Ẩn / Hiện Quảng Cáo

Người ‘tái thiết’ Microsoft, CEO Satya Nadella

Thảo luận trong 'THÔNG TIN CÔNG NGHỆ KHOA HỌC.' bắt đầu bởi NguyenLong248, 25/5/22.

  1. 25/5/22 lúc 10:27

    NguyenLong248

    Administrator

    NguyenLong248
    Tham gia:
    28/3/07
    Bài viết:
    9,781
    Được thích:
    7,812
    CEO Satya Nadella, người ‘tái thiết’ Microsoft



    [​IMG]
    “Chúng ta phải tự hỏi bản thân mình, công ty này là về điều gì? Tại sao chúng ta tồn tại? Tôi nói với họ rằng, đã đến lúc ‘linh hồn’ của công ty cần được tái khám phá”, Satya Nadella viết.


    “Chúng ta phải tự hỏi bản thân mình, công ty này là về điều gì? Tại sao chúng ta tồn tại? Tôi nói với họ rằng, đã đến lúc ‘linh hồn’ của công ty cần được tái khám phá”, Satya Nadella viết trong cuốn sách “Luồng gió mới” (Hit Fresh), 7 năm trước khi ông trở thành Giám đốc điều hành của Microsoft.

    Satya Nadella, sinh năm 1967 tại Ấn Độ, hiện là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Microsoft. Dưới sự dẫn dắt của người đàn ông này, Microsoft đã kịp thời “lột xác”, thoát khỏi nguy cơ tụt hậu để tiếp tục duy trì vị thế số một trong thế giới công nghệ.

    Xuất thân

    Satya Nadella sinh ra trong một gia đình người gốc Telugu, tại Hyderabad, thành phố phía Nam Ấn Độ, nằm cạnh con sông Musi. Ông có cha là công chức chính phủ, còn mẹ là học giả tiếng Phạn. Ngay từ bé, ông đã đam mê thơ ca Mỹ và Ấn Độ. Ông cũng là người yêu thích thể thao và từng mơ ước trở thành một cầu thủ cricket chuyên nghiệp khi còn ở trường trung học.
     
    Ông theo học tại Trường công lập phổ thông Hyderabad Begumpet, trước khi tốt nghiệp Cử nhân kỹ thuật điện của Học viện Công nghệ Manipal năm 1988. Năm 1990, Nadella tốt nghiệp Thạc sỹ khoa học tự nhiên, chuyên ngành khoa học máy tính tại Đại học Wisconsin – Milwaukee. Vài năm sau, ông tiếp tục hoàn thành chương trình Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại Đại học Chicago.

    Nadella bắt đầu sự nghiệp tại Sun Microsystems với vai trò thành viên ban công nghệ, trước khi chuyển sang Microsoft năm 1992.

    Người "tái thiết"

    Trước khi Nadella lên nắm quyền điều hành, Microsoft vẫn được biết đến như “một kẻ bắt nạt”, sử dụng sự thống trị đối với phần mềm PC để chi phối thế giới công nghệ. Tính tới thời điểm tháng 02/2014 khi Steve Ballmer ra đi, vốn hoá của công ty chỉ đạt 311 tỷ USD và được cho là “đã hết thời”. Công nghệ đám mây lúc đấy vẫn còn là khái niệm chưa được coi trọng và thấu hiểu đầy đủ trong chiến lược phát triển công ty.

    Khi đó, Microsoft đang dành sự tập trung cho phân khúc thiết bị và người tiêu dùng, “Mảng thương mại của chúng tôi tiếp tục vượt xa thị trường nói chung, phân khúc thiết bị và người tiêu dùng đã có một quý nghỉ lễ tuyệt vời. Các khoản đầu tư của công ty vào phân khúc này nhằm mang lại giá trị trải nghiệm cao đối với khách hàng, cũng như các phần việc cùng các đối tác, đang đem lại kết quả tốt và đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài của công ty,” cựu CEO Steve Ballmer phát biểu trong một buổi họp báo. Thậm chí, trong báo cáo tài chính, doanh thu từ công nghệ đám mây, chỉ được xếp ở “Mục khác”.

    Nhận thấy nhu cầu của khách hàng doanh nghiệp chuyển dịch sang xu hướng thuê các ứng dụng và chạy phần mềm tại các trung tâm dữ liệu từ xa hơn là cài đặt phần mềm trực tiếp, đặc biệt là nhóm công ty khởi nghiệp, Nadella đã chuyển trọng tâm của Microsoft, từ mục tiêu là công ty “thiết bị và dịch vụ”, hướng tới giữ vai trò lớn hơn trong sự giao thoa giữa công nghệ di động và điện toán đám mây.

    Ông ngay lập tức cắt bỏ mảng thương mại điện thoại di động và đưa công nghệ đám mây trở thành một trụ cột chiến lược phát triển, tích hợp vào tất cả các mảng kinh doanh hiện có của công ty, từ game, tự động hoá, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo…, đưa công ty trở thành nhà bán phần mềm điện toán đám mây lớn nhất thế giới.

    Trong nội bộ, Nadella tiến hành các đợt tái cơ cấu không khoan nhượng với “văn hoá lỗi thời”, thẳng tay loại bỏ các cơ chế quản lý vốn nhiều bất cập trong khâu vận hành, đưa ra cấu trúc quản lý nhân sự mới, biến các đơn vị phát triển và marketing, thành các bộ phận tập trung vào khách hàng thay vì cạnh tranh lẫn nhau.

    Ông thúc đẩy xây dựng một bầu không khí và hành vi ứng xử xoay quanh mối quan tâm của người tiêu dùng như thách thức, cơ hội, nhu cầu, và thậm chí là cả giấc mơ. Các lãnh đạo cấp cao được khuyến khích ngẫm nghĩ về bản chất các cam kết của họ đối với khách hàng và các đối tác.

    Các ưu tiên và giá trị của công ty được Nadella truyền tải bằng ngôn ngữ mới, dù không phô trường mang tính giải trí như dưới thời Ballmer, nhưng sáng tạo và hiệu quả với đối tượng tiếp nhận.

    Ví dụ, khái niệm “cường độ công nghệ” (tech-intensity) được sử dụng không chỉ thuyết phục khách hàng mua phần cứng và dịch vụ từ Microsoft, mà còn khuyến khích họ tự làm ra những phần mềm riêng; “làm hơn nữa” (do more) trở thành khẩu hiệu cốt lõi, truyền cảm hứng đối với sứ mệnh xuyên suốt; “dữ liệu suy luận” được dùng để mô tả giá trị hữu hình của AI… Kết quả, Microsoft bán được hàng loạt các giải pháp độc đáo dựa trên nền tảng Azure, mà nhiều trong số đó là sáng kiến của các đối tác, thậm chí là của khách hàng – một cách tiếp cận chưa từng có trước đây.

    Không dừng lại, Microsoft dưới thời Nadella, thực sự đã trở thành “ông trùm thâu tóm”. Trong vòng 7 năm, công ty này đã thực hiện hơn 85 thương vụ, trung bình 1 thương vụ/tháng, trong đó có nhiều cú “áp phe” lớn như: Linkedln với giá 26,2 tỷ USD, GitHub giá 7,5 tỷ USD, Metaswitch và Affirmed Networks, Nuance Communications…

    Các thương vụ thâu tóm này đều mở ra một hướng đi mới đối với Microsoft, khi mở ra các thị trường mới với tiềm năng rộng lớn trong tương lai.

    “Trái ngọt”

    Sau 7 năm, vốn hoá “gã khổng lồ” đã gấp 6 lần, từ 311 tỷ USD tăng lên gần 2000 tỷ USD (đứng thứ 2, sau Apple), doanh thu từ mảng công nghệ đám mây ước đoán chạm mốc 75 tỷ USD, cao hơn 30% so với Amazon và cao hơn cả doanh thu đám mây của hàng loạt các “ông lớn” khác cộng lại (Google, Salesforce, SAP, Oracle, ServiceNow, Workday và Snowflake).

    Những con số không biết nói dối, Nadella không chỉ giúp Microsoft kịp thời “chuyển mình” lướt trên con sóng thời đại, mà còn thiết lập các nền tảng để “đế chế” này tiếp tục là một trong những công ty có ảnh hưởng nhất, giá trị nhất, thành công nhất mà thế giới từng chứng kiến.

    “Đến thời điểm năm 2030, phần trăm đóng góp của công nghệ vào tổng GDP thế giới sẽ tăng gấp đôi từ 5% lên 10%. Nhưng quan trọng hơn là điều xảy ra với 90% còn lại, khi máy tính gắn liền với mọi mặt của cuộc sống, sẽ không còn thứ gọi là lĩnh vực công nghệ nữa. Thế giới chuyển đổi thông qua cường độ công nghệ quy mô lớn. Mọi tổ chức, không chỉ cần áp dụng công nghệ mới nhất, mà còn phải xây dựng công nghệ kỹ thuật số của riêng họ, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau”, Satya Nadella nhận định.
     

Chia sẻ trang này