Điện thoại 2G lậu bị chặn nhập mạng từ 1/3 Các điện thoại chỉ hỗ trợ 2G (2G only), không có chứng nhận hợp quy, sẽ không thể nhập mạng di động mới từ 1/3. "Nhập mạng mới" được hiểu là thiết bị lần đầu kết nối vào mạng di động, hệ thống sẽ lưu lại số IMEI để dùng cho các lần kết nối sau. Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ cùng các nhà mạng triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn các thiết bị 2G only nhập mạng mới từ tháng tới. Đây là bước đi tiếp theo trong lộ trình dừng công nghệ 2G, phổ cập điện thoại thông minh, cũng như đảm bảo các thiết bị hoạt động trên mạng viễn thông công cộng hợp quy, an toàn. Theo đó, từ tháng tới, doanh nghiệp di động sẽ không cho phép nhập mạng mới với các điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G mà không thuộc danh sách được chứng nhận hợp quy do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố. Danh sách này có khoảng 4.000 thiết bị di động 2G, phần lớn là thiết bị đời cũ, được sản xuất từ lâu. Các mẫu điện thoại 2G only vốn bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam từ tháng 7/2021. Thông báo của Cục chỉ nhắc đến việc nhập mạng mới. Còn các thiết bị hợp quy và đang hoạt động sẽ có thể tiếp tục sử dụng đến tháng 9, trước khi Việt Nam tắt sóng 2G. Theo một số chuyên gia viễn thông, động thái mới của Cục Viễn thông có thể là biện pháp nhằm ngăn chặn máy 2G nhập lậu, thực tế vẫn xuất hiện ở Việt Nam thời gian qua bất chấp lệnh cấm. Các thiết bị này có giá khoảng vài trăm nghìn đồng, nhắm đến nhóm người dùng có thu nhập thấp, chưa có điều kiện sử dụng smartphone, hoặc người già, trẻ em chỉ sử dụng được máy "cục gạch". Ngoài ra, một số mẫu máy đời cũ, hàng "xách tay", được nhiều người Việt sưu tầm như BlackBerry, Nokia cũng có thể bị ảnh hưởng bởi động thái trên. Thời gian qua, thị trường xuất hiện một số mẫu nhái thương hiệu Nokia, là máy 2G only nhưng được can thiệp phần mềm để hiển thị sóng 4G giả, khiến nhiều người mua nhầm. Theo chuyên gia, người dùng cần cảnh giác khi mua điện thoại "cục gạch" tại các cửa hàng nhỏ thời gian này, bởi các nhóm bán hàng giả sẽ cố gắng đẩy nốt số hàng tồn trước ngày 1/3, hoặc có thể lắp sim trước để nhập mạng sau đó bán cho người dùng sau thời hạn trên. Một điện thoại 2G only nhái mẫu máy của Nokia, hiển thị sóng 4G giả, được phát hiện tháng 9/2023. Ảnh: Lưu Quý Trong trường hợp cần máy 4G giá thấp, người dùng có thể đến các đại lý lớn để mua điện thoại cơ bản với giá khoảng 400-600 nghìn đồng. Đại diện nhà mạng Viettel Telecom cho biết sẽ có phương án để trợ giá cho người dùng giai đoạn này, trong đó máy 4G dành cho người chỉ có nhu cầu nghe gọi có thể được mua giá 290 nghìn đồng. Theo thống kê đến giữa 2023, Việt Nam vẫn còn hơn 22 triệu thuê bao 2G, trong tổng số hơn 120 triệu thuê bao di động. Tuy nhiên trong đó, một phần không nhỏ người dùng đã có smartphone và dùng thêm máy 2G làm điện thoại phụ. Việc tắt sóng 2G sẽ giúp giải phóng tần số để sử dụng cho các thế hệ mạng mới, đồng thời thúc đẩy người dân sử dụng điện thoại thông minh, từ đó tiếp cận các dịch vụ số. Thực tế từ cuối 2022, một số nhà mạng như Viettel, Vinaphone, MobiFone cho biết đã tiến hành tắt sóng 2G và 3G ở những khu vực có nhu cầu thấp. Độ phủ sóng 4G trên dân số của Việt Nam đạt 99,8%, thuộc nhóm cao của thế giới. Lưu Quý https://vnexpress.net/dien-thoai-2g-lau-bi-chan-nhap-mang-tu-1-3-4714801.html