Trào lưu tiền kỹ thuật số của các NHTW Việc Ngân hàng Trung ương (NHTW) Nhật Bản (BOJ) đang lên kế hoạch thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số phát hành bởi ngân hàng trung ương (central bank digital currency - CBDC) vào đầu năm tài khóa 2021 đang thu hút mối quan tâm của dư luận và giới đầu tư tiền mã hóa. Giới đầu tư tiền mã hóa xem đây là một dấu hiệu mà xã hội chấp nhận các đồng tiền (hay gọi là coin) mà họ đầu tư vào và tung hô để đẩy giá những đồng tiền này. Nhưng sâu xa hơn, đây chưa hẳn là tin tốt cho họ. Một vấn đề được đặt ra, nếu các NHTW phát hành tiền kỹ thuật số của mình, một hình thức thay thế tiền mặt, thì đâu là chỗ đứng cho các đồng tiền mã hóa như bitcoin? Điều này vẫn còn rất nhiều tranh cãi. Song bỏ qua điều đó một bên, một trong những yếu tố được quan tâm nhất của tiền số do NHTW phát hành chính là: thay thế tiền mặt. An toàn và bảo mật? Với những xã hội phát triển nhưng còn sử dụng tiền mặt nhiều như Nhật và Đức, một trong những quan ngại với những dự án tiền kỹ thuật số của NHTW là liệu nó có xung đột lớn với nhu cầu vẫn duy trì thói quen dùng tiền mặt của người dân không? Chính phủ liệu có bắt buộc người dân dần chuyển qua sử dụng tiền kỹ thuật số bằng cách giảm dần phát hành tiền mặt? Khuôn khổ pháp lý ở đâu và phải lấy đâu làm tiêu chuẩn? Giảm sử dụng tiền mặt là một mục tiêu của nhiều chính phủ, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19 khi tiền mặt cũng có thể là một trong những vật có thể mang virus. Quan trọng hơn, tiền mặt là một kênh thuận lợi cho các hoạt động trốn thuế và rửa tiền của tội phạm. Giảm sử dụng tiền mặt với chính phủ sẽ tạo thuận lợi nhiều hơn trong việc theo dõi các giao dịch và do đó giảm nguy cơ rửa tiền và trốn thuế. Tuy nhiên, nó lại có nhiều nguy cơ khác, mà với công chúng thì có hai vấn đề: độ an toàn và tiện lợi cũng như vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. Tất nhiên tiền kỹ thuật số có ưu điểm là tránh được nguy cơ in tiền giả như tiền mặt, nhưng lại xuất hiện rủi ro với việc bảo mật và tạo ra một lượng lớn đồng tiền kỹ thuật số giả hoặc việc người tiêu dùng bị đánh cắp tài khoản và mất sạch tiền. Hay như liệu việc phát hành tiền kỹ thuật số có thể bị hacker lợi dụng là nỗi lo rất quan trọng của nhiều chuyên gia. “Người dân cầm tiền mặt đi ngoài đường có thể bị cướp, nhưng giữ tiền số thì có thể bị hacker đánh cắp”- một người bạn làm an ninh mạng của người viết đùa. Anh nói chơi nhưng lại có phần là thật. Minh chứng là sàn giao dịch chứng khoán, ngoại tệ trên mạng đình đám Robinhood được định giá 11 tỷ USD vừa thông báo có khoảng 2.000 tài khoản của công ty đã bị hacker chiếm dụng, lấy mất tiền. Cất tiền kỹ thuật số sẽ cần những khái niệm như ví điện tử, tài khoản và tăng cường sử dụng dịch vụ tài chính trên mạng. Nhưng đó là mảnh đất màu mỡ cho hacker. An toàn là yếu tố then chốt để đảm bảo niềm tin của người dân trong việc chấp nhận sử dụng tiền điện tử. Covid-19 đã góp phần đẩy nhanh thói quen giao dịch qua mạng và do đó giảm dần nhu cầu giao dịch tiền mặt trong nền kinh tế. Tuy nhiên, liệu xu thế này có tiếp tục sau dịch là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Trong bối cảnh số vụ các ứng dụng tài chính bị hack ngày càng nhiều, các NHTW sẽ phải rất thận trọng khi triển khai các ứng dụng này. Chính vì vậy, nhiều NHTW chỉ muốn áp dụng tiền kỹ thuật số trong các giao dịch giữa các ngân hàng với NHTW, và giao dịch bán buôn giữa các công ty với ngân hàng, chứ không muốn áp dụng đến các giao dịch bán lẻ của người dân. Về cơ bản, mạng lưới bảo mật giữa các tổ chức với nhau vẫn sẽ tốt hơn nhiều. Ở một số xã hội, vấn đề áp dụng tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành cũng đặt ra một câu hỏi là liệu chính phủ có thể theo dõi hoạt động chi tiêu của người dân hay không. Về cơ bản, khi mà người dân thực hiện giao dịch bằng tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành, chính phủ có thể thông qua hệ thống giao dịch mà theo dõi người dân đi đâu, xài tiền vào việc gì. Nhiều tổ chức bảo vệ quyền riêng tư cho rằng chính phủ có thể lợi dụng đồng tiền kỹ thuật số để theo dõi công dân của mình. Điều này đặc biệt được quan ngại với một số chính phủ mà xu hướng theo dõi công dân như Trung Quốc đang tăng lên. Ảnh minh họa. Bao giờ các nước áp dụng? Bất kể những thử thách đó, nhưng các NHTW sẽ tung ra các đồng tiền kỹ thuật số của họ, quan trọng là vấn đề thời gian. Đó là vì những dự án tiền kỹ thuật số như Libra do Facebook tích cực thúc đẩy và những đồng tiền mã hóa đang tạo áp lực khiến NHTW muốn xác lập “địa bàn” của mình. NHTW không muốn đánh mất đi vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính thế giới, vì vậy họ không muốn là kẻ đi sau trong cuộc chạy đua trên thế giới số này. Đồng euro kỹ thuật số cũng đang nhận được sự hậu thuẫn lớn của nhiều chính trị gia. Động thái của Nhật Bản, Trung Quốc sẽ chỉ đẩy tiến trình này nhanh hơn. Thụy Điển với dự án đồng e-krona từ lâu cũng sẽ phải chạy nhanh hơn, sau khi đi trước mà đang chậm lại với những do dự của mình. Nếu thói quen sử dụng CBDC trong thanh toán doanh nghiệp trở nên phổ biến, Việt Nam cũng sẽ muốn có một đồng tiền số của mình. Bởi vì nếu đối tác thương mại muốn thanh toán bằng các đồng này, Việt Nam phải có thể chấp nhận nó. Đầu tháng 10-2020, một nhóm gồm 7 NHTW (gồm Anh, Canada, Mỹ, Nhật, Thụy Điển, Thụy Sĩ và ECB) cùng Bank for International Settlements (BIS) đã công bố một báo cáo đưa ra các tiêu chuẩn cho một đồng tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành. Điều này cho thấy việc xuất hiện các đồng tiền này chỉ là vấn đề thời gian. Về mặt kỹ thuật, khuôn khổ pháp lý, phạm vi thử nghiệm và áp dụng thì vẫn còn rất nhiều câu hỏi và sẽ có một giai đoạn dài thử và sai. Nhưng các NHTW những nước khác phải theo dõi và chuẩn bị để có thể theo kịp. Khả năng những đồng tiền này áp dụng rộng rãi trong toàn xã hội trong thời gian gần là không cao, nhưng mà chuẩn bị một hạ tầng cho phép ứng dụng các đồng CBDC trong giao dịch là cần thiết. Đơn giản là vì nếu đối tác thương mại muốn thanh toán bằng các đồng này, Việt Nam phải có thể chấp nhận nó. Đây là yêu cầu cấp thiết trước mắt để theo kịp xu hướng của thế giới. Về lâu dài, khi mà thói quen sử dụng CBDC trong thanh toán doanh nghiệp trở nên phổ biến, Việt Nam cũng sẽ muốn có một đồng tiền số của mình. Câu hỏi thú vị nữa là khi giữa tiền số của NHTW và tiền mã hóa tràn lan hiện nay, hoặc những dự án tư nhân tham vọng như Libra của Facebook, thì chỗ đứng của từng đồng tiền là ở đâu? Liệu có một ngày nào đó những đồng tiền của Facebook hay Alibaba phát hành sẽ lấn át tiền do NHTW phát hành hay ngược lại. Lúc này, ở Trung Quốc, các kinh tế gia đang tranh luận về chuyện liệu tiền số do NHTW phát hành sẽ có thu hẹp vai trò chủ đạo của thanh toán bằng Alipay và WeChat Pay cho các giao dịch trực tuyến hay không? Hay sẽ có một cơ hội nào để hợp tác giữa NHTW và tư nhân ở đây? Không ai biết trước được tương lai. Nhưng những nước bị gạt ra khỏi liên minh CBDC như Trung Quốc sẽ gặp những bất lợi nhất định trong việc triển khai đồng tiền của mình ra phạm vi quốc tế. TS. HỒ QUỐC TUẤN, Giảng viên Đại học Bristol, Anh