Google ra chatbot AI cạnh tranh với ChatGPT Google bắt đầu cho một nhóm người dùng thử nghiệm chatbot có tên Bard trước khi phát hành rộng rãi thời gian tới. Bard được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ LaMDA và cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT đang gây sốt thời gian qua. Trong bài đăng blog ngày 6/2, Google cho biết công cụ sẽ được mở cho "một nhóm người thử nghiệm tin cậy", sau đó sẽ ra mắt công chúng trong vài tuần tới. Người dùng có thể hỏi Bard để nhận về các câu trả lời chi tiết, như gợi ý nấu món gì cho bữa trưa, lên kế hoạch cho một buổi đi chơi. "Chúng tôi sẽ kết hợp đánh giá bên ngoài và thử nghiệm nội bộ nhằm đảm bảo phản hồi của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, độ an toàn và tính có căn cứ của thông tin trong thế giới thực", CEO Alphabet Sundar Pichai cho biết. Google Bard sẽ đối đầu với ChatGPT. Ảnh: DailyNation Google buộc phải tung ra Bard trong bối cảnh công ty đối mặt với những thách thức trong mảng kinh doanh tìm kiếm (Sear. Tuần trước, Alphabet báo cáo doanh thu không như kỳ vọng do quảng cáo kỹ thuật số đi xuống và nhà đầu tư lo ngại các đối thủ AI như ChatGPT của OpenAI có thể làm đảo lộn hoạt động tìm kiếm trực tuyến. Cuối năm ngoái, Google đưa ra cảnh báo "mã đỏ", thúc đẩy các kỹ sư của công ty thực hiện các giải pháp đối phó với ChatGPT. "Sắp tới, bạn sẽ thấy tính năng do AI cung cấp trong Google Search, giúp chắt lọc thông tin phức tạp và nhiều quan điểm khác nhau thành những định dạng dễ hiểu. Bạn có thể nhanh chóng hiểu bức tranh toàn cảnh và tìm thêm thông tin trên web", Sundar Pichai viết. Hãng lấy ví dụ việc sử dụng Bard trong đơn giản hóa các chủ đề phức tạp, như giải thích những khám phá mới từ kính viễn vọng James Webb của NASA cho một đứa trẻ 9 tuổi. Theo CNBC, trong một cuộc họp tháng 1, Jeff Dean, Giám đốc AI của Google, nói với nhân viên rằng công ty sẽ gặp nhiều "rủi ro về danh tiếng" nếu cung cấp thông tin sai. Do đó, Google cần "thận trọng hơn so với một công ty mới khởi nghiệp". Họ cần thử nghiệm nghiêm ngặt Bard trước khi phát hành ra công chúng. Trong khi đó, theo Reuters, hãng dịch vụ tìm kiếm Baidu (Trung Quốc) sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ công cụ Ernie Bot trong tháng 3. Ernie Bot là chatbot trí tuệ nhân tạo hoạt động tương tự ChatGPT và Bard. Baidu dự kiến triển khai AI này dưới dạng ứng dụng độc lập, sau đó dần hợp nhất vào dịch vụ tìm kiếm của mình. Microsoft, đang đầu tư hàng tỷ USD vào ChatGPT, cũng thông báo sẽ tổ chức sự kiện lớn vào ngày 7/2, nhưng không tiết lộ nội dung chính. Theo The Verge, nhiều khả năng hãng sẽ dành phần lớn thời gian để mô tả quá trình tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing và đẩy mạnh mối quan hệ đối tác với OpenAI. Tương tự, Google cũng đã gửi thư mời về sự kiện đặc biệt vào ngày 8/2, bàn về "sử dụng sức mạnh AI để thay đổi cách người dùng tìm kiếm, khám phá, tương tác thông tin". Minh Hoàng
ChatGPT khác biệt gì so với tìm kiếm Google ChatGPT có thể trả lời nhiều câu hỏi phức tạp với khả năng phản hồi tự nhiên, nhưng dữ liệu không cập nhật như Google Search. Cuối tháng 11/2022, công ty OpenAI giới thiệu ChatGPT - siêu trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ tốt người dùng trả lời câu hỏi, lập trình, làm luận văn, sáng tác nhạc... Sau 40 ngày, AI này vượt mốc 10 triệu người dùng và thường xuyên quá tải do lượng truy cập lớn. Với khả năng tương tác như người thật và hiểu ngôn ngữ tự nhiên, có ý kiến cho rằng ChatGPT có thể sớm thay thế công cụ tìm kiếm Google. Tuy nhiên, chính CEO Sam Altman của OpenAI đã khẳng định ChatGPT chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu và không thể đánh bại một gã khổng lồ như Google. Ảnh dựng về AI ChatGPT. Ảnh: Erick Butler/Unsplash Trong quá trình trải nghiệm, người dùng bắt đầu nhận ra siêu AI này vẫn tồn tại nhiều nhược điểm. Trong nhiều trường hợp, nó đưa ra câu trả lời không chính xác và vòng vo. OpenAI cũng thừa nhận hạn chế này và cho biết các kỹ sư cần thêm thời gian để điều chỉnh. Khác biệt giữa ChatGPT và Google Search Khác biệt đầu tiên giữa hai công cụ là giao diện và cách đưa ra câu trả lời. Trong khi ChatGPT hiển thị nội dung dưới dạng tin nhắn (chat), tạo cảm giác tự nhiên như đang trò chuyện với một người khác. Thời gian phản hồi khoảng 2-5 giây, tùy theo độ khó của từng vấn đề. Khi thấy câu trả lời không đầy đủ, không đúng hoặc chưa phù hợp, người dùng có thể chat lại để AI chỉnh sửa, bổ sung hoặc giải thích dữ liệu, thậm chí xin lỗi nếu nó đưa ra đáp án sai. Ngược lại, Google đã là công cụ tìm kiếm quen thuộc với người dùng Internet với tốc độ trả kết quả dưới một giây. Kết quả được hiển thị dưới dạng một danh sách các đường link để người dùng tự đọc, chọn lọc và tổng hợp thông tin. ChatGPT đưa ra câu trả lời trực tiếp, còn Google Search liệt kê đường link để người dùng tự tìm hiểu. Khác biệt thứ hai là nguồn dữ liệu. ChatGPT được huấn luyện dựa trên kho dữ liệu khổng lồ có từ trước năm 2021, nên không thể cung cấp thông tin mới nhất. Ví dụ, khi hỏi về dân số Việt Nam, ChatGPT đưa ra con số 96,8 triệu người của năm 2021 và không nêu rõ nguồn cụ thể. Trong khi đó, Google trả kết quả là 99.390.738 người vào ngày 31/1, dựa trên số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc. Đây được nhận định là một hạn chế lớn của ChatGPT. Theo giải thích từ chính ChatGPT, dữ liệu của nó được lấy từ tài liệu mở và trực tuyến trên Internet. Bên cạnh đó, nó được huấn luyện bằng công nghệ máy học sâu (deep learning) và trí tuệ nhân tạo của OpenAI. Do đó, câu trả lời sẽ không được đa dạng như trên Google Search. Xét về khía cạnh sàng lọc thông tin, hai bên có cách xử lý khác nhau. Công cụ tìm kiếm của Google cố gắng tránh phần lớn cạm bẫy nội dung bằng cách đẩy phần việc này cho người dùng, để họ tự lọc và đưa ra lựa chọn cho riêng mình. Ngược lại, ChatGPT tự tổng hợp câu trả lời hoàn chỉnh từ quá trình huấn luyện. Do đó, nó giúp người dùng rút ngắn thời gian khi cần ngay thông tin trong nhiều lĩnh vực, nhưng kém Google Search về khả năng cập nhật và kiểm chứng - vốn quét Internet để tìm dữ liệu theo thời gian thực. Đối với một số câu hỏi mẹo, ChatGPT dễ bị "lừa" hoặc chưa hiểu hết ý nghĩa và trả lại đáp án sai. Ngược lại, do dựa trên việc liệt kê đường link, người dùng có thể tìm kiếm các câu đố kèm lời giải nhanh chóng khi dùng Google Search. Theo nhận định của CNBC, ở giai đoạn này, kết quả từ Google vẫn đáng tin cậy nhờ nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển công cụ tìm kiếm cũng như nguồn tài chính khổng lồ để đầu tư cho công nghệ. Ngược lại, ChatGPT đang trong quá trình thử nghiệm và nhiều lần gặp tình trạng dừng hoạt động do quá tải. Theo Livemint, ChatGPT có thể được sử dụng để tìm kiếm thông tin, nhưng về bản chất, công cụ này không được thiết kế cho mục đích đó. Nó không thu thập thông tin trên web, nên không thể trích dẫn nguồn tin cho người dùng. Sam Altman, CEO OpenAI, nhận định ChatGPT chỉ mới ở giai đoạn đầu và không thể lật đổ Google. "Thật sai lầm khi cho rằng một công nghệ có thể đặt dấu chấm hết cho một gã khổng lồ", ông nói. Tuy nhiên, theo Paul Buchheit, "cha đẻ" của Gmail, người dùng mới chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng vì AI có thể thay đổi thói quen tra cứu thông tin trên mạng. Ông dự đoán trên Twitter rằng ChatGPT có thể khiến Google Search ngừng hoặc thay đổi cách thức hoạt động trong một hoặc hai năm nữa. "AI sẽ loại bỏ trang Kết quả tìm kiếm, nơi Google thu được nhiều tiền nhất", ông nói. Đồng quan điểm, Margaret O'Mara, Giáo sư chuyên nghiên cứu về lịch sử của Thung lũng Silicon tại Đại học Washington, cho rằng Google cần thận trọng trước ChatGPT và những mô hình tương tự. "Không công ty nào bất khả chiến bại. Tất cả đều dễ bị tổn thương. Đối với những công ty đã rất thành công, thật khó để họ có hành động đột phá tiếp theo với một điều gì đó khác", bà nhận định. Theo giới chuyên gia, các công cụ AI sẽ sớm không còn là thứ gây tò mò, mà trở nên phổ biến, được dùng hàng ngày như cách mọi người tìm kiếm trên Google. "Sáu tháng kể từ bây giờ, bạn sẽ thấy những điều tuyệt vời chưa từng thấy trước đây", Oren Etzioni, CEO Allen Institute for AI - tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và kỹ thuật AI, nói hồi giữa tháng 12/2022 trên WSJ. Minh Hoàng