Các nhà mạng tăng tốc Năm 2025 được khởi hành với cuộc đua công nghệ 5G và mạng internet với tốc độ tính bằng Gbps của các nhà mạng Việt Nam đang tăng tốc thực hiện các mục tiêu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, tiến tới xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Điều này cần dữ liệu lớn, sức mạnh xử lý và đặc biệt là tốc độ kết nối internet nhanh, rộng thoáng hơn. Ứng dụng cần tốc độ cao Năm 2025 là năm mà trên thế giới, những ứng dụng như livestream, thực tế tăng cường AR, thực tế mở rộng XR... cũng như nhu cầu xem TV, video trên mạng cần độ phân giải cao. Theo tạp chí PC Mag, tốc độ kết nối internet lý tưởng cho một hộ gia đình phụ thuộc vào số lượng thiết bị và các tác vụ đang thực hiện. Có sự khác biệt lớn giữa một căn hộ chỉ có một máy tính duy nhất trên web và một ngôi nhà đầy đủ từ tầng hầm đến gác xép với máy tính xách tay, điện thoại thông minh, máy chơi game, máy tính bảng, thiết bị nhà thông minh… được kết nối internet. Liên minh châu Âu (EU) có mục tiêu cung cấp tốc độ internet ít nhất là 100 Mbps cho các hộ gia đình; cung cấp vùng phủ sóng 5G không bị gián đoạn cho tất cả các khu vực đô thị và các tuyến giao thông chính. Lộ trình băng thông rộng thế hệ tiếp theo của Hiệp hội Băng thông rộng thế giới (WBBA) đề ra tốc độ lên tới 1Gbps cho người dùng dân dụng và 100 Gbps cho các dịch vụ doanh nghiệp. Điểm nổi bật trong dịch vụ mạng viễn thông di động ở Việt Nam trong năm 2025 là sự phủ sóng thương mại của công nghệ 5G siêu tốc. Đến đầu năm 2025, VinaPhone 5G đã có mặt tại tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước. Với lợi thế băng thông lớn, độ trễ cực thấp, VinaPhone 5G mang đến tốc độ internet siêu nhanh, tốc độ thương mại thực tế có thể lên đến 1,5 Gbps, gấp 10-20 lần mạng 4G. Trong giai đoạn đầu, các nhà mạng 5G chú trọng phủ sóng và cung cấp dịch vụ tại các khu vực trọng điểm về kinh tế - xã hội như trung tâm hành chính quận - huyện, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay, trường học, bệnh viện, khu du lịch. Công nhân nhà mạng VNPT VinaPhone lắp đặt trạm phát sóng 5GẢnh: VNPT Cần hạ tầng mạnh, ổn định Trên nền tảng tốc độ internet cố định được tăng cao, các nhà mạng cũng có điều kiện để hỗ trợ các chuẩn internet di động WiFi cao tốc. Chẳng hạn như WiFi 6 do FPT cung cấp được giới thiệu nhanh hơn gấp 3-5 lần WiFi 5. Một gói cước có băng thông lý thuyết là 1 Gbps, khi sử dụng modem WiFi 5 chỉ đạt tốc độ kết nối khoảng 200-300 Mbps nhưng với modem WiFi 6 có thể đạt tới 600-700 Mbps. VNPT thông báo sắp tới sẽ hỗ trợ cả WiFi 7 cao nhất hiện nay. Theo Intel, lợi ích đối với một chiếc máy tính xách tay WiFi 7 điển hình là tốc độ dữ liệu tối đa tiềm năng đạt gần 5,8 Gbps; nhanh hơn 2,4 lần so với 2,4 Gbps có thể có với WiFi 6/6E và có thể dễ dàng cho phép phát trực tiếp video 8K chất lượng cao hoặc giảm thời gian tải tệp "khủng" 15 GB xuống còn khoảng 25 giây. Cuộc đua tốc độ internet cao tốc đòi hỏi các nhà mạng viễn thông ở Việt Nam phải tăng tốc tăng cường các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến hàng đầu trong ngành, đồng thời phát triển hạ tầng cơ sở mạng. Để bảo đảm chất lượng sóng 5G, các nhà mạng phải mở rộng mạng lưới các trạm thu phát sóng BTS. Điều mà người dùng internet Việt Nam quan tâm là chất lượng các tuyến cáp kết nối internet quốc tế mà trong những năm qua đã thường xuyên gặp quá nhiều sự cố ở các tuyến cáp quang biển vốn là chủ lực. Tuyến cáp quang biển quốc tế mới ADC đã bắt đầu vận hành từ ngày 19-12-2024, do Tập đoàn Viettel tham gia đầu tư. ADC sẽ là tuyến cáp biển có dung lượng lớn nhất tại Việt Nam (gấp 2 lần tuyến cáp có dung lượng lớn nhất của Việt Nam trước đó là AAE-1). Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions, cho biết: "Tuyến cáp quang biển ADC sẽ giúp hỗ trợ san tải với các tuyến khác, từ đó góp phần nâng cao độ an toàn mạng lưới, an toàn thông tin quốc gia cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông của nhà mạng, đặc biệt trong bối cảnh các dịch vụ mới yêu cầu tốc độ và băng thông internet lớn như 5G, AI, IoT, AR/VR. Trong Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 10-2024, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 đưa vào khai thác tối thiểu thêm 2 tuyến cáp quang biển quốc tế mới. Sau ADC, tuyến cáp quang biển SJC-2 dự kiến hoạt động thời gian tới. Đến 2030, Việt Nam sẽ đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 6 tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng dung lượng thiết kế cáp quang trên biển đạt tối thiểu 350 Tbps. Ngoài ra, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu 1 tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ; triển khai và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu 1 tuyến cáp quang đất liền quốc tế. Người dùng hưởng lợi Cuộc đua tốc độ internet năm 2025 đã mang lại lợi ích cho người dùng với các gói cước internet cáp quang tốc độ cao nhất lên đến 1Gbps ở mức vừa phải. Viettel có gói cước SUN3H có tốc độ lên tới 1Gbps với giá 330.000 đồng/tháng. VNPT VinaPhone đưa ra gói cước combo Home Đỉnh 2 với tốc độ tối đa 1Gbps có giá 339.000 đồng/tháng. VNPT VinaPhone cũng cung cấp tốc độ cáp quang cơ bản thấp nhất 200Mbps (giá 165.000 đồng/tháng). Người dùng tại các khu vực hỗ trợ siêu công nghệ XGSPON (sử dụng cáp quang để truyền tải dữ liệu với tốc độ lên đến 10Gbps) cũng sẽ được trải nghiệm băng thông đối xứng (tốc độ download và upload cùng đạt 10Gbps) lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam. https://cafef.vn/cac-nha-mang-tang-toc-188250105134422406.chn