Đứng trước những hình phạt từ Mỹ, Huawei bắt đầu tìm cách tấn công lại các công ty công nghệ Mỹ với "vũ khí" là hàng chục nghìn bằng sáng chế mà công ty này sở hữu. Dưới sức ép từ Mỹ để "cắt" đường hợp tác với các công ty công nghệ, Huawei vẫn còn một thứ để phản công. Đó chính là những bằng sáng chế. Theo số liệu của trang thống kê AcclaimIP, Huawei sở hữu 56.492 bằng sáng chế trong lĩnh vực viễn thông, kết nối mạng và các lĩnh vực công nghệ khác. Huawei sẽ không ngại sử dụng số bằng sáng chế này để thu phí sử dụng, phí cấp phép như một cách để kiếm tiền từ thị trường Mỹ. Đã tới lúc Huawei phản công Theo New York Times, Huawei đã bàn thảo với Verizon, nhà mạng của Mỹ về việc thu tiền bản quyền Verizon đang sử dụng. Họ cũng đàm phán với Qualcomm và công ty sản xuất quốc phòng Harris Corp về vấn đề bản quyền ở những công nghệ như kết nối mạng và bảo mật đám mây. "Bản quyền, ở mức cơ bản nhất, chính là vũ khí của chiến tranh kinh tế. Họ bị thiệt hại vì lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Mỹ và cho rằng mình cần phải phản đòn", ông Brad Hulbert, luật sư hoạt động tại Chicago chia sẻ với Bloomberg. Huawei yêu cầu nhà mạng Verizon trả 1 tỷ USD cho bằng sáng chế. Ảnh: NY Times. Mỹ liên tục nhắc tới Huawei như mối nguy hại về an ninh, nhưng công ty này cũng đang mắc kẹt trong cuộc chiến tranh thương mại cũng như cuộc đua 5G. Trong khi đó, Trung Quốc coi Huawei như biểu tượng của sự thay đổi, từ một nước chỉ gia công trở thành cường quốc về công nghệ. "Huawei đã đầu tư rất nhiều tiền và họ muốn mọi người biết đến. Thực chất họ chỉ đang làm theo phương thức kinh doanh bình thường của ngành viễn thông", ông Jim McGregor, nhà phân tích tại Tirias Research nói. Trong ngành công nghệ nói chung, những đối đầu pháp lý vì bản quyền diễn ra thường xuyên. Công nghệ 5G đang trong giai đoạn đầu nên sẽ có nhiều bản quyền được chia sẻ. Trước đây, các công ty viễn thông như Ericssons AB và Nokia Oyj đều coi bản quyền là một ngành kinh doanh quan trọng. Qualcomm còn bị Ủy ban thương mại Mỹ (FTC) điều tra về độc quyền liên quan đến việc kinh doanh bản quyền. Vào tháng 2, Huawei và Samsung Electronics mới kết thúc một vụ kiện về bản quyền. Nhưng vượt qua câu chuyện kinh doanh thông thường, việc Huawei đòi tiền bản quyền từ những công ty như Verizon có thể coi là đòn phản công những lệnh cấm của Mỹ. Khai chiến với những gã khổng lồ Qualcomm và Huawei là 2 công ty có đóng góp lớn nhất về phát triển 5G. Ông Gregor cho rằng triển khai 5G phụ thuộc rất lớn vào cả Mỹ và Trung Quốc. "Trong vài năm trở lại đây, Huawei đã tăng nỗ lực để không chỉ đăng ký bản quyền mà còn có ảnh hưởng trong định tiêu chuẩn cho các công nghệ không dây. Dù mua thiết bị của họ hay của hãng khác, rất có thể các công ty vẫn sử dụng sáng chế của Huawei", ông Jim Gregor nhận xét. Huawei là công ty sở hữu nhiều bằng sáng chế về tiêu chuẩn 5G nhất hiện nay. Nguồn: IPlytics.Năm 2018, Huawei được cấp phép 1.680 bản quyền, là công ty đứng thứ 16 về số lượng bản quyền. Tính cả các bản quyền đã được xuất bản và đăng ký, họ sở hữu 102.911 bản quyền. "Ở vị trí và sức ép mà họ đang chịu đựng, Huawei chẳng có gì để mất và có thể theo đuổi đến cùng trận chiến về bản quyền với các công ty Mỹ", ông Peter Toren, luật sư về bản quyền tại Washington nói. "Tôi thấy chính phủ chẳng có cách nào để chặn họ. Họ sở hữu bản quyền cơ mà", ông Toren nhận xét. Bên bị đòi tiền, Verizon thì cho rằng những vụ việc này có dính líu tới cả chính trị. "Vấn đề không chỉ dừng lại ở Verizon. Trong bối cảnh địa chính trị, mọi vấn đề liên quan đến Huawei đều có ảnh hưởng tới cả ngành viễn thông, mối lo ngại của quốc gia và quốc tế", Verizon phát biểu về vụ tranh chấp bản quyền với Huawei. Ông Jim McGregor thì cho rằng Huawei hoàn toàn hợp lý khi đòi tiền Verizon, nhà mạng lớn nhất nước Mỹ. "Đằng nào cũng phải bắt đầu, và điều tốt nhất với Huawei lúc này là gây chiến với những công ty lớn nhất, những người đang triển khai công nghệ 5G", ông Gregor nhận xét.