Tờ báo MIT Technology Review gần đây đã thống kê lại các bằng sáng chế của Steve Jobs và thu được một thông tin rất thú vị: trong số 458 bằng sáng chế được đứng tên nhà sáng lập của Apple, có 1/3 được cấp sau khi ông qua đời vào tháng 10/2011. Cụ thể hơn, số bằng sáng chế mà Steve Jobs nhận được sau khi qua đời là 141 bằng sáng chế, cao hơn phần lớn các nhà khoa học khác trong suốt cuộc đời. Tờ Technology Review cũng đã đưa ra nhận định rằng, các bằng sáng chế của Steve Jobs cũng chính là các trang sách lịch sử ghi lại những năm tháng hoạt động của Apple. Ví dụ, bằng sáng chế đầu tiên được cấp cho Steve Jobs có tên "Personal Computer" (Máy tính cá nhân) được đăng ký vào năm 1980 và chấp thuận vào năm 1983. Bằng sáng chế này sau đó đã trở thành khuôn mẫu cho những bộ máy tính để bàn. Một trong số những bằng sáng chế mới đây của Steve Jobs là thiết kế hình lập phương cho cửa hàng Apple Store trên đường Fifth Avenue đặt tại New York. Thậm chí, cho đến tận ngày hôm nay, nhiều bằng sáng chế đứng tên Steve Jobs vẫn được gửi tới Văn phòng Bằng sáng chế Hoa Kỳ. Một vài trong số này không đến từ các thiết bị iOS/Mac mà đến từ các niềm đam mê ngoài giờ của Steve Jobs, ví dụ như một con tàu du lịch dài 80 mét có tên Venus. Vào đầu tháng Ba vừa qua, công ty du thuyền Savant System đã ghi nhận Steve Jobs là nhà sáng chế chính trong bằng sáng chế về ý tưởng sử dụng tablet (iPad) làm bộ điều khiển tàu. Tuy vậy, phần lớn các bằng sáng chế đứng tên Steve Jobs đều là về thiết kế thay vì công nghệ, và các bằng sáng chế của ông cũng thường có nhiều người cùng đứng tên. Song, theo Tim Wasko, người sáng tạo ra giao diện iPod, cho rằng những góp ý và bình luận của Steve Jobs là quá đủ để đưa tên ông lên bằng sáng chế. Bất kể quan điểm của bạn về khả năng "phát minh" của Steve Jobs là gì, có một sự thật không thể chối cãi rằng không có ông, iPod, iPhone và iPad sẽ không bao giờ trở thành hiện thực và thay đổi hoàn toàn thế giới công nghệ. Theo 9to5Mac