Mỹ có thể thành 'công xưởng' sản xuất chip mới Mỹ đang chạy đua thu hút các nhà sản xuất chip đặt nhà máy trong bối cảnh nguồn cung bán dẫn thiếu hụt trên toàn cầu. Tuần trước, Samsung công bố kế hoạch xây nhà máy chip trị giá 17 tỷ USD, tạo ra hơn 2.000 việc làm ở Texas. Nhà máy dự kiến sản xuất các chất bán dẫn cao cấp và mang tính thiết yếu cho mạng di động 5G, ôtô tự lái và AI. Công ty Hàn Quốc là doanh nghiệp mới nhất đánh cược khả năng chế tạo linh kiện bán dẫn trên đất Mỹ, cùng với Intel, TSMC và Texas Instruments. Một cơ sở sản xuất chip Intel ở Arizona. Ảnh: Intel Các nhà máy mới đang trong quá trình xây dựng và phải mất nhiều năm mới có thể hoạt động. Tuy nhiên, khoản đầu tư này hứa hẹn thúc đẩy năng lực sản xuất của Mỹ trong lĩnh vực chip tiên tiến sau nhiều thập kỷ nhường "sân" cho khu vực châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc. Khủng hoảng chip gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh toàn cầu ở nhiều lĩnh vực. Sự thiếu hụt linh kiện khiến nhiều quốc gia - đặc biệt là Mỹ và châu Âu - nhận ra họ cần giảm sự phụ thuộc vào nhà cung cấp châu Á. Điều này đã kích hoạt làn sóng đầu tư kỷ lục vào mảng bán dẫn, nhất là biện pháp khuyến khích tài chính để xây dựng nhà máy mới từ các chính phủ. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) và IDC, ngành công nghiệp bán dẫn hiện đạt giá trị khoảng 464 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp Mỹ chiếm hơn một nửa. Dù vậy, những tên tuổi lớn như Qualcomm hay Intel chỉ đóng vai trò thiết kế, còn việc sản xuất vẫn phụ thuộc vào công ty nước ngoài. Số liệu của SIA cho thấy, 3/4 công suất chế tạo linh kiện bán dẫn toàn cầu nằm ở bốn địa điểm châu Á là Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, Mỹ chỉ có 13%. Không chỉ Mỹ, các nước khác cũng không ngồi yên. Đầu tháng này, TSMC và Sony bắt tay xây dựng nhà máy chip trị giá 7 tỷ USD - dự án dự kiến nhận được hàng tỷ USD trợ cấp từ chính phủ Nhật Bản. Vào tháng 9, SMIC (Trung Quốc) công bố chi gần 9 tỷ USD cho một nhà máy mới ngoài Thượng Hải. Vào tháng 5, Hàn Quốc công bố lộ trình hỗ trợ kế hoạch đầu tư nhà máy bán dẫn khoảng 450 tỷ USD, dự kiến hoàn thành năm 2030. Theo báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ hôm 22/11, chỉ khoảng 6% công suất bán dẫn toàn cầu mới được bổ sung trong 10 năm tới. Nước này cũng đang thúc giục Quốc hội thông qua đạo luật mới, bổ sung 52 tỷ USD để xây dựng các nhà máy chip. "Ngành sản xuất nội địa của Mỹ được cải thiện, nhưng Trung Quốc, Hàn Quốc và những nước khác không ngồi yên. Họ đang đầu tư mạnh mẽ nhằm đảm bảo vị trí dẫn đầu toàn cầu và bỏ lại Mỹ phía sau", theo báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ. Hạn chế của Mỹ Theo SIA, Mỹ có lợi thế lớn trong việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip tiên tiến, từ khả năng tuyển dụng công nhân lành nghề, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho đến tiếp cận đối tác mua hàng dễ dàng. Tuy nhiên, họ cũng có hạn chế nhất định. Cụ thể, báo cáo của SIA công bố năm ngoái cho thấy, chi phí xây một nhà máy chế tạo chip tại Mỹ cao hơn 30% so với Hàn Quốc, Đài Loan hoặc Singapore, và cao hơn 50% so với Trung Quốc. "Sự khác biệt đến từ việc khuyến khích của chính phủ", SIA nhận định. Ví dụ, Hàn Quốc đặt mục tiêu tăng xuất khẩu chip hàng năm lên 300 tỷ USD vào năm 2030 bằng cách giảm thuế hàng tỷ USD, còn Nhật Bản cũng chi 8,6 tỷ USD để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu chip. Morris Chang, nhà sáng lập TSMC và đã nghỉ hưu cách đây 3 năm, cảnh báo rằng sản xuất chip ở Mỹ tốn kém hơn, nhiều thách thức về chuỗi cung ứng hơn nếu so với Đài Loan. "Ngay cả sau khi chi hàng trăm tỷ USD, bạn vẫn sẽ thấy chuỗi cung ứng Mỹ chưa hoàn thiện, cũng như chi phí cao hơn những gì đang có", ông Chang nói. Hiện việc sản xuất chip tại Mỹ đang nghiêng về chất lượng hơn số lượng. Theo Counterpoint Research, đến 2027, quốc gia này được dự đoán sẽ chiếm khoảng 24% công suất chip tiên tiến nhất thế giới (10 nm trở xuống), cao hơn mức 16% đang có. Dale Gai, chuyên gia tại Counterpoint Research, nhận định ngày càng nhiều công ty sản xuất chip ở châu Á "tuân thủ quá mức" với các quy định tại nơi đặt nhà máy. Ông cho rằng điều này có thể khiến phương Tây xem như nguy cơ an ninh quốc gia và chuyển hướng sang các sản phẩm từ Mỹ. Bên cạnh Samsung, TSMC hiện xây dựng một cơ sở sản xuất chip trị giá 12 tỷ USD ở Phoenix, trong khi Intel cam kết chi 20 tỷ USD cho nhà máy ở Arizona và New Mexico. Chính quyền Tổng thống Joe Biden hoan nghênh các động thái này, nhưng thừa nhận "còn nhiều điều phải làm" để thúc đẩy năng lực sản xuất của Mỹ. Bảo Lâm (theo WSJ)