Google ra mắt chip nhanh 'không thể tưởng tượng' Google ngày 9.12 ra mắt một con chip máy tính lượng tử mới, được mô tả chỉ mất vài phút để hoàn thành các tác vụ mà một số máy tính nhanh nhất thế giới phải mất 10.000.000.000.000.000.000.000.000 (25 số 0) năm mới có thể hoàn thành. Theo AFP dẫn lời ông Hartmut Neven, người sáng lập Google Quantum AI, loạt chip mới có tên là "Willow", chỉ có kích thước khoảng 4 cm vuông nhưng lại sở hữu tốc độ "không thể tưởng tượng". Chip điện toán lượng tử mới "Willow" của Google ẢNH: AFP Đội ngũ của ông Neven gồm khoảng 300 người tại Google đang thực hiện sứ mệnh xây dựng máy tính lượng tử có khả năng giải quyết các vấn đề khó nhằn như năng lượng nhiệt hạch an toàn và ngăn chặn biến đổi khí hậu. Theo ông Neven, vẫn còn nhiều năm nữa mới có một máy tính lượng tử có thể giải quyết được những thách thức này, nhưng Willow tạo tiền đề cho một triển vọng lạc quan. "Chúng tôi coi Willow là một bước quan trọng trong hành trình xây dựng một máy tính lượng tử hữu ích với các ứng dụng thực tế trong các lĩnh vực như khám phá thuốc, năng lượng nhiệt hạch, thiết kế pin", Giám đốc của Google Sundar Pichai chia sẻ trên X. Theo AFP, điều quan trọng là con chip mới của Google đã chứng minh được khả năng giảm thiểu lỗi tính toán theo cấp số nhân khi mở rộng quy mô - một đột phá mà các nhà nghiên cứu đã không thể thực hiện được trong gần 30 năm. Theo người đứng đầu bộ phận phần cứng lượng tử của Google Julian Kelly, sửa lỗi là "mục tiêu cuối cùng" trong điện toán lượng tử và Google đang "tự tin tiến triển" trên con đường này. Tiến sĩ Peter Leek, nghiên cứu viên tại Viện Lượng tử của Đại học Oxford (Anh) đánh giá kết quả của Google là "ví dụ điển hình" về những cải tiến trong việc sửa lỗi, đồng thời cho rằng kết quả xử lý rất nhanh liên quan các phép tính "không có nhiều ứng dụng thực tế". Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn đầu, các nhà khoa học tin rằng máy tính lượng tử siêu nhanh cuối cùng sẽ có thể thúc đẩy sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực. Nghiên cứu lượng tử được coi là một lĩnh vực quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc. Washington cũng đã áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu công nghệ nhạy cảm này. Ông Olivier Ezratty, một chuyên gia về công nghệ lượng tử cho hay tổng đầu tư công và tư vào lĩnh vực này trên toàn thế giới trong 5 năm qua đã lên tới khoảng 20 tỉ USD. https://thanhnien.vn/google-ra-mat-chip-nhanh-khong-the-tuong-tuong-185241210083759288.htm