Apple khuyến cáo không bỏ iPhone ướt vào thùng gạo Tài liệu hỗ trợ mới của Apple nói khi iPhone gặp sự cố vào nước, người dùng không nên vùi thiết bị trong gạo. Theo Apple, có ba điều người dùng tránh thực hiện khi iPhone dính nước, đặc biệt là ở khu vực lỗ cắm cáp sạc: không làm khô iPhone bằng nguồn nhiệt bên ngoài hoặc khí nén; không nhét vật lạ như tăm bông hoặc khăn giấy vào cổng cắm; không bỏ iPhone vào túi gạo vì "hạt gạo nhỏ có thể làm hỏng iPhone". Chiếc iPhone 14 được đặt trong hộp gạo để hút ẩm. Ảnh: Khương Nha Thay vì những cách trên, Apple khuyên người dùng tắt máy, úp điện thoại xuống hoặc dựng đứng để loại bớt chất lỏng dư thừa, sau đó đặt ở nơi khô ráo, có luồng gió nhẹ. Sau ít nhất 30 phút, thử cắm sạc bằng cáp Lightning hoặc USB-C. Nếu nhận thấy còn chất lỏng trong đầu nối hoặc dưới chân cáp, tiếp tục đặt máy ở nơi khô ráo, có luồng gió nhẹ "tối đa một ngày" và cắm sạc lại. Nếu điện thoại đã khô nhưng vẫn không sạc được, hãy rút cáp rồi kết nối lại. Khi những cách trên vẫn không thành công, nên liên hệ với bộ phận hỗ trợ của Apple để được tư vấn. Theo 9to5mac, cách làm của Apple chỉ phù hợp với các mẫu iPhone bị dính nước nhẹ ở phần cổng cắm sạc, trong khi hầu hết iPhone đều có tính năng kháng nước. Công ty không đề cập đến việc xử lý với các trường hợp iPhone mất chức năng này. Hiện iPhone đã đạt chuẩn IP68, hỗ trợ khả năng chống nước trong điều kiện nhất định, như hoạt động dưới nước ở độ sâu một mét trong 30 phút. Dù vậy, Apple và các nhà sản xuất Android đều không bảo hành cho smartphone vào nước. Màn hình cảm ứng và giao diện iOS cũng không hoạt động hiệu quả khi thiết bị ở dưới nước. Vì sao nhiều người tin gạo hút ẩm điện thoại? Theo The Verge, dùng gạo hút ẩm cho điện thoại bị vào nước là "bí kíp" được truyền qua nhiều thế hệ. Quan niệm này xuất phát từ giới nhiếp ảnh. Năm 1946, một bài báo trên Popular Photography nói trà, giấy nâu và gạo là những thứ có thể thay vật hút ẩm nếu người dùng đến nơi có khí hậu ẩm ướt. Năm 1996, tạp chí Make it Last cũng liệt kê gạo nằm trong số hơn 100 cách giúp kéo dài tuổi thọ thiết bị nhờ khả năng hút ẩm. Sau đó, nhiều hướng dẫn, mẹo về bảo quản, xử lý thiết bị điện tử cũng nhắc đến gạo, khiến nhiều người tin món đồ có sẵn trong nhà này là cứu tinh của điện thoại. Tuy nhiên năm 2014, trang Gazelle đã thực hiện một thử nghiệm cho thấy gạo là chất hút ẩm tệ nhất trong những thứ có sẵn tại nhà như cát vệ sinh cho mèo, bột yến mạch. TekDry, công ty cung cấp dịch vụ cứu hộ thiết bị điện tử khẩn cấp, cũng tiến hành thí nghiệm tương tự và nhận thấy lượng nước bay hơi khi để máy ngoài tự nhiên thậm chí còn lớn hơn việc đặt trong thùng gạo. Craig Beinecke, nhà đồng sáng lập TekDry, nói: "Trò lừa gạo tồn tại vì nghe có vẻ đúng, ngay cả khi thực tế chứng minh nó vô dụng. Câu chuyện gạo cứu điện thoại vào nước cứ thế được truyền tai qua nhiều thế hệ". Trong gạo có lớp cám mịn, khi gặp nước nó có thể vón cục, bám vào khe hở của điện thoại như lỗ sạc, loa thoại, viền màn hình. Làm gì khi điện thoại vào nước? Theo kỹ thuật viên của Viện Di Động (TP HCM), việc đầu tiên cần làm khi điện thoại ngấm nước là nhanh chóng tắt nguồn, giúp hạn chế nước ngấm sâu vào thiết bị, ảnh hưởng đến bộ phận quan trọng như mạch điện, main gây đoản mạch. Sau đó, người dùng nên tháo những bộ phận có thể tháo khỏi thân máy như sim, nắp lưng, pin. Tiếp đến, làm khô điện thoại bằng các chất làm khô chuyên dụng như silica gel, thường có trong túi hút ẩm của bánh kẹo. Nếu không, có thể để thiết bị trước quạt, nơi khô ráo. Thận trọng khi dùng máy sấy vì có thể làm hạt nước văng sâu hơn vào bên trong, làm chảy giăng cao su, keo dán màn hình... Cuối cùng, người dùng không nên khởi động thiết bị ngay sau khi thực hiện các bước trên. Thay vào đó, nên chờ thêm vài tiếng cho máy khô hẳn. Nếu "sơ cứu" và nghi ngờ máy bị vào nước nặng, người dùng nên mang ra cửa hàng sửa chữa để kiểm tra. Bảo Lâm https://vnexpress.net/apple-khuyen-cao-khong-bo-iphone-uot-vao-thung-gao-4713208.html