Từ 1/7, chuyển khoản cần xác thực sinh trắc vân tay: Cần thêm phương án dự phòng nếu hệ thống xác thực sinh trắc gặp sự cố Khi hệ thống xác thực sinh trắc học gặp sự cố đối với giao dịch loại C và loại D, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất cần có ít nhất 2 phương thức xác thực để dự phòng hoặc thay thế. Tại Hội nghị "Triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức mới đây, ông Trần Công Quỳnh Lân - Chủ nhiệm Uỷ ban Công nghệ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã nêu ra các nhóm vấn đề chính gây vướng mắc trong quá trình các tổ chức tín dụng chuẩn bị triển khai Quyết định 2345, bao gồm: giải pháp kỹ thuật, chi phí triển khai, trải nghiệm khách hàng, rủi ro lừa đảo gia tăng, thời gian triển khai. Trên cơ sở những vấn đề vướng mắc được đặt ra, ông Lân kiến nghị cơ quan quản lý nên đưa ra hướng dẫn cụ thể đối với chứng minh nhân dân còn hạn bởi Luật Căn cước quy định loại hình này còn hạn đến 31/12/2024 vẫn có giá trị sử dụng, việc thay đổi sinh trắc học đối với khách hàng chưa có CCCD cũng như sử dụng ứng dùng VNeID thay thế cho CCCD gắn chip trong các giao dịch với ngân hàng, thời hạn đối chiếu dữ liệu sinh trắc học, lưu trữ thông tin giao dịch từ website. Riêng về phương thức xác thực, ông Lân đề xuất cần có ít nhất 2 phương thức xác thực để dự phòng/thay thế khi hệ thống xác thực sinh trắc học gặp sự cố đối với giao dịch loại C và loại D. Đồng thời, ông Lân đề xuất cần quy định rõ thời hạn hiệu lực của dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu tái thu thập khi hết hạn cũng như có hướng dẫn về hạn mức và giải pháp xác thực cho giao dịch qua Internet Banking không có thiết bị sinh trắc học… Liên quan đến lưu trữ thông tin giao dịch, ông Lân cho rằng cần có hướng dẫn chi tiết thông tin cần lưu trữ về thiết bị khách hàng sử dụng để thực hiện giao dịch trực tuyến, thông tin cần lưu trữ trong nhật ký xác thực giao dịch tối thiểu trong 3 tháng. Do hạn chế về bảo mật của trình duyệt website, cũng như hướng dẫn cách lưu trữ thông tin để tuân thủ quyết định 2345. Về giao dịch nạp/rút tiền giữa ví điện tử và tài khoản ngân hàng, ông Lân đề xuất, các giao dịch nạp/rút tiền giữa ví điện tử và tài khoản ngân hàng liên kết của cùng chủ sở hữu nên được xem là giao dịch loại A, không cần các biện pháp xác thực nâng cao. Cũng theo vị này, việc yêu cầu các biện pháp xác thực nâng cao cho các giao dịch nạp/rút tiền giữa ví điện tử và tài khoản ngân hàng sẽ không khuyến khích người dùng sử dụng Ví điện tử, cản trở sự phát triển bình đẳng của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt… Ngoài ra, ông Trần Công Quỳnh Lân đề xuất, các ngân hàng cần truyền thông tới khách hàng thực hiện xác thực sinh trắc học trước ngày hiệu lực để không bị gián đoạn giao dịch. Bên cạnh đó, cần sẵn sàng hotline hỗ trợ khách hàng, do sẽ có nhiều trường hợp khách hàng không thực hiện được giao dịch do chưa xác thực sinh trắc học, khi đó sẽ gọi điện thắc mắc và yêu cầu hỗ trợ. Cũng tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lưu ý các TCTD cần kiểm tra, cập nhật, đảm bảo thông tin khách hàng cung cấp để xác thực là chính xác và còn hiệu lực. Dẫn chứng cho lưu ý này, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho hay, mới đây, có trường hợp khách hàng mang giấy tờ giả vào ngân hàng giao dịch, ngân hàng đã nhanh chóng phát hiện ra và báo cơ quan công an gần nhất để xử lý. Ông Phạm Anh Tuấn, việc triển khai Quyết định 2345 nhằm mục tiêu chống lừa đảo, gian lận qua kênh chuyển tiền. Ông Tuấn cũng dẫn lại lời Thủ tướng Chính phủ, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" để khẳng định quyết tâm triển khai thành công Quyết định 2345. https://genk.vn/tu-1-7-chuyen-khoan...huc-sinh-trac-gap-su-co-20240613164322783.chn
phương án dự phòng nếu hệ thống xác thực sinh trắc gặp sự cố - Chả thấy phương án đâu , rồi sẽ rối tung lên cho mà xem , tháng 7 thì cận kề.