Các dấu hiệu sớm cảnh báo đột quỵ Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến những di chứng không thể phục hồi, thậm chí tử vong. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đột quỵ là một bệnh lý gây tổn thương nghiêm trọng cho não bộ. Nguyên nhân xuất phát từ sự gián đoạn việc vận chuyển máu nuôi dưỡng não bộ do mạch máu bị tắc nghẽn hay bị vỡ. Nhận biết sớm dấu hiệu của đột quỵ để có thể xử lý và cấp cứu kịp thời là vô cùng quan trọng giúp điều trị kịp thời, tránh các di chứng. Peder B. Helland - Hope Có 2 loại đột quỵ: đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não. Trong đó, đột quỵ nhồi máu não, còn gọi là thiếu máu não cục bộ, là tình trạng động mạch não bị thuyên tắc một phần hoặc hoàn toàn dẫn tới việc lưu lượng máu cung cấp tới não bị giảm đột ngột. Tình trạng này chiếm đại đa số, khoảng 85% ca đột quỵ. Đột quỵ xuất huyết não còn gọi là xuất huyết nội sọ, là một trường hợp hiếm gặp hơn của đột quỵ, khoảng 15%. Tình trạng này xảy ra khi mạch máu não bị vỡ đột ngột làm máu tràn vào nhu mô não gây tổn thương não. Minh họa 3D mạch máu não và nguyên nhân gây đột quỵ TỶ LỆ TỬ VONG 10 - 20% Não là cơ quan điều khiển mọi hoạt động sống của cơ thể. Mỗi vùng trên não đảm nhận nhiệm vụ và vai trò khác nhau. Khi có tổn thương não xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của bệnh nhân. Ví dụ, nếu tổn thương vùng vận động, có thể gây ra tình trạng yếu liệt một bộ phận cơ thể hoặc thậm chí liệt nửa người. Nếu tổn thương vùng ngôn ngữ, người bệnh sẽ không nói được hoặc không hiểu được ngôn ngữ. Khoảng 30 - 50% người bệnh đột quỵ không thể có lại được khả năng độc lập về chức năng và 15 - 30% trong tổng số người bệnh đột quỵ bị khiếm khuyết vĩnh viễn. Mỗi năm trong nước có khoảng 200.000 trường hợp bị đột quỵ với tỷ lệ tử vong từ 10 - 20%. Trong đó, cứ 4 ca bị đột quỵ chỉ có 1 ca có thể độc lập đi lại. Do đó, nhận biết sớm các triệu chứng của đột quỵ là vô cùng quan trọng, để cấp cứu kịp thời và có điều trị phục hồi sau đột quỵ. Thời gian là mạng sống Đối với bệnh nhân bị đột quỵ, thời gian vàng cho cấp cứu là từ 3 - 6 tiếng (tốt nhất là trong vòng 3 tiếng). Cần xử trí đúng cách khi gặp người bị đột quỵ: đỡ hoặc dìu người đột quỵ, tránh té ngã gây tổn thương. Để người bệnh ở nơi thoáng mát, nằm nghiêng một bên nếu người bệnh nôn. Gọi xe đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh càng tốt, để có thể cứu sống kịp thời và làm giảm các di chứng do đột quỵ gây ra. Lưu ý, không tự ý xoa dầu nóng, cạo gió, dùng kim đâm đầu ngón tay hoặc cho uống bất kỳ loại thuốc nào khác. https://thanhnien.vn/cac-dau-hieu-som-canh-bao-dot-quy-185231211175120832.htm#