Tiếp tục câu chuyện những gã khổng lồ của thời đại cũ, những cái tên từng được cả thế giới đón nhận và mến mộ nhưng rồi đi xuống một cách thê thảm cả về doanh số lẫn sự đón nhận của cộng đồng, thủ phạm không phải ai khác: iPhone. Vừa rồi TCL đã ngừng hợp tác để sản xuất những chiếc điện thoại đóng mác BlackBerry, cuốn trôi theo hy vọng của biết bao anh em Dâu Đen về một chiếc Key3 chạy Android và bàn phím cứng, thứ đã trở thành thương hiệu của BlackBerry từ bao lâu nay. Điều đó đưa chúng ta đến với câu hỏi, liệu sẽ có phép màu nào cứu rỗi được cái tên BlackBerry, chí ít là ở mảng thiết bị di động hay không? Họ sẽ phải hợp tác với ai để tiếp tục phục vụ cộng đồng đam mê thiết bị của mình, cho dù cộng đồng này đang ngày càng co cụm? Liệu BlackBerry có tạo nên được sự thay đổi giống như những gì HMD Global làm với thương hiệu Nokia hay không? Quyền sản xuất và phân phối smartphone, tablet đóng mác BlackBerry cho đến tháng 8 năm nay vẫn thuộc về TCL trên toàn cầu, BB Merah Putih tại Indonesia và Optiemus Infracom tại các nước Nam Á. TCL rút khỏi hợp tác với BlackBerry hoàn toàn có thể là bước đà để họ dấn thân vào thị trường smartphone với những thiết bị với thương hiệu của chính họ. Điều đó đẩy BlackBerry vào thế khó. Hiện giờ BlackBerry Limited tại Canada không phụ trách sản xuất smartphone, mà thay vào đó là chuyển dịch sang dịch vụ phần mềm cho ô tô và doanh nghiệp. Hệ điều hành BB10, gọi tên mã là QNX, giờ là hệ điều hành phục vụ cho hệ thống infotainment của ô tô. BlackBerry Messenger thì giờ cũng chỉ còn phiên bản Enterprise cho doanh nghiệp. BlackBerry Limited giờ có doanh thu cũng chỉ tầm 1 tỷ USD trong năm tài khóa 2019, nghĩa là nếu không có ông lớn cứu giúp, hoặc có đối tác phía Trung Quốc hỗ trợ phần chuỗi cung ứng lắp ráp, BlackBerry Limited gần như không đủ lực để chơi canh bạc smartphone, thứ mà LG, Sony đang thua lỗ nhưng may thay có những mảng khác như TV và PlayStation bù đắp lại. Chính vì lý ấy, mình mới liên tưởng BlackBerry với Nokia. Cả hai đều trải qua khoảng thời gian khó khăn khi iPhone xuất hiện và thay đổi thị trường điện thoại toàn thế giới. Những chiếc điện thoại bàn phím cứng bỗng chốc trở nên cổ lỗ so với những chiếc máy chạy Android và iOS với màn hình lớn, bàn phím cảm ứng. Cụ thể hơn, hồi cách đây vài tuần mình có xem một clip của Business Insider phân tích khá toàn diện việc đi xuống trong thị phần và việc thất bại trong việc đổi mới của BlackBerry. Mời anh em xem dưới đây: Nói một cách ngắn gọn tóm tắt đoạn clip 8 phút trên đây, chẳng riêng gì BlackBerry mà chính Nokia cũng từng mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng khiến họ trở nên như ngày hôm nay: Thủ cựu. Phải đồng ý BlackBerry đem lại nhiều thứ mới mẻ cho người dùng điện thoại, nhất là đối với những người làm doanh nghiệp. Họ không còn cần phải mang theo chiếc laptop nặng nề như trước nữa, chỉ cần chiếc điện thoại gọn lỏn trong lòng bàn tay là có thể kết nối, gửi email và làm việc mọi lúc mọi nơi. Chính vì tạo ra được cảm giác chuyên nghiệp như vậy, cộng với BBM trứ danh, BlackBerry mới có được cộng đồng fan trung thành đông đảo và nhiệt thành đến như thế. Nhưng rồi iPhone ra mắt. Ngay cả khi iPhone ra mắt, BlackBerry cũng không coi Apple là đối thủ cạnh tranh. Cũng chẳng trách họ được, với thị phần khổng lồ, cộng thêm cả những hợp đồng lớn với chính phủ Mỹ, tư duy ông lớn ắt khiến BlackBerry chủ quan khinh địch. Và thế là họ vẫn ra mắt điện thoại màn hình gập trong năm 2008. Khi ấy, iPhone đắt hơn và phải đến nhà mạng AT&T mới mua được, nên người ta vẫn đến với BlackBerry. Thứ khiến cho anh em Việt Nam mê mẩn BlackBerry cũng chính là thứ tạo ra cá tính riêng cho những chiếc máy điện thoại ấy: Bàn phím cứng. Chính sự trung thành ấy đã khiến RIM chủ quan. Họ không ngờ rằng thị trường điện thoại sẽ thay đổi chóng mặt đến như vậy chỉ vài năm sau khi iPhone ra mắt. Chiếc máy tính bảng PlayBook và BlackBerry Torch ra mắt là không đủ để cứu vãn canh bạc đã ngã ngũ của RIM. Năm 2010, doanh số iPhone vượt qua BlackBerry lần thứ hai, nhưng không có lần thứ 3 vì từ đó, BlackBerry chỉ có đi xuống. Z10 chỉ là màn ra mắt muộn màng, nếu suy xét một cách công bằng. Năm 2016, trong số hơn 432 triệu chiếc điện thoại bán ra trên toàn thế giới, BlackBerry chỉ chiếm có… 207 nghìn chiếc. Cũng trong năm này, TCL ký thỏa thuận hợp tác để sản xuất điện thoại đóng mác BlackBerry. Vậy Nokia, hay nói đúng hơn là HMD Global đã làm đúng điều gì, mà TCL và BlackBerry lại thất bại? Thứ nhất, Nokia có cá tính khác hẳn so với BlackBerry. Họ nổi danh với những chiếc điện thoại màu sắc tươi tắn, cùng độ bền đáng kinh ngạc. Ai cũng có thể dùng Nokia, bất chấp thu nhập, địa vị xã hội. HMD Global biết điều đó và cố gắng tạo ra những thiết bị giá thành tầm trung để nhiều người trẻ có thể tiếp cận, nhưng vẫn giữ được bản sắc vốn có của Nokia: Tươi trẻ, bền đẹp. Thứ hai, HMD Global và Nokia bắt kịp thời đại hơn. Nokia 8 Scirocco hỗ trợ sạc không dây, cùng cấu hình đáng nể. Ngay cả Nokia 8.1 tầm trung cũng khiến người dùng không cần lo lắng về cấu hình, nó đủ cho mọi nhu cầu ở thời điểm ấy. Nói không ngoa, chính sự kiên định trong tầm nhìn của BlackBerry đã là viên gạch đặt nền móng cho sự suy tàn của thương hiệu. Thứ ba, Nokia có một dàn những sản phẩm từ rẻ đến đắt tiền, còn BlackBerry giờ cũng chỉ có Key2, lựa chọn mới duy nhất cho người đam mê BlackBerry. Còn muốn mua KeyOne, Classic, Q10, Z10 hay những mẫu điện thoại trước đó, chỉ có cách đi mua cũ. Mình luôn thắc mắc một điều, cần anh em giải đáp. Vì sao TCL lực thế mà chỉ tạo ra một chiếc smartphone BlackBerry, thay vì nhiều lựa chọn khác nhau cho anh em? Phải thừa nhận, Nokia có nhiều điều, nhiều di sản hơn để gìn giữ, và nó vẫn rất hợp thời. Còn giờ đây, thời kỳ smartphone màn hình cảm ứng có thể thay thế hoàn toàn cho laptop đối với một số người, thì nhu cầu BlackBerry tạo ra trước kia, đó là tạo ra một thiết bị nhỏ gọn cho doanh nhân, bỗng dưng không còn là lợi thế cạnh tranh nữa, vì ai cũng có rồi. Áp lực đặt ra cho cái tên kế tiếp muốn gìn giữ di sản của BlackBerry chính là ở đó. Ngoài chiếc bàn phím cứng, không còn BBM, BlackBerry giờ này còn lại gì?