Nhồi máu cơ tim sau khi tắm Sau khi tắm, người đàn ông 60 tuổi khó thở, nhập viện với chẩn đoán nhồi máu cơ tim, trước đó có tiền sử tăng huyết áp, điều trị thuốc không đều. Ngày 24/7, đại diện Bệnh viện Đa khoa Thái Bình cho biết y bác sĩ đã đặt ống nội khí quản, an thần, thở máy, dùng các thuốc vận mạch, can thiệp động mạch vành qua da. Kết quả chụp chiếu cho thấy động mạch vành phải tắc hoàn toàn, gây nhồi máu cơ tim cấp. Ê kíp đặt stent tái thông động mạch. Sau 3 tiếng, bệnh nhân thoát nguy kịch, hiện được điều trị hồi sức tích cực. Các bác sĩ cho rằng việc mắc bệnh tăng huyết áp nhưng uống thuốc không đều có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, người đàn ông tắm nước lạnh vào ban đêm khi nhiệt độ xuống thấp cũng là yếu tố nguy cơ. Tắc mạch vành tim hay xơ vữa mạch vành là bệnh nguy hiểm có khả năng biến chứng thành cơn nhồi máu cơ tim, đe dọa đến tính mạng, đặc biệt đối với người bệnh cao tuổi kèm bệnh lý nền. Bác sĩ Bùi Công Hải, khoa Tim mạch, cho biết nguyên nhân chủ yếu là sự hình thành và phát triển của các mảng xơ vữa động mạch, kết quả của sự tích tụ cholesterol, canxi và các chất dễ lắng đọng khác trong máu. Theo thời gian, các mảng xơ vữa lớn dần lên gây hẹp lòng mạch tại một hay nhiều nhánh động mạch vành, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi cơ tim. Bên cạnh đó, động mạch vành có thể bị tắc nghẽn do sự hình thành các cục máu đông (huyết khối) từ buồng tim di chuyển tới ở bệnh nhân rung nhĩ. Nếu tắc các mạch máu lớn hoặc tắc mạch trên phạm vi rộng, ở nhiều vị trí, có thể gây ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, thậm chí ngừng tim. Các chuyên gia nhận định với người cao tuổi, người có bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh mạch máu ngoại biên, tiền sử đột quỵ cũng có khả năng bị đột quỵ cao hơn khi tắm nước lạnh vào thời điểm nhiệt độ xuống thấp. Lý do là việc tiếp xúc với nước lạnh đột ngột có thể gây sốc cho cơ thể, khiến các mạch máu trên da co lại, làm chậm quá trình lưu thông. Do đó, tim bắt đầu đập nhanh hơn để có thể bơm máu đi khắp cơ thể. Nếu tắm ở nơi không kín gió, tắm lâu, lúc cơ thể yếu mệt vào hai thời điểm trên cũng có rủi ro cao. Để giảm nguy cơ, người dân nên ăn uống hợp lý, tránh tiêu thụ mỡ và nội tạng động vật, ăn đủ rau quả, không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng hợp lý, tránh căng thẳng tâm lý, điều trị tốt các bệnh lý (nếu có). Ngoài ra, cần chú trọng khám sức khỏe định kỳ đều đặn cũng như khám chuyên khoa tim mạch khi có các triệu chứng bất thường. https://vnexpress.net/nhoi-mau-co-tim-sau-khi-tam-4773538.html