Là nơi chôn cất lớn nhất TP HCM, nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) còn là nơi mưu sinh của những người dân sống quanh đây. 35 Giữa nghĩa trang Bình Hưng Hòa (nơi được quy hoạch thành khu phức hợp dân cư, thương mại), ngôi nhà lụp xụp 20 m2 này là nơi che mưa nắng cho gia đình 3 người của bà Đào Thị Lượm. "Tôi mới ở đây gần 3 năm nay thôi, đất được bà chủ cho mượn để dựng nhà, chỉ có tiền điện mỗi tháng phải trả. Ngoài hai mẹ con còn có đứa cháu nội. Ở đây không thích cũng phải thích vì thuê nhà trọ đắt lắm", bà Lượm (63 tuổi) tâm sự. Kế bên, trong căn nhà nhỏ 15 m2 lợp mái tôn, chắp vá bằng các ván gỗ, bà Võ Thị Thu (61 tuổi) đang chăm sóc mẹ già. Bà Thu hiện làm công việc quét dọn mồ mả với tiền công 500.000 đồng một tháng. "Hồi mới ở nhát lắm, hai vợ chồng, rồi sau thêm mẹ già, ở miết 20 năm nay nên không còn sợ. Nghe chuyện giải tỏa nghĩa trang, tôi cũng lo lắng vì chưa biết sau này sẽ ở đâu. Đành tới đâu hay tới đó", bà Thu thở dài. Những đứa trẻ con của các gia đình chơi đá bóng trong khuôn viên nghĩa trang. Còn ông Lý Chí Cường (64 tuổi) cho biết đã gắn bó với công việc trông coi mộ hơn năm nay. "Mồ mả sạch sẽ thì người ta cho tiền đủ uống cà phê. Bữa có nghe nghĩa trang sắp giải tỏa nhưng cũng không lo lắm, nếu có thì tôi về nghỉ ngơi", ông Cường nói. Bà Nguyễn Thị Hồng tưới nước, dọn dẹp vệ sinh các ngôi mộ. Bà Hồng cho biết đã gắn bó với nghề 15 năm với tiền công mỗi tháng khoảng 1,5 triệu đồng. "Giải tỏa nghĩa trang tôi lo lắm vì sau này hai mẹ con không biết làm gì", bà Hồng chia sẻ. Người đàn ông thu gom ve chai ve tận dụng ngôi mộ làm nơi tập kết phế liệu. Tận dụng khoảnh đất trống trong nghĩa trang, một công nhân đốt lửa lấy dây đồng để đem bán. "Nghĩa trang này ngày càng ô nhiễm vì đủ loại rác thải, phế liệu đổ về đây", một người bán hàng ven nghĩa trang bức xúc. Nhiều người tìm đến hồ nước bên nghĩa trang Bình Hưng Hòa để câu cá, thư giãn cuối tuần. Khoảng một tuần nay, nghe tin quận Bình Tân đấu giá nghĩa trang làm khu phức hợp cao cấp, nhiều người tìm đến đây để dò hỏi thông tin. "Gia đình tôi hiện còn hai ngôi mộ chưa di dời nhưng còn chờ xem việc bồi thường ra sao mới giải quyết cụ thể", ông Hoàng (quận Bình Tân) nói. Một góc nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã được di dời. Đến nay, tại đây còn hàng nghìn ngôi mộ chưa có thân nhân đến nhận. Nghĩa trang Bình Hưng Hòa nằm ở phía Tây, cách trung tâm TP HCM khoảng 12 km. Nghĩa trang có từ trước năm 1975, nhưng qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, dần dần nghĩa trang lọt thỏm trong khu dân cư. Do lo ngại ô nhiễm môi trường nên năm 2008, UBND TP HCM đã ra quyết định giải tỏa nghĩa trang lớn nhất thành phố này. Từ năm 2013, dự án di dời Nghĩa trang Bình Hưng Hòa nằm trong danh sách được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025. Dự án có kinh phí đầu tư lên đến gần 2.500 tỷ đồng. Theo quy hoạch, trong tổng số 44 ha đất giải tỏa, có 24 ha được làm công viên cây xanh, 12 ha dùng làm trung tâm thương mại, 8 ha còn lại làm khu phức hợp từ sau năm 2020. Đọc thêm : https://anlacvien.com/