Nhà sáng lập Huawei: 'Chúng tôi có thể vượt Google' Ông Nhậm Chính Phi cho rằng việc buộc Huawei phải phát triển hệ điều hành mới sẽ chỉ khiến Android và iOS có thêm một đối thủ cạnh tranh. Trả lời phỏng vấn Sky News cuối tuần trước, nhà sáng lập Huawei thừa nhận việc bị đưa vào danh sách cấm, khiến các công ty Mỹ không thể bán linh kiện và phần mềm cho Huawei, đã ảnh hưởng lớn tới công ty. Trong đó, nguy cơ không thể tiếp tục sử dụng Android đã buộc họ phải sớm cho ra mắt hệ điều hành HarmonyOS. "Phải mất rất lâu để xây dựng hệ sinh thái của riêng mình. Trong thời gian tới, chúng tôi có thể sẽ không nằm trong số những nhà sản xuất smartphone hàng đầu", ông Nhậm nói. Tuy nhiên, sức ép này về lâu dài có thể lại mở ra một cơ hội cho Huawei và trở thành mối đe dọa với Mỹ. "Nếu chính phủ Mỹ không cho phép Google cung cấp Android, thế giới sẽ có thêm hệ điều hành thứ ba. Điều đó không mang lại lợi ích cho Mỹ, khi khiến một hệ điều hành mới ra đời. Bạn không thể loại bỏ cơ hội hệ điều hành thứ ba đó một ngày nào đó có thể vượt qua họ", ông Nhậm chia sẻ. Ông cũng nói thêm nếu không nhờ sự tuyên truyền của chính quyền Donald Trump, thế giới sẽ không biết đến sự cạnh tranh của các sản phẩm Huawei. Ông Nhậm Chính Phi. Ảnh: Sky News. HarmonyOS được Huawei công bố ngày 9/8. Phiên bản 1.0 sẽ được cài đặt đầu tiên trên các sản phẩm màn hình thông minh, dự kiến ra mắt cuối năm. Trong ba năm tới, HarmonyOS được tối ưu hóa và dần áp dụng trên một loạt thiết bị thông minh khác, như thiết bị đeo, smartphone, xe hơi... HarmonyOS được cho là "kế hoạch B" của Huawei nhằm thay thế Android của Google. Nền tảng này đã được phát triển từ năm 2012 nhưng mới chỉ được đề cập trở lại sau khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách thực thể, cấm các doanh nghiệp Mỹ hợp tác kinh doanh với Huawei trừ khi được chính phủ Mỹ cấp phép, từ ngày 16/5. Châu An