Dấu ấn thị trường điện thoại Việt năm 2024 Thị trường smartphone 2024 chứng kiến cuộc đổ bộ của các thương hiệu Trung Quốc trên khúc cao cấp, trong khi doanh số máy giá rẻ, "cục gạch" 4G tăng mạnh. Sau năm 2023 đầy khó khăn, thị trường điện thoại Việt đón nhận những tín hiệu lạc quan khi đà giảm chung chấm dứt, doanh số khởi sắc ở phân khúc giá rẻ, người tiêu dùng chi nhiều tiền hơn cho điện thoại mới. Sự trở lại của các hãng Trung Quốc ở phân khúc cao cấp cũng tạo cuộc đua mạnh mẽ hơn, người dùng được hưởng lợi nhờ thêm lựa chọn, giá cạnh tranh. Thị trường khởi sắc nhờ chính sách tắt sóng 2G Theo ước tính của các hệ thống bán lẻ, tính đến hết tháng 11, dự kiến thị trường điện thoại năm 2024 sẽ tăng trưởng doanh số 20% so với năm ngoái. Con số ấn tượng này chủ yếu nhờ nhu cầu cao đối với điện thoại cơ bản có 4G, smartphone giá rẻ. Một mẫu smartphone 4G tầm giá dưới 2 triệu đồng có thể thay thế cho các điện thoại cơ bản cũ. Ảnh: Tuấn Hưng Việt Nam có kế hoạch tắt sóng 2G từ tháng 9, sau đó lùi sang 15/10 nhưng ngay từ đầu năm, các hệ thống bán lẻ đã chuẩn bị các chương trình khuyến mại, kế hoạch nhập hàng phù hợp. Từ quý II/2024, doanh số điện thoại cơ bản có 4G, smartphone giá rẻ bắt đầu tăng mạnh và đạt đỉnh đầu tháng 9. Nhiều người có nhu cầu mua máy mới vì sau mốc tắt sóng, thiết bị chỉ hỗ trợ mạng 2G, 3G không thể sử dụng để nghe gọi. Thống kê của hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu Counterpoint Research cũng cho thấy 51% smartphone bán ra tại Việt Nam trong quý III/2024 ở phân khúc giá dưới 5 triệu đồng. Một số hãng hưởng lợi giai đoạn này là những tên tuổi ít nổi trước đó như Tecno, Inoi, Nubia, ZTE bên cạnh các model bán chạy từ thương hiệu quen thuộc như Samsung Galaxy M15, Oppo A38 hay Xiaomi Redmi Note 13. Tuy nhiên, xu hướng mua sắm phân khúc giá thấp chững lại vào cuối năm. Mức chi cao hơn cho smartphone mới Xiaomi 14 Ultra, smartphone ở phân khúc trên 30 triệu đồng. Ảnh: Tuấn Hưng Nếu bỏ qua điện thoại có phím bấm 4G tăng đột biến, các hệ thống bán lẻ ước tính doanh số smartphone giảm khoảng 1%, nhưng doanh thu lại tăng 12% so với năm ngoái. Có nghĩa, mức chi của người dân khi mua điện thoại mới đã cao hơn đáng kể. Đại diện hệ thống bán lẻ CellphoneS cho biết giá trung bình smartphone bán ra trong năm nay tăng khoảng 10-15%. Phân khúc sôi động nhất vẫn là tầm trung, cận cao cấp với sự góp mặt của hầu hết thương hiệu trên thị trường. Năm nay, một số hệ thống cho biết dòng Galaxy A của Samsung tăng trưởng trở lại trong khi Oppo, Xiaomi cũng có kết quả khả quan về doanh thu trong phân khúc tầm trung, giá rẻ. Điện thoại gập: "Trong chán ngoài thèm" Năm 2024 chứng kiến nhiều thay đổi đối với smartphone gập bán tại Việt Nam khi các hãng gặp khó khăn, giảm doanh số, thậm chí tạm dừng cập nhật nhưng vẫn có thương hiệu mới gia nhập cuộc đua. Theo số liệu từ một nhà bán lẻ, Samsung thống trị thị trường và gần như không có đối thủ, nhưng doanh số điện thoại gập của hãng Hàn Quốc giảm 30% so với năm ngoái. Trong đó, dòng Z Fold6 bán tốt hơn nhưng không thể bù đắp cho kết quả không như kỳ vọng của Z Flip6. Giá thực mua bộ đôi này hiện rẻ hơn giá niêm yết hồi tháng 7 khoảng 10 triệu đồng. Galaxy Z Fold6 với tính năng Galaxy AI. Ảnh: Tuấn Hưng Từng làm chiến dịch ra mắt rầm rộ vào tháng 10/2023 và được đánh giá cao chất lượng sản phẩm, nhưng doanh số Find N3 và N3 Flip chưa tốt khiến Oppo không có kế hoạch bán sản phẩm mới trong năm 2024. Theo nguồn tin của VnExpress, hãng Trung Quốc vẫn duy trì đầu tư cho dòng gập với các hệ thống bán lẻ nhưng "sẽ chờ thời điểm thích hợp hơn". Oppo hiện chuyển hướng tập trung vào dòng điện thoại cao cấp Find X8 để đẩy mạnh thương hiệu và thăm dò người tiêu dùng Việt. Trong khi Samsung, Oppo gặp khó khăn để thuyết phục người dùng về sự tiện dụng, công nghệ mới của smartphone gập, một "tân binh" lại vừa gia nhập thị trường là Honor. Ngày 20/12, hãng sẽ bán tại Việt Nam chiếc Magic V3 mỏng nhất thế giới với giá 40 triệu đồng, cao hơn Galaxy Z Fold6 cùng phiên bản dung lượng 512 GB hiện tại. Honor từng là công ty con của Huawei nhưng sau đó tách riêng và hoạt động độc lập từ 2020. Họ trở lại Việt Nam chưa lâu, chủ yếu bán điện thoại giá rẻ, tầm trung nên việc tung ra điện thoại gập được cho là cách để tăng sức mạnh thương hiệu thay vì trông đợi vào doanh số. Thương hiệu Trung Quốc "đổ bộ" phân khúc cao cấp Find X8 Pro đánh dấu sự trở lại của dòng Find X sau hai năm của Oppo. Ảnh: Tuấn Hưng Điện thoại cao cấp tại Việt Nam là cuộc chơi của riêng Samsung và Apple nhưng sự lớn mạnh gần đây của công ty Trung Quốc đang khiến thị trường smartphone Việt trở nên sôi động. Ngoài cấu hình, khả năng chụp ảnh là ưu thế nổi bật của điện thoại Trung Quốc như Huawei, Vivo, Xiaomi hay Oppo. Cuối tháng 5, Mi 14 Ultra đánh dấu lần đầu Xiaomi bán dòng Ultra series cao cấp nhất của hãng tại Việt Nam. Oppo cũng mang trở lại dòng Find X sau hai năm vắng bóng ở thị trường trong nước vào cuối tháng 11. Cả hai đều có giá trên 30 triệu đồng và có điểm tựa là kết hợp với các hãng máy ảnh danh tiếng Leica và Hasselblad. Honor cũng "tiến đánh" phân khúc cao cấp với mẫu smartphone gập Magic V3 mỏng nhất thế giới. Trong khi đó, Huawei, Vivo đang bán những smartphone chụp ảnh gây sốt trong giới công nghệ nhưng mới xuất hiện ở Việt Nam thông qua đường xách tay. Trong đó, Pura 7 Ultra đứng đầu bảng xếp hạng chụp ảnh đẹp của DxOMark hay Vivo X200 Pro nổi bật với chất lượng chụp rất tốt và tính năng AI giả lập bốn mùa. Tuấn Hưng https://vnexpress.net/dau-an-thi-truong-dien-thoai-viet-nam-2024-4829000.html