối thủ hiện tại như Hyundai Grand i10, KIA Morning hay Toyota Wigo. Tính toán của anh Việt Hưng (40 tuổi, Hà Nội), người chơi ô tô lâu năm, nếu không có bất cứ thay đổi nào về chính sách thuế, các mức ưu đãi từ nay đến khi VinFast giao xe, thì mẫu xe nhỏ Fadil tại Hà Nội sẽ có tổng chi phí là 436,3 triệu đồng, TPHCM 419,9 triệu đồng (giá bán ưu đãi 369,6 triệu đồng cộng với phí trước bạ, phí lấy biển số và đăng ký lần đầu, bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc, phí bảo trì đường bộ, phí đăng kiểm). Nếu so sánh với các dòng xe khác tương tự, thì rõ ràng là mức giá không phải là “chát”.10 tháng đầu năm, tổng lượng xe hơi bán ra trên toàn thị trường Việt Nam đạt hơn 223.300 chiếc, tăng hơn 1,4% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt hơn 3.200 chiếc. Theo các chuyên gia kinh tế nếu chính sách và định hướng của Chính phủ ổn định lâu dài, giá xe có thể sẽ giảm, cạnh tranh quyết liệt với xe nhập khẩu, người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn hợp lý hơn.“Việt hóa” giấc mơ xe giá rẻ Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, tiềm năng phát triển thị trường ô tô ở Việt Nam còn rất lớn khi dân số nước ta gần 100 triệu người. Lượng tiêu thụ xe hiện vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Do đó, đòi hỏi phải có những doanh nghiệp đi đầu, dẫn dắt thị trường. “Vinaxuki đã chết, còn lại Thaco - Trường Hải mạnh nhưng chưa đủ lực kéo, việc tiết giảm giá thành xe rất khó. Bởi thế, sự xuất hiện của VinFast sẽ phá vỡ thế độc quyền, tạo ra cạnh tranh quyết liệt trên thị trường. VinFast đem lại niềm tin lớn cho người tiêu dùng khi dù phải vay vốn gần 6 tỷ USD nhưng đầu tư cho lĩnh vực ô tô - xe máy tới 3,8 tỷ USD. Sự đầu tư rất lớn về con người, công nghệ đem lại hy vọng xe VinFast sẽ cạnh tranh được với các thương hiệu nhập khẩu và lắp ráp khác tại Việt Nam”, vị chuyên gia phân tích. Cùng đó, ông Long nhận xét: Khi nội địa hóa rồi có thể giá sẽ giảm xuống, cạnh tranh hơn. Song giá xe phải đi đôi với chất lượng. “Mong sao mục tiêu, định hướng của Chính phủ đừng xung đột lẫn nhau, nhất là giữa 3 bộ Tài chính- Công Thương và Giao thông Vận tải. Có như vậy ngành công nghiệp ô tô mới phát triển tốt, giá cả sẽ ngày càng cạnh tranh hơn, qua đó người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hợp lý hơn”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.Theo đại diện VinFast, xe của họ được tạo ra với sự tham gia của những tên tuổi hàng đầu thế giới trong chuỗi sản xuất như: Pininfarina (thiết kế), BMW (công nghệ, kĩ thuật, phương pháp sản xuất), Magna Steyr và AVL (tư vấn kĩ thuật và sản xuất ô tô), Siemens (thiết kế, quản lí và vận hành nhà máy), Bosch (cung cấp linh kiện và công nghệ ô tô)... TUẤN NGUYỄN Nguồn: báo tiền phong