Tương lai nào cho Web 3.0? Web 3.0 là thế hệ web mới với những tính năng mới, trong đó có cá nhân hoá quyền của người dùng, bảo vệ thông tin, dữ liệu được cho là tốt hơn thế hệ 1 và 2. Cùng với metaverse, Web 3.0 được kỳ vọng sẽ trở thành tương lai của công nghệ. Sự xuất hiện của Web 3.0 đủ sức giải quyết được những hạn chế Web 2.0, Web 1.0 trước đây. Tuy nhiên, nền tảng này hiện tại vẫn chưa thực sự được biết đến rộng rãi. Nhiều chuyên gia công nghệ cũng lo rằng Web 3.0 là điều phi thực tế. Ông Trần Dinh - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành AlphaTrue, một công ty chuyên tìm kiếm và đầu tư cho các giải pháp ứng dụng blockchain. Ảnh: AlphaTrue Thế hệ Web 3.0 chỉ hệ thống web phi tập trung được xây dựng dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) với những cải tiến nhằm giải quyết các hạn chế của thế hệ web trước đó. Khác với Web 2.0 đang được sử dụng rộng rãi để đọc, viết, chia sẻ thông tin trực tuyến, tham gia và phản hồi nội dung, Web 3.0 còn phép sở hữu. Người dùng được quyền kiểm soát dữ liệu, danh tính và số phận của chính họ. Nói về nền tảng web phi tập trung, ông Trần Dinh, CEO AlphaTrue cho biết: Giai đoạn web 2.0, doanh nghiệp bắt đầu thu thập thông tin và sử dụng chúng để thu về lợi nhuận. Một khi người dùng nhận ra thông tin cá nhân của mình rò rỉ và bán cho bên thứ ba, nhu cầu về bảo mật càng trở nên cấp thiết. Đây cũng là tiền đề cho sự ra đời của Web 3.0. Blockchain là mảnh ghép cuối cùng giúp định hình giai đoạn này. Cũng theo ông, nền tảng web phi tập trung sẽ bao gồm tính phổ biến (Ubiquity), mạng ngữ nghĩa (Semantic Web), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), hình ảnh 3D (3D Graphic). Với nền tảng web thông thường, người dùng tương tác khá hạn chế với những hình ảnh 2D. Với Web 3.0, nhiều website và nền tảng có thể đáp ứng hiển thị hình ảnh 3D, cho phép người dùng trải nghiệm và tương tác với hình ảnh chân thực, sống động hơn. Tương lai của Web 3.0 theo CEO của AlphaTrue sẽ bao gồm ba phần chính: mã hóa dữ liệu và phi tập trung; công nghệ blockchain; quyền lực về tay người dùng. Trong đó, khi nền tảng này trở nên phổ biến, người dùng có thể giữ quyền và tự bảo vệ tất cả thông tin cá nhân, khả năng bảo mật khỏi sự lợi dụng từ các bên thứ ba. Web 3 được xem là một thế giới công bằng hơn khi xoay quanh các vấn đề về tính cá nhân hoá, quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật thông tin và an toàn của người dùng. Các tính năng của thế hệ sẽ có độ an toàn cao hơn Web 1.0, Web 2.0 nhờ hai yếu tố là bản chất phân tán và phân cấp. Tin tặc hoặc kẻ khai thác sẽ khó xâm nhập vào hệ thống mạng. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn như Facebook hay Google cũng không được bán các dữ liệu của người dùng cho bên thứ ba. Điểm mới tiếp theo trên thế hệ này là quyền sở hữu dữ liệu. Dữ liệu được truyền qua mạng sẽ được mã hóa hoàn toàn. Điều này cho phép người dùng có thể toàn quyền sở hữu dữ liệu và xác định quyền chủ sở hữu của mình mà không lo bị mất hoặc bị đánh cắp thông tin. Từ đó, tất cả người dùng đều có thể tạo ra giá trị gia tăng từ sự sáng tạo. Trên nền tảng này, người dùng cũng có thể trực tiếp bán dữ liệu của chính mình, không cần thông qua bên thứ ba. Tiếp đến, nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo AI mà Web 3.0 có thể lọc và cung cấp cho người dùng những dữ liệu tốt nhất. Các dịch vụ web 3.0 cũng không có máy chủ cố định. Vì vậy, hệ thống sẽ liên tục hoạt động cho đến khi mạng lưới biến mất. Các ông lớn công nghệ như Google, Amazon, Apple, Meta (Facebook)... đều có những bước xây dựng hoặc chuyển đổi sản phẩm thành các ứng dụng của Web 3.0. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia công nghệ nhận định rằng, Web 3.0 chưa thân thiện với hầu hết người sử dụng. Thế hệ web này chỉ dễ tiếp cận với người trẻ được tiếp cận nhiều với thông tin. Giới tỷ phú công nghệ trên thế giới cũng đã có phản ứng trái chiều về web 3.0. Mark Zuckerberg từng bày tỏ sự ủng hộ dành cho web 3.0, tiết lộ hướng đi của công ty này chính là nhắm thẳng vào thế hệ thứ ba của internet. Trong khi Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới lại không mấy mặn mà với nền tảng này. Cựu tổng giám đốc điều hành của Twitter - ông Jack Dorsey cho rằng kỳ vọng internet trở nên phi tập trung là khó xảy ra. Trước đó, tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM đã dành nhiều thời gian và tiền bạc để cải tiến công nghệ của siêu máy tính, nhưng vẫn không đạt được kết quả mong muốn. Trên thực tế, nhiều công ty lớn đã bắt tay vào phát triển web. Theo tạp chí Fortune, các nhà đầu tư đã chi khoảng 27 tỷ USD để đầu tư vào các dự án Web3 tiềm năng vào năm 2021. Hoài Phương