Đèn quang điện hữu cơ - hay viết tắt là OLED - là một công nghệ màn hình hiện đang cực kỳ thịnh hành trên các dòng TV cao cấp. Nhưng mới đây, Samsung lại tung ra TV QLED - viết tắt của LED chấm lượng tử. Vậy OLED và QLED có gì khác nhau? Cần phải nói rõ từ đầu rằng, OLED trước kia vốn chỉ dành cho điện thoại và máy tính bảng, với màu sắc rực rỡ và khả năng hiển thị màu đen "thực sự đen", cho chất lượng hình ảnh tuyệt vời. Ở thời điểm hiện tại, trong khi Sony cũng như LG đang đẩy mạnh việc sản xuất các dòng TV OLED cao cấp và đã gặt hái nhiều thành công vang dội thì Samsung - một trong những nhà phân phối màn hình OLED cho các thiết bị di động lớn nhất thế giới - lại không đi theo hướng này. Thay vào đó, họ giới thiệu một công nghệ màn hình mới mang tên QLED - LED Chấm lượng tử (Quantum Dot LED), mà theo quảng cáo của Samsung là tốt hơn cả các loại màn hình OLED tốt nhất của LG. TV OLED có gì đặc biệt? Màn hình OLED (bên trái) hiển thị màu đen vô cùng trung thực so với màn hình LCD (bên phải) Điểm khác biệt lớn nhất giữa màn hình OLED và LED thường là cơ chế đèn nền. Mỗi pixel trên màn hình OLED được cấu tạo bởi các hợp chất hữu cơ với cấu trúc phân tử đặc thù có khả năng phát sáng khi dòng điện chạy qua. Khi không có dòng điện chạy qua, ví dụ như trong trường hợp màn hình phát tín hiệu hiển thị màu đen toàn phần, tức là giá trị RGB là 0-0-0, thì các pixel này cũng không được kích hoạt. Cơ chế này làm cho màn hình OLED có khả năng hiển thị một màu đen "thực sự đen", bởi phần màn hình hiển thị màu đen hoàn toàn không có dòng điện chạy qua. Trong khi các màn hình LCD hay LED thông thường thì luôn cần dòng điện chạy qua để kích hoạt đèn nền trong bất kì trường hợp nào. Đây cũng là lí do màn hình OLED thường có độ tương phản tuyệt vời. Bởi không sử dụng cơ chế đèn nền nên màn hình OLED thường mỏng và nhỏ gọn hơn màn hình LED, có thể uốn cong được (để tạo ra màn hình cong). Nhược điểm của màn hình OLED là chi phí sản xuất cao và khả năng bị dính hiện tượng "bóng mờ" (burn-in) cao khi hiển thị một hình ảnh tĩnh trong thời gian dài. Công nghệ chấm lượng tử là gì? QLED là chữ viết tắt của Quantum Dot LED - LED Chấm lượng tử, một hình thức tiên tiến hơn của màn hình LED truyền thống. Màn hình QLED cũng có đèn nền nhưng là màu xanh dương thay vì trắng như màn hình LED, và có thêm một lớp chấm lượng tử có chức năng điều chỉnh ánh sáng phát ra từ đèn nền lên từng pixel riêng biệt bằng cách sử dụng các tần số cao hoặc thấp. Với lớp chấm lượng tử này, cấu trúc subpixel đỏ - xanh lá - xanh dương vốn là nền tảng của công nghệ LCD sẽ được tách ra: ánh sáng xanh dương được điều khiển bởi đèn nền, còn ánh sáng đỏ và xanh lá thì được điều khiển bởi các chấm tương ứng trên lớp chấm lượng tử. Kết hợp các mức độ xanh dương (do đèn nền LED điều khiển) với các mức độ đỏ - xanh dương khác nhau (do các chấm lượng tử điều khiển), màn hình QLED sẽ cho ra một bức hình màu RGB sáng và rực rỡ hơn màn hình LED thông thường, trong khi chi phí sản xuất thấp hơn so với màn hình OLED. Tuy nhiên, QLED vẫn sở hữu nhược điểm của màn hình LED: nó vẫn cần đèn nền, do đó màu đen sẽ không được trung thực và độ tương phản cũng kém hẳn so với màn hình OLED. TV SUHD Quantum Dot và QLED có khác nhau? Samsung đang đẩy mạnh công nghệ chấm lượng tử trên các TV cao cấp của hãng, bởi công nghệ này đáp ứng được 2 nhu cầu mà người dùng đều mong muốn là hình ảnh đẹp và giá cả hợp lý, đặc biệt khi xem các nội dung có màu sáng như HDR. Tuy nhiên, chính việc Samsung đưa ra màn hình Chấm lượng tử như một sự thay thế (và theo hãng là ưu việt hơn) cho màn hình OLED của LG và Sony có vẻ không hợp lý lắm. OLED không hẳn tốt hơn QLED, nhưng việc so sánh trực tiếp công nghệ OLED với LCD được trang bị chấm lượng tử thì lại khá khập khiễng, bởi mỗi thứ mạnh ở một mặt khác nhau. Samsung không phải là nhà phân phối duy nhất sử dụng lớp chấm lượng tử trên các TV cao cấp, nhưng lại là hãng duy nhất sử dụng thuật ngữ QLED. Vào năm 2016, Samsung đã bắt đầu sản xuất màn hình chấm lượng tử và gọi chúng là màn hình "SUHD Quantum Dot". Từ năm 2017, họ lại chuyển sang gọi chúng là "QLED" với chữ Q trông gần giống chữ O trong OLED mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào, dẫn đến việc nhiều chuyên gia nhận định có lẽ đây là hành động có chủ đích của Samsung nhằm khiến người dùng nhầm lẫn giữa công nghệ OLED vốn được đánh giá rất cao và công nghệ QLED của họ, lạc vào "mê hồn trận" tính năng của các dòng TV của hãng và các đối thủ cùng tầm giá từ LG và Sony. Chưa biết được phần thắng sẽ nghiêng về ai trong trận chiến giữa OLED và LED, LED chấm lượng tử. Nhưng Samsung có lẽ tin chắc rằng các màn hình OLED đắt đỏ sẽ không thể phổ biến được, và họ cũng chẳng hề đưa ra thông báo nào về việc sản xuất hàng loạt TV hoặc màn hình OLED. Còn về phía người dùng, để biết loại TV nào phù hợp với mình, có lẽ bạn chỉ còn các tận mắt xem thử và chọn lựa công nghệ nào hợp mắt lẫn hợp túi tiền nhất mà thôi. Cũng đừng vội tin vào các TV tham chiếu mà các hãng đặt bên cạnh để so sánh, vì thường các TV đó đã bị các hãng can thiệp, chỉnh sửa các thông số để nó trông tệ đi so với chiếc TV của họ.Tấn Minh
Công nghệ màn Super Rentina Apple của iPhone X sắp tới , cũng dựa trên nền OLED nữa . Theo cá nhân mình thì như nhau , chẳng qua mỗi hãng đặt cái tên khách cho oách mà thôi.