Tại sao màn hình điện thoại khi bị vỡ thường chảy mực? Khi điện thoại bị rơi, chúng ta thường thấy những khoảng đen hoặc tím xuất hiện trên màn hình. Khi tình trạng này xảy ra, người dùng thường gọi đó là “chảy mực”. Thông thường, vết mực chỉ xuất hiện cố định ở vị trí ban đầu, nhưng trên nhiều mẫu màn hình, vết mực này còn có thể lan ra các vùng xung quanh. Vậy tại sao lại có hiện tượng này? Và bạn cần chú ý điều gì? Màn hình có mực thật không? Ta thường thấy những vết giống mực loang khi màn hình bị hư hại hoặc các điểm ảnh (pixels) bị chết. Khi một màn hình đã bị hỏng và phải chịu thêm lực tác động thì nó sẽ càng xuất hiện nhiều điểm chết và “vết mực” sẽ lan ra khắp màn hình. Suy ra, tuy trông khá giống, nhưng màn hình bị vỡ không hề có mực bên trong. Bên dưới lớp kính chính là tấm nền màn hình. Các thiết bị trên thị trường có thể sử dụng những công nghệ màn hình khác nhau, nhưng hai loại công nghệ màn hình phổ biến nhất hiện nay là LCD và OLED. Màn hình LCD LCD là viết tắt của Liquid Crystal Display (màn hình tinh thể lỏng). Đây là loại màn hình sử dụng loại vật liệu có chung đặc tính của cả thể lỏng và thể rắn. Màn hình tinh thể lỏng được cấu tạo gồm hai tấm thuỷ tinh hoặc nhựa được liên kết lại bằng các tinh thể lỏng. Các tinh thể lỏng trên màn hình LCD không thể tạo ra hình ảnh bằng cách tự phát sáng, nó cần được chiếu sáng bởi một tấm đèn nền. Khi được tấm đèn nền chiếu vào, các tinh thể sẽ hoạt động và thay đổi luồng ánh sáng xuyên qua nó, biến thành các hiệu ứng hình ảnh và màu sắc trong mắt người dùng. Màn hình OLED Màn hình OLED được viết tắt bởi thuật ngữ Organic Light-Emitting Diodes (các diode phát sáng hữu cơ). Trong công nghệ OLED, các điểm diode hữu cơ trên màn hình sẽ tự phát sáng khi có nguồn điện chạy qua nó. Không giống với màn hình LCD, công nghệ OLED là loại màn hình tự phát sáng mà không cần sự trợ giúp của đèn nền. Pixels (điểm ảnh) là gì và ở đâu trong màn hình? Cả hai loại màn hình LCD và OLED đều có điểm chung là đều tạo ra các điểm ảnh. Điểm ảnh là một bộ phận nhỏ nhất trong màn hình để tạo ra hình ảnh hiển thị. Số điểm ảnh trong màn hình càng lớn thì chất lượng độ phân giải càng cao. Ví dụ, độ phân giải 720p có mật độ điểm ảnh là 1280×720 pixels, trong khi 1080p sẽ là 1920×1080 pixels. Điều đó có nghĩa là độ phân giải 1080p sẽ cao hơn 720p. Nếu một chiếc màn hình điện thoại có độ phân giải là 1920 x 1080 pixels, nghĩa là sẽ có đến 2,073,600 đơn vị điểm ảnh trong chiếc màn hình đó. Khi một điểm ảnh bị hư hại nó sẽ trở thành màu đen và tối đi, bởi lẽ nó không còn khả năng phát sáng hay thay đổi ánh sáng. Vậy hình ảnh giống chảy mực từ đâu mà ra? Tại sao màn hình lại chảy mực? Cần lưu ý, hiện tượng lan mực chỉ xuất hiện đối với công nghệ màn hình LCD, bởi những ống chứa tinh thể bị vỡ khi màn hình bị hỏng, làm cho các tinh thể chảy lan ra màn hình. Đối với công nghệ màn hình OLED, mỗi một điểm ảnh sẽ tự phát sáng độc lập. Do đó, khi màn hình hỏng thì các điểm ảnh sẽ bị tắt hoặc đổi màu chứ không thể lan ra như màn hình LCD. Vậy, cần làm gì để ngăn mực lan rộng khắp màn hình? Phải làm gì khi màn hình bị chảy mực? Khi màn hình LCD bị chảy mực, nó sẽ tiếp tục lan rộng ra và làm hỏng nhiều điểm ảnh hơn trong quá trình sử dụng. Vậy nên, cách tốt nhất là nên thay một chiếc màn hình mới. Giá tiền có thể tuỳ thương hiệu và chất lượng của màn hình. Trên thực tế, nhiều người nghĩ rằng, khi màn hình bị “chảy mực” thì nó có thể lan sang càng vùng màn hình khác, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Hiệu ứng lan mực chỉ diễn ra ở các thiết bị có màn hình LCD, vì vậy nếu bạn đang sử dụng thiết bị có màn hình OLED, các điểm ảnh chết sẽ không lan rộng. Theo Make Use Of