Tại sao Samsung trở thành công ty lớn nhất tại Việt Nam? Nhà máy của Samsung Electronics ở Thái Nguyên, phía Bắc Việt Nam, có hơn 60.000 nhân công. Căng-tin của nhà máy này phục vụ khoảng 13 tấn gạo mỗi ngày và sản xuất ra số điện thoại di động nhiều hơn bất kỳ nhà máy nào khác trên thế giới. Nhà máy này và các nhà máy khác của Samsung Electronics tại Việt Nam sản xuất gần 1/3 sản lượng toàn cầu của hãng. Samsung đã đầu tư tổng cộng 17 tỷ USD vào Việt Nam. Nhưng theo tờ The Economist thì tầm quan trọng của Samsung đối với Việt Nam cũng ngang ngửa tầm quan trọng của Việt Nam đối với hãng điện tử Hàn Quốc. Doanh thu năm ngoái của các công ty con của Samsung là 58 tỷ USD, biến tập đoàn Hàn Quốc trở thành công ty lớn nhất Việt Nam, vượt qua cả công ty dầu khí quốc gia PetroVietnam. Samsung đã thuê hơn 100.000 nhân công, giúp biến Việt Nam thành nước xuất khẩu smartphone lớn thứ nhì thế giới sau Trung Quốc. Chỉ riêng Samsung đã đóng góp gần 1/4 tổng giá trị xuất khẩu (214 tỷ USD) của Việt Nam trong năm 2017. Đó là một lợi ích cực lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Các nhà hàng, shop và khách sạn mọc lên như nấm sau mưa quanh các khu công nghiệp có nhà máy của Samsung. Số lượng các công ty trong nước trở thành các nhà cung ứng quan trọng của Samsung đã tăng gấp 7 lần trong vòng 3 năm qua. Và Samsung cũng là nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam. Trong số 108 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà Việt Nam đã nhận từ khi gia nhập Tổ chức Thương mai Thế giới (WTO) vào năm 2007, 1/3 xuất phát từ Hàn Quốc. LG Electronics, một gã khổng lồ Hàn Quốc khác, sở hữu một nhà máy sản xuất màn hình TV trị giá 1.5 tỷ USD tại Hải Phòng. Lotte, một tập đoàn Hàn Quốc, thì nắm trong tay một chuỗi các siêu thị khắp cả nước. Tổng vốn FDI mà Việt Nam nhận được có giá trị bằng 8% GDP năm ngoái, hơn gấp đôi con số tương ứng của các nền kinh tế trong khu vực. Các công ty sở hữu nước ngoài chiếm gần 20% sản lượng của cả nước, tăng trưởng nhanh gấp đôi so với các doanh nghiệp quốc nội trong thập kỷ vừa qua, dù Việt Nam là một nước Chủ nghĩa Xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1/2018 đạt 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái – nhanh nhất tại châu Á. Một nhà máy Samsung tại Việt Nam Đối với Samsung, Việt Nam mang lại những cơ hội sản xuất không kém Trung Quốc. Lực lượng lao động trẻ, giá rẻ, và cực kỳ đông đúc. Đó từng là thế mạnh của Trung Quốc, nhưng hiện tại, nhân công Trung Quốc có tuổi đời trung bình cao hơn Việt Nam đến 7 năm, và đắt gấp đôi nhân công Việt Nam. Nhờ giá nhân công rẻ, Samsung có thể giảm chi phí hoạt động của các nhà máy, giúp smartphone của hãng có lợi thế về giá hơn so với Apple. Các quốc gia khác trong khu vực thường xuất khẩu vật liệu thô hay linh kiện sang Trung Quốc để lắp ráp thành sản phẩm. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm đã hoàn thiện. Chính phủ Việt Nam cũng thân thiện hơn nhiều so với Trung Quốc. Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo một cuộc tẩy chay các công ty và sản phẩm Hàn Quốc nhằm trừng phạt việc chính phủ Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Dù hệ thống tên lửa này được xây dựng với mục đích bảo vệ Hàn Quốc khỏi các đợt tấn công từ Bắc Triều Tiên, nhưng Trung Quốc phàn nàn rằng nó có thể được sử dụng để tấn công nước họ (!?) Cuộc tẩy chay này, dù đã chấm dứt, nhưng cũng đã dóng lên một hồi chuông báo động đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Ngược lại, Việt Nam mở cửa nền kinh tế chào đón các công ty nước ngoài. Năm 2015, chính phủ đã mở cửa 50 ngành công nghiệp cho các đối thủ nước ngoài xâm nhập thị trường và điều chỉnh quy định trong hàng trăm ngành công nghiệp khác. Việt Nam thậm chí còn bán phần lớn cổ phần của tập đoàn bia quốc nội Sabeco cho một công ty nước ngoài vào năm ngoái. Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại đa phương với sự tham gia của Úc, Canada, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác. Sắp tới, Việt Nam sẽ ký công ước thương mại với Liên minh Châu Âu (EU). Trước đó, vào năm 2015, Việt Nam cũng đã ký một thỏa thuận với Hàn Quốc, biến Hàn Quốc thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Moon Jae-in, Tổng thống Hàn Quốc, đã có chuyến công du đến Việt Nam vào tháng trước cùng các đại biểu doanh nghiệp từ Samsung và nhiều công ty khác. Đây là chuyến công du thứ hai của ông tới nước ta chỉ trong chưa đầy một năm tại vị. Các cố vấn Tổng thống đã bày tỏ quan điểm rằng Hàn Quốc không nên xem mình chỉ là “tôm tép” so với những con “cá voi” như Trung Quốc hay Nhật Bản, mà thay vào đó phải trở thành một cường quốc trong khu vực bằng cách liên kết với các đồng minh nhỏ hơn. Nhờ đó, Hàn Quốc có thể trở thành một chú “cá heo” và tự quyết định số mệnh của chính mình. Tại Việt Nam, kế hoạch của họ có vẻ đang rất thuận buồm xuôi gió. (Theo VNreview.vn) Xem them thay pin Samsung S6 chính hãng, giá rẻ nhất tại Hà Nội và TP.HCM