iPhone được phát triển như thế nào Sản phẩm Apple trải qua nhiều giai đoạn lên ý tưởng, thử độ bền, phát triển phần cứng trước khi sản xuất đại trà. Trước khi ra mắt công chúng, thiết bị Apple trải qua nhiều giai đoạn phát triển, kiểm tra chất lượng. Một số bước quan trọng như thử nghiệm độ bền, khả năng chống nước, phần cứng và nhiều quy trình khác. Mỗi giai đoạn có quy trình kiểm tra khác nhau. Dù vậy, tất cả tuân theo mô hình thống nhất, đảm bảo sản phẩm không gặp lỗi khi đến tay người dùng. Lên ý tưởng thiết kế Giai đoạn phát triển đầu tiên liên quan đến thiết kế sản phẩm. Theo AppleInsider, nhóm phát triển của Táo khuyết thường tạo nhiều bản vẽ, mô hình khác nhau để hình dung thiết kế. Các mô hình đầu tiên thường không có linh kiện phần cứng do chỉ thể hiện ý tưởng thiết kế. Vật liệu dùng trong quy trình có thể khác nhau tùy độ phức tạp và thiết kế được chọn. Chẳng hạn, một số mô hình iPhone giai đoạn đầu làm bằng nhựa polycarbonate, trong khi thiết kế hoàn thiện chủ yếu dùng nhôm và kính. Bản mẫu thiết kế iPhone xuất hiện trong tài liệu vụ kiện Apple - Samsung năm 2012. Ảnh: AppleInsider. Trong giai đoạn này, không dễ xác định thiết kế sản phẩm dựa trên mô hình trừ khi có dấu hiệu liên kết trực tiếp với Apple. Ví dụ, có thể xác định mô hình thuộc sở hữu của Apple nếu dán mã nhân viên, sticker hoặc xuất hiện trên sách báo, tài liệu pháp lý. Trong vụ kiện với Samsung năm 2012, nhiều mô hình iPhone đời đầu được tiết lộ qua tài liệu tòa án. Thử nghiệm độ bền Sau khi quyết định thiết kế, các thông tin như tài liệu, bản vẽ sơ đồ và kích thước được gửi đến nhà cung ứng. Chúng được kiểm tra nhiều lần để đảm bảo linh kiện gắn khớp với nhau, chuẩn bị giai đoạn thử nghiệm độ bền (thả rơi, chống nước...). Tại các khu vực chuyên biệt trong nhà máy, môi trường thử nghiệm thả rơi gồm camera chuyển động chậm và robot. Để hiệu chỉnh thiết bị, các kỹ sư đôi khi sử dụng miếng nhựa có kích thước tương đương thiết kế mẫu. Trong giai đoạn này, mô hình iPhone được sản xuất với tên Drop1, gồm các thành phần quan trọng như vỏ, mặt lưng kính. Một số thiết bị thử nghiệm có nhiều màu trong trường hợp thay đổi màu sắc, chất liệu vỏ. Thiết bị chuyên dụng để thử nghiệm khả năng chống nước của iPhone. Ảnh: @MKBHD/X. Linh kiện trong mô hình Drop1 như pin, camera và mặt lưng là giả, làm bằng kim loại. Trong giai đoạn thử nghiệm, chúng được thả rơi ở độ cao và các góc cụ thể, ghi nhận và phân tích kết quả. Các thử nghiệm khác gồm thả mô hình vào ống nhựa có vật cản kim loại, ngâm chất lỏng để kiểm tra khả năng chống nước. Sau khi hoàn thành thử nghiệm, mô hình được chụp ảnh để phân tích hư hỏng. Các thiệt hại nặng về cấu trúc hoặc mạ PVD được ghi nhận và gửi đến bộ phận liên quan. Thông tin trong giai đoạn này dùng để chỉnh sửa, cập nhật lên mô hình tiếp theo mang tên Drop2, sau đó trải qua quy trình thử nghiệm tương tự. Nguyên mẫu phần cứng đầu tiên Sau thử nghiệm độ bền, dự án chuyển sang phát triển nguyên mẫu (Proto), nhằm tạo ra thiết bị đầy đủ chức năng, chứa mọi phần cứng cần thiết. Phần cứng trong thiết bị Proto vẫn là phiên bản đầu tiên, đồng nghĩa có nhiều thay đổi so với bản hoàn thiện. Trong một số trường hợp, các chỉnh sửa đến từ vỏ ngoài hay cổng kết nối. Nguyên mẫu Proto2 của iPhone 15 Pro (dưới) với nút chỉnh âm lượng cảm ứng lực. Ảnh: AppleInsider. Do khác biệt với sản phẩm đại trà, thiết bị trong giai đoạn Proto thường có giá trị sưu tầm cao. Tuy nhiên, chúng cũng khó sửa chữa do linh kiện không tương thích. Vì liên quan linh kiện phần cứng, giai đoạn thử nghiệm này diễn ra chặt chẽ hơn để đảm bảo chức năng hoạt động lâu dài. Các nhà máy thường lắp đặt thiết bị chuyên dụng nhằm kiểm tra từng thành phần, cảm biến. Giai đoạn Proto thường có 2 quy trình phụ, gọi là Proto1 và Proto2, dự phòng mọi thay đổi xảy ra từ kết quả thử nghiệm. Các thiết bị Proto chạy hệ điều hành iOS biến thể mang tên NonUI, được thử nghiệm bởi kỹ sư phần cứng. Kiểm tra kỹ thuật Giai đoạn quan trọng tiếp theo sau Proto mang tên EVT, viết tắt của Engineering Validation Testing (tạm dịch: Kiểm tra Xác thực Kỹ thuật), tập trung hoàn thiện phần cứng. Tương tự Proto, giai đoạn này gồm quy trình phụ như EVT-1, EVT-2... để phân biệt các phiên bản chỉnh sửa. Một số thiết bị Apple thậm chí có quy trình EVT dùng chữ như EVT-a. Theo AppleInsider, trường hợp này xảy ra nếu vấn đề nghiêm trọng được tìm thấy trong giai đoạn phát triển tiếp theo, hoặc trên sản phẩm đại trà. Điều này buộc Táo khuyết quay lại EVT để thử nghiệm, phát triển bổ sung. Nguyên mẫu EVT của iPod touch thế hệ 3 với camera sau, tính năng bị loại bỏ khỏi bản chính thức. Ảnh: DongleBookPro/YouTube. Ví dụ, phiên bản sản xuất hàng loạt của iPod touch thế hệ thứ 3 từng gặp lỗi bootrom khó sửa. Do đó, Apple phải chỉnh sửa, tạo nguyên mẫu EVT mới để sản xuất bổ sung. Nguyên mẫu EVT cũng chạy NonUI, chức năng có thể khác sản phẩm đại trà. Ví dụ, thiết bị EVT của iPhone 15 Pro dùng nút bấm cảm ứng lực, trong khi iPod touch thế hệ 3 có camera. Cả 2 tính năng này bị loại bỏ khỏi phần cứng chính thức. Kiểm tra thiết kế và sản xuất Sau EVT, thiết bị chuyển sang giai đoạn DVT, viết tắt của Design Validation Testing (Kiểm tra Xác thực Thiết kế), đảm bảo phần cứng sản phẩm hoạt động bình thường, đồng thời không có khiếm khuyết ngoại hình hay cấu trúc. DVT cũng có các giai đoạn phụ dùng số (DTV-1) và chữ (DVT-a). Những thiết bị này thường có ngoại hình khá tương đồng bản đại trà, được Apple gửi đến cơ quan quản lý để đánh giá tiêu chuẩn và cấp phép. Apple cũng gửi thiết bị DVT đến nhà mạng. Những thiết bị này gắn nhãn CRB (Cerrier Build), chức năng giống hệt nhưng dùng hệ điều hành CarrierOS - dựa trên InternalUI (phiên bản iOS nội bộ) nhưng có app thử nghiệm mạng như E911Tester. Nguyên mẫu DVT của iPhone SE. Ảnh: AppleDemoYT/YouTube. Giai đoạn tiếp theo có tên PVT, viết tắt của Production Validation Testing (Kiểm tra Xác thực Sản xuất). Đến đây, thiết bị gần như giống hệt bản chính thức, trừ việc sử dụng hệ điều hành NonUI. Thiết bị PVT tập trung hoàn thiện quy trình sản xuất. Với mọi sản phẩm, Apple cần đảm bảo khả năng sản xuất đại trà, không gặp vấn đề về thiết bị lẫn dây chuyền gia công. Một biến thể khác của PVT có tên PRQ (Post Ramp Qualification), được tạo trong trường hợp có thay đổi nhỏ, chẳng hạn như bổ sung màu mới sau khi phát hành. Do gần giống sản phẩm hoàn thiện, thiết bị PVT có giá trị sưu tầm thấp hơn, điểm đáng giá là chạy NonUI. Ngoại lệ đến từ nguyên mẫu PVTE (Production Validation Testing - Engineering). Nguyên mẫu PVTE của iPhone XS Max với tính năng lọc email thử nghiệm. Ảnh: AppleInsider. Khác với thiết bị PVT, PVTE được dùng bởi kỹ sư phần mềm của Apple với hệ điều hành InternalUI, giao diện iOS tiêu chuẩn kèm các tính năng phát triển nội bộ. Nguyên mẫu PVTE thường tích hợp tính năng phát triển, chưa ra mắt đại trà. Ví dụ, một chiếc iPhone XS Max giai đoạn PVTE có thể phân loại email, tính năng 5 năm sau mới ra mắt trên iOS 18. Sản xuất hàng loạt Sau khi hoàn tất toàn bộ giai đoạn phát triển, các nhà máy bắt tay sản xuất đại trà thiết bị trước ngày ra mắt. Phần cứng từng model được kiểm tra trước khi xuất xưởng để đảm bảo hoạt động bình thường. Trong giai đoạn này, sản phẩm vẫn dùng NonUI. Sau khi kiểm tra chất lượng, chúng được cài iOS hoàn thiện để rời nhà máy. Mọi thiết bị được Apple hoặc nhà bán lẻ giao cho khách có thể xem là sản xuất đại trà (MP - Mass Production). iPhone 15 Pro Max bản hoàn thiện. Ảnh: Bloomberg. Một số máy có thể không vượt qua kiểm tra chất lượng do lỗi phần cứng hoặc ngoại quan xấu, thường gửi ra ngoài để tái chế. Chúng vẫn chạy hệ điều hành NonUI nên có giá trị sưu tầm. Nhìn chung, sản phẩm Apple trải qua nhiều giai đoạn thiết kế, sản xuất khác nhau. Các sản phẩm được thử nghiệm rộng rãi liên tục để đảm bảo không có lỗi phần cứng khi đến tay người dùng. Khách hàng háo hức chờ đợi lấy iPhone 15 đã đặt trước tại TopZone. Đây cũng là lý do những sản phẩm Apple khi ra mắt luôn được người dùng đón nhận rất tốt. Với thế hệ iPhone 16 năm nay, TopZone vẫn sẽ là một trong những đơn vị cam kết có máy sớm nhất. với mức giá hợp lý. https://znews.vn/iphone-duoc-phat-trien-nhu-the-nao-post1483270.html