Theo thống kê của Newzoo, năm 2021, có gần 3 tỷ người chơi game trên toàn cầu, tăng 5,3% so với năm 2020. Doanh số thị trường game nói chung ước tính đạt 175,8 tỷ USD năm 2021 và dự kiến sẽ tăng lên 218,7 tỷ USD năm 2024, dự đoán một sự bùng nổ của ngành công nghiệp trò chơi. Công nghệ blockchain là chất xúc tác đáng kể cho sự tăng trưởng này. Hoà cùng vào sự sôi động của thị trường game thế giới, Việt Nam cũng chứng kiến sự nở rộ của các dự án game blockchain "made in Vietnam" thời gian gần đây, thậm chí có những game NFT của người Việt trở thành hiện tượng khi lần đầu tiên đạt doanh thu 1 tỷ USD, giá trị vốn hóa trên thị trường đạt 8,5 tỷ USD. "Thị trường đang chứng kiến sự chuyển dịch từ game-to-play (game để chơi) sang game-to-earn (chơi để tạo ra thu nhập) một cách dễ dàng hơn. Trong đó, những thành phần là nhà phát hành, người chơi sẽ tạo ra một nền kinh tế thu nhỏ ngày càng sống động", ông Hân Nguyễn. Ở thời điểm năm 2009, Thủ Đô Multimedia là một trong những đơn vị tiên phong trong mảng phát triển các giải pháp dịch vụ online trên di động, trong bối cảnh các nhà mạng bắt đầu ra mắt mạng 3G, các dịch vụ giá trị gia tăng còn manh nha, chưa phát triển. Đến năm 2016 được ví như thời kỳ hưng thịnh của game mobile trên smartphone, nhiều nhà phát triển game nước ngoài thâm nhập và chinh phục người dùng nội địa, công ty quyết định dừng mảng game dù đã đạt được nhiều thành tựu, lấn sân sang lĩnh vực giải pháp truyền hình. Đến năm 2020, Thủ Đô Multimedia quyết định quay lại lĩnh vực vốn là thế mạnh, tham vọng trở thành studio game Việt ứng dụng blockchain khai thác tiềm năng của thị trường được dự báo trăm tỷ USD. "Ứng dụng blockchain trên cơ sở minh bạch, cũng như tạo ra môi trường trao đổi cho người chơi game thông qua nhà phát hành sẽ trở thành xu thế. Tiềm năng của việc ứng dụng blockchain cho lĩnh vực game, giải trí là rất lớn", vị CEO nhận định. Tuy nhiên, theo ông Hân Nguyễn, thị trường sản phẩm game blockchain hiện nay chủ yếu hướng tới giao dịch tiền mã hoá mà không thực sự chú trọng vào trải nghiệm giải trí của người chơi, lợi ích của cộng đồng game thực thụ. Mới đây, vào tháng 7, game NFT Bemil do Thủ Đô Multimedia bảo trợ phát triển dựa trên nền kinh tế P2E (Play to Earn – chơi để tạo ra thu nhập), do một nhà phát hành ở Serbia phân phối tại thị trường nước ngoài cũng đã thu hút sự chú ý của cộng đồng game thủ. Game này đã có 200 nghìn lượt tải trong 6 tháng đầu tiên ra mắt, với 35.000 thành viên trên Telegram, hơn 52.000 người theo dõi trên Twitter, lượng người theo dõi trên Fanpage tăng 200% mỗi tháng. Bắt đầu tích hợp blockchain vào bảo vệ bản quyền nội dung số là một trong những bước đi chiến lược của Thủ Đô Multimedia. Hiện doanh nghiệp này đang sở hữu toàn bộ giải pháp của một đài truyền hình trên nền tảng Internet, bao gồm cả OTT và IPTV. Năm 2020, Thủ Đô Multimedia từng công bố nghiên cứu và phát triển thành công giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trên môi trường mạng, bằng cách kết hợp DRM (giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số) và Finger Print Online (giải pháp phát hiện nguồn phát tán nội dung), do các kỹ sư Việt Nam phát triển. Giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số của công ty (mang tên thương mại là Sigma DRM) đã được tổ chức Cartesian kiểm định và chứng nhận đạt tiêu chuẩn bảo mật quốc tế, đưa Thủ Đô Multimedia trở thành 1 trong 6 doanh nghiệp của châu Á đạt được chứng nhận này. Lãnh đạo công ty cho hay, đội ngũ kỹ sư đang "nâng tầm" giải pháp này bằng việc ứng dụng blockchain, nhằm giải quyết "nỗi đau" lớn nhất trong ngành sáng tạo nội dung là vấn nạn xâm phạm bản quyền. Với hợp đồng thông minh, blockchain cho phép tạo nên một hệ thống minh bạch, ghi nhận những hoạt động chia sẻ "chất xám" – những tài sản vô hình, từ đó tự động ghi nhận số lượt sử dụng và tính phí các bên liên quan một cách dễ dàng, tránh tình trạng nhà sáng tạo không thể kiểm soát nội dung bị phát tán. Điều này góp phần vào sự văn minh, minh bạch trên môi trường số và thúc đẩy những nhà sáng tạo tiếp tục cống hiến và nhận được thành quả xứng đáng. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang phát triển nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Fado Go với ứng dụng blockchain trong tính năng trả Loyalty cho người mua hàng (chương trình dành cho khách hàng thân thiết)... Theo đó, người dùng sẽ được tích luỹ điểm, quy đổi quà tặng... mà không bị giới hạn bởi thời gian, nhà cung cấp, đảm bảo an toàn, bảo mật trên nền tảng blockchain. "Không chỉ được ứng dụng bởi các nhà phát hành game, giải trí... blockchain hiện đã mở rộng tới những nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm, đơn cử là những thương hiệu lớn như Nike, Cocacola... đều đã ứng dụng blockchain để tăng mối liên kết với người dùng. Trong 10 năm nữa, nếu không biết đến blockchain, cũng giống như bạn đang không biết cách sử dụng Internet vậy", ông Hân nói, khẳng định sự phát triển tất yếu của công nghệ blockchain. "Có thể nói Internet đến thời điểm này đã trải qua các thời kỳ từ mạng nội bộ cho đến thời kỳ rực rỡ nhất, sau đó bắt buộc phải xuất hiện cái mới. Là người làm công nghệ, chúng tôi luôn phải đặt câu hỏi bước tiếp theo là gì, có thể blockchain sẽ là thế hệ thứ 3 của Internet", CEO Thủ Đô Multimedia chia sẻ. Cũng theo ông Hân, trong "thế giới công nghệ phẳng" như hiện nay, người Việt Nam hoàn toàn có những tố chất cần thiết như sự thông minh, nhanh nhẹn – nền tảng để nắm bắt cơ hội, cung cấp cho thế giới những sản phẩm mang màu sắc Việt Nam khác biệt của mình. Nội dung: Phạm Vân - Ảnh: Trọng Tùng - Thiết kế: Pháp Trần
Nói thật đa cấp trá hình, muốn có tướng phải nạp tiền mua, mua ở đâu => mua ở shop game, ai bán ==> NPH. Trên chợ bán đồ cũng toàn nick ảo của NPH đẩy đồ rồi bán, nói chung ấm tui xong mấy a lại cho sập.