Ngoài việc nằm ở vị trí địa chiến lược, Ukraine còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên cực lớn tiềm ẩn nhiều lợi ích mà không ít nước muốn tranh thủ. Ngoài các nguồn tài nguyên truyền thống như than, sắt, Ukraine còn được cho là sở hữu loại tài nguyên quan trọng cho ngành công nghiệp năng lượng sạch của tương lai. Nguồn lithium cực lớn Theo tờ The New York Times, nằm sâu dưới lòng đất Ukraine, nước đang phải chống trả chiến dịch quân sự của Nga, là nguồn khoáng sản vô cùng lớn. Theo đó, các nhà nghiên cứu Ukraine ước tính khu vực miền đông nước này có nguồn ô xít lithium có trữ lượng lên đến 500.000 tấn. Lithium, còn gọi là “vàng trắng”, là kim loại được sử dụng để chế tạo pin cho các thiết bị điện tử và xe điện. Lithium không phải là nguồn tài nguyên đặc biệt quý hiếm, nhưng đây là chất gần như không thể thay thế trong pin. Bên cạnh đó, trong bối cảnh toàn cầu đang đẩy mạnh những nỗ lực chống biến đổi khí hậu, các nền kinh tế lớn ngày càng chuyển sang sử dụng xe điện, qua đó thúc đẩy nhu cầu về lithium. Trực thăng Ukraine bay qua một mỏ than ở vùng DonetskCơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính sự phát triển của ngành xe điện có thể đẩy nhu cầu lithium tăng hơn 40 lần tính đến năm 2030. Theo Reuters, nhu cầu lithium trên toàn cầu dự kiến chạm mốc 1 triệu tấn vào năm 2025 và 3 triệu tấn vào năm 2030. Các nhà sản xuất ô tô sẽ phải tranh giành để có thể đảm bảo đủ nguồn cung, qua đó đẩy giá lithium lên cao. Theo The New York Times, giá của kim loại này đã tăng tới 600% trong năm qua. Nếu đánh giá sơ bộ của các nhà nghiên cứu chính xác, Ukraine sẽ là một trong những nước có nguồn dự trữ lithium lớn nhất thế giới. Nguồn lithium tại Ukraine chủ yếu tập trung tại tỉnh Kirovohrad ở miền trung và hai tỉnh Zaporizhzhia và Donetsk ở miền đông. Nguồn tài nguyên này hầu như chưa bị đụng đến và đã thu hút sự chú ý của các công ty trên toàn cầu. Hai công ty European Lithium (Úc) và Chengxin Lithium (Trung Quốc) đang cạnh tranh quyết liệt để giành quyền khai thác tại các mỏ lithium ở Donetsk và Kirovohrad với tham vọng giành chỗ đứng trong ngành công nghiệp lithium tại châu Âu. Ngoài ra, nhiều công ty khác cũng đã tham gia đấu thầu cho các mỏ lithium này. Quốc gia giàu tài nguyên Lithium được cho là chìa khóa cho một tương lai năng lượng sạch béo bở đối với Ukraine. Tuy nhiên, nước này còn sở hữu nhiều nguồn tài nguyên có trữ lượng lớn khác, đặc biệt là khí đốt. Nếu không tính Nga, Ukraine là nước có nguồn dự trữ khí đốt lớn thứ hai châu Âu với 1.090 tỉ m3, chỉ sau Na Uy (1.530 tỉ m3), theo chuyên trang BusinessToday.in. Ukraine còn sở hữu nhiều tài nguyên như titanium, sắt và các nguyên liệu thô phi kim. Đây cũng là nước xuất khẩu quặng sắt lớn thứ 5 trên thế giới trong năm 2019 và đây là sản phẩm được xuất khẩu nhiều thứ ba tại nước này trong năm đó. Ước tính có đến 20% nguồn dự trữ quặng titanium đã được xác minh trên thế giới nằm tại Ukraine. Đây còn là một trong số ít nước có quy trình sản xuất titanium khép kín. Loại kim loại này là thành phần quan trọng cho việc sản xuất máy bay. Nhà khoa học Rod Schoonover, cựu giám đốc về môi trường và tài nguyên thiên nhiên của Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ, nhận định khoáng sản có thể không phải là động cơ cho chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, nhưng là lý do vì sao Ukraine rất quan trọng đối với Nga. Với vị trí chiến lược và tiềm năng tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác, Ukraine rõ ràng là một điểm nóng cho sự tranh giành ảnh hưởng của các bên trong tương lai.