Bing AI dựa trên GPT-4 được cho dùng toàn cầu Người dùng toàn cầu hiện có thể sử dụng Bing AI, phiên bản thông minh hơn của ChatGPT, mà không cần đăng ký danh sách chờ. Ba tháng sau khi giới thiệu Bing AI - được phát triển trên mô hình GPT-4 mạnh hơn GPT-3.5 trong ChatGPT, Microsoft quyết định triển khai đại trà công cụ tìm kiếm mới. Trước đó, người dùng bị giới hạn truy cập, cần tài khoản Microsoft để đăng ký dùng thử và được đưa danh sách chờ đến lượt mới được sử dụng. Giao diện Bing AI mới. Ảnh: Bảo Lâm Giờ đây, họ chỉ cần cài đặt Microsoft Edge để sử dụng phiên bản Bing mới. Tuy nhiên, người dùng vẫn bị giới hạn 5 truy vấn mỗi ngày nếu không đăng nhập, hoặc 20 truy vấn nếu đăng nhập tài khoản Microsoft. Theo CNN, bên cạnh thu hút thêm người dùng tìm kiếm bằng Bing, việc Bing AI chỉ hoạt động riêng trên Edge là động thái giúp Microsoft tăng thị phần trình duyệt này. Trải nghiệm cho thấy, Bing AI có thể trả lời các câu hỏi nhanh, hỗ trợ cả tiếng Việt. Tuy nhiên, ở một số truy vấn về ngày tháng, như hỏi về ngày âm lịch, công cụ của Microsoft vẫn dựa vào giờ Mỹ, dù khu vực hiển thị đã được cài đặt trên trình duyệt là Việt Nam. "Chúng tôi đang ngày càng cải thiện tốc độ và độ chính xác theo cách tốt hơn", Yusuf Mehdi, Phó chủ tịch phụ trách sáng kiến AI của Microsoft, nói tại sự kiện ở New York ngày 4/5. Theo Mehdi, Bing AI đã có hơn 100 triệu người dùng hàng ngày từ đầu tháng 3, chỉ một tháng sau khi công cụ tìm kiếm tích hợp công nghệ tương tự ChatGPT. Đại diện Microsoft cho biết sắp tới người dùng có thể đặt câu hỏi bằng hình ảnh, truy cập lịch sử trò chuyện để chatbot "ghi nhớ mối quan hệ với người dùng" và xuất các phản hồi sang Microsoft Word. Người dùng cũng có thể cá nhân hóa giọng điệu và phong cách phản hồi của chatbot, chẳng hạn yêu cầu câu trả lời dài hoặc ngắn và đi thẳng vào vấn đề. Ngoài bổ sung AI cho việc tìm kiếm, Microsoft cũng đang lên kế hoạch tích hợp sâu hơn ChatGPT vào các ứng dụng như Word, Excel và Outlook. Bing AI được Microsoft công bố ngày 7/2. Khi ra mắt, công cụ hoạt động dựa trên mô hình ngôn ngữ GPT-3.5 nhưng đã mở quyền truy cập GPT-4 vào giữa tháng 3. Bing mới được kỳ vọng trở thành đối trọng của Google Search sau thời gian dài sản phẩm của Alphabet áp đảo thị phần. Động thái mới nhất của Microsoft diễn ra sau khi giới chuyên gia kêu gọi dừng phát triển các mô hình AI tạo sinh. Cuối tháng 3, các tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ, như Elon Musk và nhà đồng sáng lập Apple Steve Wozniak, đã cùng ký vào bức thư đề nghị các phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo ngừng đào tạo các hệ thống AI mạnh hơn GPT-4 trong ít nhất 6 tháng vì lo ngại "mang rủi ro sâu sắc đối với xã hội và nhân loại". Mehdi nói ông không tin ngành công nghiệp AI đang phát triển quá nhanh và cho rằng việc kêu gọi trên là không hữu ích. "Một số người nghĩ chúng tôi nên dừng phát triển AI trong 6 tháng, nhưng tôi không chắc điều đó có thể giúp sửa chữa hoặc cải thiện mọi thứ", Mehdi nói với CNN. "Cách duy nhất để làm tốt là công khai để mọi người cùng thảo luận về nó". Bảo Lâm (theo CNN) https://vnexpress.net/bing-ai-dua-tren-gpt-4-duoc-cho-dung-toan-cau-4601214.html
ChatGPT tốn nửa lít nước để trả lời 50 câu hỏi Trung tâm dữ liệu vận hành siêu AI ChatGPT đòi hỏi lượng nước khổng lồ cho hàng tỷ câu hỏi do người dùng đưa ra. Nghiên cứu mang tên "Giúp AI ít khát nước hơn" được các chuyên gia tại Đại học Colorado Riverside và Đại học Texas của Mỹ tiến hành tháng trước cho thấy một lượng lớn nước đang được sử dụng để làm mát trung tâm dữ liệu vận hành AI, từ đó đánh giá tác động của lĩnh vực này với môi trường. Trong đó, các trung tâm dữ liệu của Microsoft và OpenAI tại Mỹ sử dụng hơn 700.000 lít nước trong quá trình huấn luyện mô hình GPT-3, tương đương với lượng nước đủ làm mát một lò phản ứng hạt nhân. Con số có thể tăng gấp ba lần nếu quá trình huấn luyện diễn ra tại trung tâm dữ liệu khổng lồ của Microsoft ở châu Á. Một hệ thống máy chủ vận hành ChatGPT, dựa trên nền tảng đám mây Azure. Ảnh: Microsoft Các nhà nghiên cứu nhận định một cuộc trò chuyện cơ bản cùng ChatGPT, với 20-50 câu hỏi và phản hồi, có thể dùng hết 500 ml nước. Tổng lượng nước được đánh giá là khổng lồ khi thực tế số người dùng lên đến cả trăm triệu cùng hàng tỷ câu hỏi được đưa ra thời gian qua. Nghiên cứu của hai trường đại học tập trung vào mức độ tiêu thụ nước và lượng nước bị thất thoát do bốc hơi tại trung tâm dữ liệu. Các trung tâm này sử dụng hệ thống làm mát bằng không khí và tản nhiệt nước. Cả hai đều cần lượng lớn nước sạch để tránh tình trạng ăn mòn và vi khuẩn gây tắc ống dẫn, một phần nước sẽ bị tiêu hao khi bốc hơi tại những tháp làm mát. Phương pháp thứ hai tốn nước hơn, nhưng hiệu quả năng lượng và hiệu năng cao hơn Các chuyên gia kêu gọi áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế nước, trước khi những trung tâm dữ liệu trở thành vấn đề đe dọa môi trường. Hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới cũng hiểu rõ hoạt động của họ gây lãng phí lượng lớn nước ngọt, nhưng sự nổi lên của công nghệ AI khiến vấn đề này ngày càng trở nên cấp thiết. Nước cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng khi tạo chip, làm sạch các tấm wafer ở nhiều giai đoạn của quá trình sản xuất. Ví dụ, nhà máy Intel ở Chandler (Mỹ) sử dụng tới 41 triệu lít nước mỗi ngày. Tuy nhiên, với việc mở rộng nhà máy trong tương lai, con số này sẽ tăng lên đáng kể. Đây cũng là thách thức lớn của Intel, do Arizona là một bang thường xuyên xảy ra hạn hán, trong khi nơi đây cũng phải dùng nước phục vụ cho mục đích nông nghiệp. Điệp Anh (theo Mashable) https://vnexpress.net/chatgpt-ton-nua-lit-nuoc-de-tra-loi-50-cau-hoi-4600482.html