Vắc xin ung thư đã thành hiện thực Viện Y tế quốc gia Mỹ thông báo vắc xin ung thư được cá nhân hóa đã ngăn ngừa bệnh ung thư tuyến tụy ở một số người tham gia thử nghiệm. Vắc xin HPV ngăn ngừa ung thư cổ tử cung - Ảnh: OPEN ACCESS Những công ty dược phẩm lớn như BioNTech và Moderna gần đây cho biết họ khám phá tiềm năng của vắc xin mRNA - lần đầu tiên được dùng ngăn COVID-19 - để chống lại bệnh ung thư. Đây là một trong những căn bệnh giết người hàng đầu trên toàn thế giới. Vắc xin ung thư có ngăn được bệnh? Tiến sĩ Keith Knutson, giáo sư miễn dịch học tại Bệnh viện Mayo Clinic, người nghiên cứu và phát triển vắc xin ung thư, nói với trang tin Fortune: Vắc xin ung thư không khác nhiều so với vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, quai bị và COVID-19. Vắc xin kích thích hệ thống miễn dịch chống lại mục tiêu, thường là vi rút. Tuy nhiên trong trường hợp này, mục tiêu là khối u ung thư. Hiện tại, phần lớn vắc xin ung thư đều được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân đã mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, thường kết hợp với các biện pháp can thiệp khác như hóa trị, phẫu thuật hoặc xạ trị. Theo Viện Nghiên cứu ung thư, có hai loại thuốc hiện đang được FDA chấp thuận: một loại dành cho ung thư bàng quang giai đoạn đầu và một loại dành cho ung thư tuyến tiền liệt. Nhưng cũng có vắc xin cho những người sống sót sau ung thư. Ông Knutson cho biết chúng được trao cho những người đã thuyên giảm bệnh nhưng có nguy cơ tái phát cao. Sau đó có những loại vắc xin có thể ngăn ngừa ung thư hoàn toàn. Có 4 loại vắc xin được FDA chấp thuận: ba loại dành cho vi rút HPV hoặc vi rút u nhú ở người và một loại dành cho viêm gan B. Tất cả đều có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng có thể dẫn đến ung thư. Vắc xin HPV được khuyến nghị cho nam và nữ khoảng 11 hoặc 12 tuổi, nhưng có thể tiêm sớm nhất là 9 và 26 tuổi. Vắc xin viêm gan B được khuyến nghị cho tất cả mọi người từ 59 tuổi trở xuống và người lớn từ 60 tuổi trở lên có nguy cơ bị nhiễm trùng. Mặc dù số lượng vắc xin phòng ngừa ung thư được phê duyệt còn ít nhưng chúng đang có tác động lớn. Theo dữ liệu do Hiệp hội Ung thư Mỹ công bố trong năm 2023, vắc xin HPV đã giúp giảm 65% tỉ lệ ung thư cổ tử cung ở phụ nữ độ tuổi 20 từ năm 2012-2019. Theo ông Knutson, mức giảm tương tự được thấy ở các bệnh ung thư khác do HPV gây ra thường xảy ra sau này trong cuộc đời, như ung thư đầu, cổ, miệng, trực tràng và âm hộ. Một mục tiêu khác mà nhiều nhà nghiên cứu để mắt đến là ung thư vú - bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới, bao gồm cả của tiến sĩ Knutson, đặc biệt quan tâm đến việc phát triển các loại vắc xin có thể ngăn ngừa căn bệnh này, hoặc ít nhất là ngăn ngừa bệnh tái phát ở những người sống sót. Vắc xin ung thư hoạt động như thế nào? Hiện tại, vắc xin điều trị ung thư đang trong quá trình thử nghiệm, với một vài ngoại lệ. Tuy nhiên chúng không phải là thuốc chữa bệnh, và việc mua thuốc phức tạp hơn nhiều so với việc đến hiệu thuốc và tiêm vắc xin COVID-19 hoặc cúm. Vắc xin ung thư được cá nhân hóa. Theo giải thích của tiến sĩ Phillip Febbo - giám đốc chuyên môn của Công ty công nghệ sinh học Illumina, đó là “liệu pháp riêng biệt” phù hợp cho mỗi người. Đối với mỗi bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa phải xác định khối u nào có thể tiếp cận được qua sinh thiết. Sau đó, bệnh nhân phải trải qua sinh thiết và được một công ty như Illumina giải trình tự di truyền các tế bào khối u của họ. Trình tự được phân tích để xác định thành phần vắc xin nào có khả năng hiệu quả nhất ở bệnh nhân cụ thể. Sau đó, vắc xin dành cho cá nhân cụ thể được sản xuất và giao cho bệnh nhân đó. https://tuoitre.vn/vac-xin-ung-thu-da-thanh-hien-thuc-20230627141317877.htm