iPhone - thiết bị đột phá và gây nghiện Sau 15 năm xuất hiện, iPhone đã trở thành thiết bị thay đổi hoàn toàn ngành di động, nhưng cũng khiến con người ít tương tác thực tế với nhau hơn. 10h ngày 29/6/2007, David Barnard là người đầu tiên trong hàng dài chờ mua iPhone trước Apple Store ở San Antonio, Texas. Một người tiến đến, đưa ra lời đề nghị "béo bở" là mua lại vị trí với giá 500 USD, nhưng anh từ chối. Anh sau đó trở thành một trong những người đầu tiên trên thế giới sở hữu smartphone của Apple. "Rất hoành tráng và thú vị. Nó sẽ là một thiết bị thay đổi thế giới", Barnard nói trên San Antonio Express-News khi đó. Steve Jobs trên tay chiếc iPhone đầu tiên năm 2007. Ảnh: Reuters Trước đó, vào tháng 1/2007, cách đây tròn 15 năm, Steve Jobs, đồng sáng lập Apple, công bố iPhone 2G trước những tràng pháo tay nồng nhiệt: "Đôi khi, một sản phẩm mang tính cách mạng ra đời và thay đổi mọi thứ. Hôm nay, chúng tôi giới thiệu ba sản phẩm cách mạng: iPod màn hình rộng, smartphone mới và thiết bị kết nối Internet. Nhưng đó không phải ba thiết bị riêng biệt mà là một sản phẩm duy nhất. Chúng tôi gọi nó là iPhone", Jobs nói. Trong vòng 3 tháng, Apple bán được một triệu iPhone. 15 năm sau, con số đã là hai tỷ máy, đưa Apple trở thành công ty đầu tiên đạt cột mốc ba nghìn tỷ USD vốn hóa. Nhưng quan trọng hơn, sự trỗi dậy của smartphone theo mô hình iPhone khiến thế giới thay đổi hoàn toàn, từ sự phổ biến của mạng xã hội, phần mềm, hacker đến các công ty tìm cách thu thập thông tin cá nhân cho mục đích riêng. Ngoài việc thiết lập khuôn mẫu cho hầu hết điện thoại hiện đại, iPhone còn xuất hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, nhưng cũng đem đến những hậu quả mà theo các chuyên gia là "không thể đảo ngược". Sự khác biệt của iPhone iPhone không phải là điện thoại thông minh đầu tiên. Trước đó, BlackBerry đã có thể gửi email, Sony Ericsson K800i chụp ảnh độ phân giải cao, Nokia N95 hỗ trợ duyệt web bằng 3G hay Palm Treo giúp theo dõi các tác vụ. Tính năng cảm ứng đa điểm của iPhone thực tế cũng đã có từ những năm 1980. "Nhiều điện thoại có các chức năng mạnh mẽ hơn thế, nhưng tất cả chưa được tích hợp vào trong một thiết bị, đó là điểm khác biệt và mang tính cách mạng", Hansen Hsu, từng là nhân viên Apple giai đoạn 2000-2005 và hiện làm tại Bảo tàng Lịch sử Máy tính ở Mountain View (Mỹ), nói. "Thực tế, iPhone là một chiếc máy tính màn hình cảm ứng nằm gọn trong túi của bạn". James Barford, đứng đầu bộ phận nghiên cứu viễn thông tại Enders Analysis, đánh giá iPhone là sự tổng hòa của "vẻ đẹp hiếm có và sự đơn giản". "Apple đã đưa ra các tính năng thân thiện và hữu ích, thay vì một loạt chức năng phức tạp mà chỉ người làm công nghệ mới biết cách dùng. iPhone xuất xưởng với một phím bấm duy nhất và cũng không cần đến tài liệu hướng dẫn sử dụng", ông nhận xét. "Trước iPhone, smartphone là thiết bị chỉ dành cho doanh nghiệp. Apple đã biến nó thành sản phẩm tiêu dùng phải có", James Joaquin, cựu kỹ sư trưởng của Apple, nói. "iPhone biến mọi phần cứng riêng biệt như đầu đĩa DVD, máy nghe nhạc MP3, định vị GPS... thành ứng dụng trên iPhone". Tuy vậy, khi mới ra mắt, iPhone cũng gặp một số rào cản. Một số người dùng khi đó nói họ không ấn tượng, thậm chí không thích cách nhấn vào phím Home để đưa ra tuỳ chọn. Giá bán trên 600 USD cùng khiến nó ban đầu khó tiếp cận số đông. Thiết bị gây nghiện Từ năm 2013, nhà tâm lý học Gloria Mark ở California bắt đầu nghiên cứu về tác hại của iPhone. Bà nhận thấy, ngày càng nhiều người dán mắt vào màn hình điện thoại nơi công cộng, thay vì thường xuyên nói chuyện với nhau như trước. Larry Rosen, một nhà tâm lý học về công nghệ, cũng thực hiện khoảng 8 nghiên cứu về iPhone. Khảo sát cho thấy, iMessage là ứng dụng đầu tiên người dùng mở ra sau khi nhấc điện thoại, trong khi Instagram, YouTube và TikTok khiến con người ngày càng mất nhiều thời gian trên mạng hơn. Một dự án khác của Rosen về thói quen ở người trẻ tuổi, thực hiện từ năm 2012 đến 2020, cho thấy đối với nhiều người, smartphone có thể tạo ra hoặc làm trầm trọng các triệu chứng như rối loạn tâm lý, rối loạn thiếu tập trung, hội chứng "nomophobia" khiến con người cảm thấy không thoải mái khi rời xa điện thoại. Chuyên gia này cho rằng chưa thể kết luận việc sử dụng iPhone và smartphone nói chung có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người hay không. Nhưng nghiên cứu cho thấy, người có sức khoẻ kém lại thường dùng smartphone nhiều hơn. Ông đặt ra nghi vấn rằng thiết bị di động đã "huấn luyện" con người thói quen phụ thuộc vào chúng bằng các nội dung đầy tính kích thích khi sử dụng, thay vì khuyến khích các hoạt động bên ngoài. Sức hấp dẫn của iPhone còn đến từ kho ứng dụng vô tận trên App Store, khiến người dùng càng gắn chặt vào điện thoại. "Apple cần phải chịu trách nhiệm, nhất là các ứng dụng và trò chơi miễn phí gây nghiện trên App Store. Tuy vậy, điều đó khó xảy ra, bởi chúng mang lại nguồn tài chính lớn cho Apple", Gloria Mark nói. Các chuyên gia khác cũng cho rằng các thiết bị như iPhone đã làm mai một kỹ năng của con người. Chẳng hạn, việc sử dụng GPS quá nhiều khiến người dùng quên cách điều hướng, hay giao dịch tài chính giờ đây cũng gần như phụ thuộc vào thiết bị cầm tay. Chế ngự chính mình Apple được cho là cũng trở nên bất an với "vương miện" của mình. Trải qua 15 năm khiến nhiều người phụ thuộc vào thiết bị di động, giờ công ty đối mặt với một thách thức lớn hơn: chế ngự sức mạnh do chính mình tạo ra. Năm 2018, Apple phải đưa ra tính năng Screen Time để theo dõi và kiểm soát thời gian sử dụng iPhone, sau khi hứng chịu hàng loạt chỉ trích rằng thiết bị này gây hại tới sức khoẻ. Đầu năm nay, hãng bổ sung tính năng Focus để xác định người dùng đang trong trạng thái khác nhau, như "lái xe", "ngủ", "làm việc", sau đó tự điều chỉnh cài đặt và thông báo phù hợp. Apple cũng dự kiến cho ra mắt một mạng riêng ảo (VPN) gọi là Private Relay thời gian tới. Mục tiêu của mạng này là ẩn danh tính người dùng khỏi website mà họ truy cập, đồng thời có thể phát hành dịch vụ email dùng một lần có tên Hide My Email. Một số chuyên gia dự đoán, với tầm ảnh hưởng của Apple, công ty có thể tạo ra những xu hướng giúp người dùng kiểm soát việc sử dụng iPhone và smartphone trong tương lai. Tuy nhiên, hãng cũng sẽ phải cân bằng lợi ích của người dùng với việc tạo ra doanh thu mới. Đối với Barnard, anh thừa nhận đã nghiện iPhone và phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị thời gian sau đó. Dù vậy, các tính năng mới và cải tiến liên tục của Apple với sản phẩm đời sau khiến anh vẫn luôn cảm thấy hài lòng. Bảo Lâm (theo Telegraph)