Ẩn / Hiện Quảng Cáo

Lý do iPhone đã, đang và sẽ không bao giờ được sản xuất ở Mỹ

Thảo luận trong 'THÔNG TIN CÔNG NGHỆ KHOA HỌC.' bắt đầu bởi NguyenLong248, 17/12/18.

  1. 17/12/18 lúc 10:28

    NguyenLong248

    Administrator

    NguyenLong248
    Tham gia:
    28/3/07
    Bài viết:
    9,797
    Được thích:
    7,877
    Năm 1988, Jean-Louis Gassee tới thăm nhà máy của Apple ở Fremont, California. Cảnh tượng của cái nhà máy, thứ được những vị giám đốc Apple thời điểm đó mô tả là “tự động hóa rất cao”, thực ra không ổn cho lắm.

    [​IMG]
    Dây chuyền sản xuất Macintosh của Apple, ảnh chụp ngày 05/03/1984

    Lúc đó, Jean-Louis Gassee, vốn là một chuyên gia tự động hóa văn phòng, mới được thăng chức chủ tịch mảng thiết bị bởi CEO John Sculley, nhận trách nhiệm thiết kế và lắp ráp các sản phẩm của Apple những năm cuối thập niên 80. Ngài Gassee khi nhậm chức đã bỏ hẳn 2 ngày để tìm hiểu cách Apple sản xuất một sản phẩm bằng cách tự xắn tay áo và tham gia vào dây chuyền gia công.

    Tiếc thay, chính trải nghiệm của chuyên gia người Pháp này đã trở thành một trong số những nguyên nhân cốt lõi khiến cho chiếc iPhone của chúng ta sử dụng ngày hôm nay có dòng chữ nho nhỏ trên hộp: “Thiết kế bởi Apple tại California. Lắp ráp tại Trung Quốc.”

    Sau khi Apple tuyên bố mở cửa khu campus mới ở Austin, Texas, tạo ra công việc cho hơn 15 ngàn người, không một ai nghĩ rằng khu phức hợp đó sẽ được dùng để lắp ráp sản phẩm Apple. Ai cũng nghĩ một công ty với tầm nhìn công nghệ như Apple sẽ chọn Silicon Valley để làm nơi tạo ra những thiết bị vừa đẹp, vừa hiện đại. Bản thân Steve Jobs cũng từng bị ám ảnh bởi hình tượng của Henry Ford, khi những dây chuyền sản xuất xe hơi của người Mỹ, cho người Mỹ tại Detroit, cũng như khả năng sản xuất các thiết bị chất lượng cao của người Nhật Bản với những thương hiệu như Sony. Chính sự ám ảnh này và việc cố gắng tái tạo những dây chuyền như thế ở California đã trở thành một trong những thất bại hiếm hoi của vị CEO nổi tiếng.

    [​IMG]

    Năm 1983, Steve Jobs theo dõi chặt chẽ quá trình xây dựng dây chuyền mới để lắp ráp máy Macintosh. Khi ấy, những phóng viên được vào bên trong dây chuyền cho biết, nó hiện đại tới mức chi phí nhân công để lắp ráp một chiếc máy tính chỉ rơi vào khoảng 2% chi phí sản xuất mà thôi.

    Randy Battat, một kỹ sư điện gia nhập Apple vào thời ấy nhớ lại: “Steve có lòng tin sắt đá vào quy trình sản xuất của người Nhật. Khi ấy người Nhật Bản được coi là những phù thủy của ngành lắp ráp chế tạo. Mục tiêu của ông lúc ấy là tạo ra một nhà máy sản xuất các sản phẩm không có bất kỳ chi tiết lỗi, không có chi phí thừa. Về mặt kinh doanh, ý tưởng này tồi thực sự.”

    Quay trở lại với Gassee. Vài năm sau khi Steve Jobs bị Sculley đá ra khỏi Apple, vị chuyên gia này nhận ra sự thật trớ trêu: Ước mơ của Steve Jobs là điều bất khả thi. “Tôi biến mình thành trò hề khi cố lắp đèn hình vào khung máy tính với cái tua vít, và để cái đèn hình rơi thẳng xuống sàn, vỡ tan. Xấu hổ thực sự”, Gassee nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Hết ca làm việc, vị chủ tịch phải đi lấy chổi dọn dẹp đống thủy tinh và linh kiện mình đã làm hỏng.

    Chỉ 8 năm sau khi mở cửa, nhà máy lắp ráp Macintosh đóng cửa vào năm 1992. Hai lý do chủ yếu là, số lượng máy sản xuất như Steve Jobs dự tính, và vài năm sau Macintosh mới bắt đầu có doanh số như mong đợi của các vị lãnh đạo ở Apple. Nhưng đó là một câu chuyện khác, vào một ngày khác.

    Và thế là, từ “giấc mơ Mỹ”, Apple chuyển sang nhờ cậy những đối tác lắp ráp từ khắp nơi trên thế giới, lợi dụng cả chi phí nhân công rẻ lẫn luật về môi trường và khí thải không mấy ngặt nghèo như ở Mỹ.

    [​IMG]
    Dây chuyền của NeXT, ảnh chụp ngày 07/12/1990

    Trong khi đó, ước mơ của Steve Jobs phải vài năm sau khi dây chuyền Macintosh mở cửa mới được thực hiện. Đó là vào năm 1990, khi NeXT Inc mở cửa dây chuyền sản xuất máy tính chỉ cách dây chuyền của Apple hơn 2 cây số. Dĩ nhiên những ngày đầu tiên, dây chuyền này chẳng thể nào sản xuất kịp để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đó lại là một bài học khác cho nhà lãnh đạo này.

    Ông trở lại Apple năm 1997, và 1 năm sau đưa Tim Cook lên làm phó chủ tịch phụ trách các hoạt động ở nước ngoài. Không phải đến khi về đầu quân cho Apple, Cook mới trở thành một con cáo già, mà trước đó ông đã thuộc nằm lòng những bài vở để tạo ra một hệ thống các đối tác sản xuất thiết bị từ thời còn làm ở IBM và Compaq. Cách triển khai công việc trái ngược hoàn toàn với ước mơ của Steve Jobs này khiến Apple đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.

    [​IMG]

    Tương tự, không phải tới khi iPhone ra đời và trở thành quả bom tấn của làng công nghệ, Apple mới bắt đầu nhờ cậy đến các đối tác quốc tế để lắp ráp thiết bị. Không lâu sau khi Silicon Valley hình thành những năm 70 của thế kỷ trước, việc sản xuất tốn sức người, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn đã bắt đầu được chuyển sang châu Á, nơi nhân công rẻ hơn rất, rất, rất nhiều so với Mỹ.

    Tony Fadell, một trong những nhà thiết kế phần cứng iPod và iPhone: “Hồi bắt đầu sự nghiệp, tôi bay đến Hàn Quốc suốt. Giờ thì bay sang Đài Loan và Trung Quốc như cơm bữa.”Giờ đây Silicon Valley gần như chẳng còn ai làm việc trong các công xưởng lắp ráp nữa. Nếu có thì cũng chỉ là những nhóm rất nhỏ để phục vụ nhu cầu sản xuất các thiết bị thử nghiệm cho các hãng.

    [​IMG]

    Với những lợi thế đáng kể, các nước châu Á như Trung Quốc đã dần hình thành cả một hệ sinh thái chế tạo, với những dây chuyền sản xuất nơi gần nửa triệu công nhân làm việc, ví dụ như khu phức hợp Longhua của Foxconn ở Thâm Quyến, nơi từng lùm xùm những vụ tự sát của nhân công vì điều kiện lao động quá khắc nghiệt gần chục năm về trước. Nửa triệu người trong một nhà máy!

    Đó cũng chính là lý do không thể nào có thể đem việc lắp ráp và sản xuất thiết bị với số lượng cực lớn về Mỹ được nữa, vì cả hệ sinh thái đều nằm rất gần nhau ở khu vực Đông Á cũng như Đông Nam Á. Cả hệ sinh thái không bao gồm một nhà máy đơn lẻ, mà bao gồm nhiều nhà cung cấp thiết bị, nhiều nhà xưởng lắp ráp cách nhau chỉ vài km.

    [​IMG]

    Khi Steve Jobs phải rời vị trí vì sức khỏe năm 2009, ông đưa Tim Cook lên làm lãnh đạo thay thế mình. Đó là hành động khẳng định rằng ông đã hiểu cách thế giới công nghệ vận hành ra sao, cùng lúc định hình Silicon Valley là một thiên đường cho việc phát triển, chứ không phải lắp ráp. Về cơ bản, Apple lúc này đã bỏ hẳn ý định sản xuất thiết bị quy mô lớn ở trên đất Mỹ.

    Hồi những năm 80 và 90 từng có lối suy nghĩ cho rằng, việc chuyển dời địa điểm lắp ráp thiết bị từ phương Tây sang phương Đông, và những khu vực hẻo lánh ở Mỹ đồng nghĩa với việc Silicon Valley sẽ dần suy tàn, vì chi phí quá cao. Nhưng Silicon Valley chưa bao giờ là một nơi để các tập đoàn công nghệ triển khai dây chuyền lắp ráp. Nó trở thành một trong những thủ đô công nghệ của thế giới, nơi các sản phẩm mới được thiết kế, phần mềm mới được viết ra.
    John Markoff - The New York Times
     
    tieulyphitieu thích bài này.

Chia sẻ trang này