Apple có thể gặp rắc rối nếu muốn độc quyền sạc iPhone 15 Dù chịu áp lực từ Liên Minh Châu Âu trong việc sử dụng chuẩn sạc chung, Apple vẫn tham vọng độc quyền phụ kiện sạc trên iPhone. Cáp sạc USB Type-C trên iPhone 15 có thể sẽ phải đạt chứng chỉ chất lượng Mfi trước khi được sử dụng. Ảnh: Tom's Guide. Hồi tháng 10/2022, Liên Minh Châu Âu (EU) đã chính thức phê chuẩn việc sử dụng một chuẩn sạc chung duy nhất (USB Type-C) cho các thiết bị di động tại Châu Âu từ năm 2024. Từ động thái đó, Táo khuyết buộc phải trang bị USB-C trên dòng sản phẩm iPhone, bắt đầu từ iPhone 15 vào mùa thu này. Tuy vậy, hãng vẫn tham vọng độc quyền “con gà để trứng vàng” bằng cách áp dụng tiêu chuẩn riêng lên phụ kiện sạc. Apple lách luật Một số tin đồn mới cho hay Apple đang lên kế hoạch yêu cầu những sợi cáp Type-C muốn sử dụng với iPhone 15 vẫn phải được sản xuất theo tiêu chuẩn MFi của hãng - một tiêu chuẩn đã gắn liền với cổng Lightning trước đây. Theo ông Lê Vũ, Giám đốc công ty phụ kiện Velasboost, hiện Apple đã xác nhận với đối tác sản xuất phụ kiện về việc dòng iPhone mới sẽ sử dụng chuẩn sạc và truyền dữ liệu USB-C. Đồng thời, phụ kiện kết nối với máy được yêu cầu phải đảm bảo có MFi, ông Vũ xác nhận với Zing. Tom’s Guide cũng cho biết Apple sẽ áp dụng tiêu chuẩn MFi lên các phụ kiện (dây sạc, tai nghe, loa có dây…) sử dụng USB Type-C. Điều này nghĩa là những sợi cáp sạc muốn hoạt động với iPhone 15 cũng phải là dây USB Type-C được chứng nhận "Made for iPhone". Nếu không đạt chứng chỉ này, thiết bị sẽ không sạc và hiện ra bảng thông báo cảnh báo. Việc Táo khuyết tuân thủ quy định dùng chung chuẩn Type-C không đồng nghĩa với việc người dùng có thể thoải mái sử dụng bất cứ dây sạc nào cho iPhone. Chứng nhận Mfi đang mang lại số tiền khổng lồ cho Apple. Ảnh: PCmag. MFi (viết tắt của Made for iPhone/iPad/iPod) là những tiêu chuẩn về phần cứng để các phụ kiện có thể hoạt động tốt với thiết bị của Apple. Hãng cho biết trong số phụ kiện được gửi tới Apple kiểm tra thì chỉ 2% trong số đó nhận được chứng chỉ MFi. Để đảm bảo rằng các sản phẩm nhận được chứng chỉ này, chúng phải bền bỉ về kết cấu bên ngoài, hoạt động trơn tru với máy cũng như đảm bảo an toàn cho người dùng. Đây cũng là "con gà đẻ trứng vàng" của Apple. Khi mỗi sản phẩm có chứng chỉ MFi được sản xuất, hãng sẽ thu về 4 USD. Số tiền này chắc chắn sẽ do người dùng gánh chịu. Muốn có phụ kiện đạt chuẩn MFi, họ sẽ phải trả thêm ít nhất 4 USD. Điều này mang lại món lợi khổng lồ cho Apple, và hãng sẽ không dễ gì từ bỏ độc quyền phụ kiện khi các sản phẩm smartphone từ đời iPhone 11 đã không còn được bán kèm sạc. Người dùng sẽ phải bỏ thêm tiền để mua phụ kiện chính hãng. Ngoài ra, việc Apple áp dụng một chuẩn riêng cho USB Type-C cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến cả người dùng Android khi các hãng điện thoại khác thêm chuẩn này vào tất cả phụ kiện của mình nhằm tăng giá bán tới người dùng. Apple có thể gặp rắc rối Tuy nhiên, một số nghiên cứu từ Laptopmag cho thấy cách tiếp cận này có thể khiến Apple gặp khó khăn với các nhà lập pháp tại Châu Âu. Một hồ sơ nghiên cứu của EU đã nêu rõ những quy tắc cơ bản mà các nhà sản xuất (bao gồm cả Apple) sẽ phải tuân theo. Chỉ thị của EU đã nêu rõ rằng điện thoại di động và các thiết bị khác, nếu có khả năng sạc ở điện áp cao hơn 5 v, dòng điện cao hơn 3 A hoặc công suất cao hơn 15 W cũng như được trang bị ổ cắm USB Type-C sẽ phải được sử dụng chuẩn sạc USB Power Delivery (PD). Ngoài ra, trong một thông cáo báo chí được đưa ra hồi tháng 10, EU đã viết: “Việc kết hợp công nghệ sạc nhanh sẽ giúp ngăn chặn việc các nhà sản xuất khác nhau giới hạn tốc độ sạc và sẽ giúp đảm bảo rằng tốc độ sạc là như nhau khi sử dụng bất kỳ bộ sạc tương thích nào cho một thiết bị”. Việc giới hạn tốc độ sạc trên các phụ kiện không đạt chứng chỉ MFi có thể khiến Apple gặp rắc rối. Ảnh: Linkpin. Do đó, nếu Apple quyết định thêm một cổng ở dạng MFi vào các phụ kiện USB-C, đây có thể coi đó là hành vi vi phạm quy định mặc dù họ đã tuân thủ bằng cách thêm cổng USB-C vào iPhone. Ví dụ, Apple có thể quyết định rằng tất cả các loại cáp không phải MFi sẽ chỉ sạc iPhone 15 Pro ở mức 15 W, trong khi những loại được MFi công nhận sẽ hoạt động ở mức 27 W (tốc độ sạc hiện tại của iPhone 14). Điều này sẽ vi phạm quy định nêu trên trong hồ sơ nghiên cứu về việc giới hạn tốc độ sạc của EU. Tuy vậy, Apple có thể lập luận rằng cáp USB-C không được chứng nhận MFi có thể nguy hiểm và làm hỏng iPhone của người dùng. Có khả năng một số lượng lớn khách hàng sẽ sẵn sàng trả thêm một khoản tiền cho cáp sạc được chứng nhận MFi. Đáng chú ý, Apple đã không bao gồm bất kỳ loại chip xác thực MFi nào cho dòng iPad hoặc MacBook khi họ chuyển sang USB-C.