Lạm dụng AI và nguy cơ tiềm ẩn TP - Theo báo cáo năm 2023 của Microsoft, hơn 45% người trẻ trong độ tuổi từ 18-29 đã sử dụng các công cụ AI để trò chuyện hoặc giải tỏa cảm xúc. Một khảo sát từ Pew Research Center cũng cho thấy rằng 60% người trẻ cảm thấy khó mở lòng với người khác, ngay cả với những người thân thiết. Tiến sĩ Sherry Turkle, nhà xã hội học tại trường MIT (Mỹ), nhận định rằng con người ngày càng dễ dàng chia sẻ với máy móc bởi chúng không phán xét hay tạo áp lực đáp lại. “AI không chỉ lắng nghe mà còn giúp người trẻ suy xét vấn đề từ nhiều góc độ, khuyến khích họ tự tìm ra giải pháp thay vì phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Nhờ đó, họ cảm thấy tự tin hơn khi đối mặt với những thử thách trong cuộc sống”, bà giải thích. Nhiều bạn trẻ “nghiện“ sử dụng AI ComScore Observer Bên cạnh đó, bà cũng nhấn mạnh vai trò của AI trong việc tạo ra một không gian tương tác riêng tư và an toàn. Những vấn đề mà người trẻ thường ngại chia sẻ, như áp lực học tập, khủng hoảng nghề nghiệp hay những vết thương tâm lý trong quá khứ, đều có thể được giải tỏa mà không lo bị đánh giá. Tuy nhiên, bà cũng đưa ra lời cảnh báo: “Việc lạm dụng AI có thể khiến con người mất dần kỹ năng xây dựng mối quan hệ thực tế. Khi chúng ta quá phụ thuộc vào các mối quan hệ ảo, sự kết nối thật sự với con người có nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng”. Cung cấp kiến thức sai Thời gian gần đây, nhiều người dùng phản ánh ChatGPT cung cấp kiến thức sai lệch về văn chương như nhầm lẫn tên tác giả, bịa ra những tác phẩm không có thật. Những ngày qua, cộng đồng mạng phản ánh tình trạng ChatGPT liên tục đưa thông tin sai lệch về các tác phẩm văn chương. Tiến sĩ Diêu Lan Phương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Chủ nhiệm CLB Ngôn ngữ và EQ - đưa ra một số tình huống ChatGPT hoàn toàn sai khi được hỏi về kiến thức văn học. Khi bà Diêu Lan Phương đưa yêu cầu cung cấp tư liệu “thơ viết về thơ”, ChatGPT đưa ra tác phẩm Nói với con về thơ của Lưu Quang Vũ. Tuy nhiên nhà thơ không có tác phẩm nào như vậy, chỉ có bài Nói với con cuối năm - viết năm 1972, đề tặng con trai đầu của ông. Khi nhận được đề bài tóm tắt nội dung cuốn sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ChatGPT tự ý thay đổi tên các chương của nguyên tác với phần đầu có tên Tôi là một thằng nhóc, phần tiếp theo là Những trò chơi tuổi thơ. Trong khi đó, tác phẩm gốc có chương một là Tóm lại là đã hết một ngày và chương hai là Bố mẹ tuyệt vời. Một người dùng Facebook tên Ngọc Diệp đặt câu hỏi: “Tác phẩm Vợ nhặt của ai?” cho ChatGPT. Câu trả lời nhận về là: “Vợ nhặt là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Nguyễn Du…”. Trong khi đó, đây là tác phẩm của nhà văn Kim Lân. Nếu người dùng giải thích và cung cấp lại thông tin, ChatGPT có thể điều chỉnh lại câu trả lời vào lần hỏi sau. Vừa trau dồi, vừa sàng lọc Các chuyên gia cho rằng những lỗi sai này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tiếp thu kiến thức văn học của công chúng. Qua đó càng khẳng định AI chưa thể xâm nhập quá sâu vào thế giới của con người hay quá trình sáng tạo văn chương. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng có nhiều trải nghiệm thú vị với ChatGPT. Ông rút ra kết luận AI là một kênh tham khảo, nhưng không thể hoàn toàn tin tưởng. Từ việc ChatGPT cung cấp kiến thức sai về văn học, nhà thơ Trần Đăng Khoa đưa ra lời khuyên: “Chúng ta có thể coi ChatGPT là sản phẩm hỗ trợ, công cụ giải trí, nhưng phải luôn giữ ý thức sàng lọc thông tin, tránh tiếp nhận thụ động. Trong học tập, làm việc, con người cần nghe theo nguồn tin chính thống”. AI giúp tiết kiệm thời gian và mở rộng kho tàng tri thức. Nhưng điều này cũng ảnh hưởng tới độ chính xác và tính toàn diện của thông tin. TS Ngô Di Lân - tác giả sách Canh bạc AI - cảnh báo AI có xu hướng đồng nhất hóa thông tin, bỏ qua các chi tiết nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng để hiểu sâu vấn đề. Thực trạng này đặc biệt nguy hiểm trong các lĩnh vực như nghiên cứu lịch sử hay khoa học xã hội. “Thay vì thụ động tiếp nhận thông tin như một sự thật hiển nhiên, người học cần đối thoại với AI, đặt câu hỏi phản biện và kiểm chứng thông tin từ các nguồn đáng tin cậy khác. Đây là kỹ năng cần thiết trong thời đại số, cũng là giải pháp tránh những nguy cơ từ thông tin sai lệch hoặc thiếu chính xác mà AI có thể cung cấp”, TS Ngô Di Lân nói. Nhà thơ Trần Kim Hoa nhận định AI có thể đưa ra rất nhiều thông tin trong khoảng thời gian ngắn nhưng chưa thể làm thay nhà văn. “Sản phẩm văn chương không thể mờ nhạt, na ná nhau, thiếu dấu ấn cá nhân. Người giỏi về ngôn ngữ chưa chắc đã trở thành nhà thơ. Nhưng nhà thơ sẽ có năng lực điều khiển ngôn ngữ, để ngôn ngữ biểu đạt cảm xúc con người”, nhà thơ Trần Kim Hoa nói. Bà cho rằng giải pháp tốt nhất là con người đồng hành với AI, tạo nên quá trình vừa trau dồi, vừa sàng lọc kiến thức. https://tienphong.vn/lam-dung-ai-va-nguy-co-tiem-an-post1700535.tpo