Việc thành lập công ty với vốn điều lệ ban đầu có thể chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn của Doanh nghiệp. Do đó, nhiều Doanh nghiệp sau khi thành lập có thể sẽ thay đổi vốn điều lệ công ty. Vậy vốn điều lệ là gì? Đối với từng loại hình doanh nghiệp thì sẽ tăng, giảm vốn điều lệ trong những trường hợp nào? 1. Vốn điều lệ là gì? Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần. (Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020) 2. Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ 2.1. Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ trong công ty TNHH hai thành viên trở lên - Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty. - Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ trong trường hợp sau đây: + Tăng vốn góp của thành viên; + Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới. - Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây: + Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên; + Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy định tại Điều 51 của Luật này; + Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 47 của Luật Doanh nghiệp 2020. (Khoản 1 Điều 47, Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020) Tham khảo thêm: Thay đổi Cổ đông trong Công ty Cổ phần bạn nên biết 2.2. Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên - Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty. - Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ. - Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây: + Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty; + Vốn điều lệ không được chủ sở hữu công ty thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 75 của Luật Doanh nghiệp 2020. (Khoản 1 Điều 75, Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020) 2.3. Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần - Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. - Công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán cồ phần. Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo các hình thức sau đây: + Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu; + Chào bán cổ phần riêng lẻ; + Chào bán cổ phần ra công chúng. - Công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây: + Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông; + Công ty mua lại cổ phần đã bán theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật Doanh nghiệp 2020; + Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 113 của Luật Doanh nghiệp 2020. (Khoản 1, 5 Điều 112, Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020) 2.4. Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty hợp danh - Vốn điều lệ của công ty hợp danh là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty hợp danh. - Công ty hợp danh có thể tăng vốn điều lệ thông qua việc tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn. - Công ty hợp danh có thể giảm vốn điều lệ thông qua việc chấm dứt tư cách thành viên hợp danh. 3. Những lưu ý sau khi đăng ký thay đổi vốn điều lệ của doanh nghiệp Đối với đăng ký tăng vốn điều lệ, doanh nghiệp nên hoàn thành tăng vốn điều lệ xong rồi mới thực hiện thủ tục tăng để đảm bảo về số lượng vốn tăng tránh trường hợp sau khi đăng ký tăng xong mà góp không đủ trên thực tế. Sau khi đăng ký thay đổi vốn điều lệ, thành viên cồng ty, chủ sở hữu và cổ đông của công ty chịu trách nhiệm đối với phần vốn của mình sau khi đăng ký thay đổi trong doanh nghiệp. Sau khi thay đổi vốn điều lệ của doanh nghiệp mà làm thay đổi mức thu thuế môn bài thì doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế môn bài trước ngày 31/12 cùng năm. Đối với trường hợp tăng vốn điều lệ mà làm thay đổi mức nộp thuế môn bài thì doanh nghiệp phải nộp bổ sung phần thuế môn bài.