Apple bị phạt 2 triệu USD vì bán iPhone 12 không củ sạc Procon-SP, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Brazil phạt tiền Apple vì "quảng cáo gây hiểu nhầm", không chứng minh được lợi ích về "bảo vệ môi trường". Tháng 10/2020, Procon đã đặt câu hỏi với Apple về việc không tặng kèm cục sạc, tai nghe khi bán iPhone 12. Một tháng sau đó, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Brazil kết luận: Apple không chứng minh được lợi ích "bảo vệ môi trường" như họ quảng cáo. Ngày 19/3, Procon tuyên bố mức phạt 10,5 BRL (2 triệu USD) vì quảng cáo gây hiểu lầm. Apple cũng không trả lời được câu hỏi nếu bỏ phụ kiện để giảm giá iPhone 12, người mua có thật sự được hưởng lợi hay không? Và chính sách mới của Apple có làm giảm số lượng các cục sạc được sản xuất không? Apple lấy lý do "bảo vệ môi trường" và giảm chi phí sản xuất để cắt giảm cục sạc, tai nghe trên iPhone 12 và các model mới bán ra từ 2020. Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Brazil dẫn chứng trong khi iPhone 12 mini ở Mỹ có giá 729 USD, tại Brazil, model này có giá khoảng 1.200 USD. Trước đó khi iPhone 11 có giá khởi điểm 799 USD, ở Brazil, máy cũng có giá khoảng 1.200 USD. Như vậy, dù giá iPhone 12 có giảm, người dùng tại Mỹ được mua điện thoại mới giá rẻ hơn 70 USD, người dùng Brazil vẫn không được hưởng lợi như quảng cáo của Apple, trong khi củ sạc, tai nghe đã bị cắt bỏ. Ngoài việc loại bỏ phụ kiện trên iPhone 12 và các model mới được thương mại hóa, Procon-SP còn cáo buộc Apple vi phạm môt số quy định, như quảng cáo gây hiểu lầm - khi người dùng iPhone 11 không được bảo hành vì gặp sự cố vào nước; sự cố cập nhật iOS - khi một số người dùng thông báo gặp vấn đề với iPhone sau bản cập nhật; điều khoản không công bằng - khi Apple tự miễn trừ mọi đảm bảo pháp lý. Giám đốc điều hành Procon-SP, Fernando Capez nói: "Apple cần hiểu rằng ở Brazil có luật và thể chế vững chắc để bảo vệ người tiêu dùng. Công ty cần tôn trọng điều này". Apple đã không trả lời về các câu hỏi của Procon-SP cũng như chưa đưa ra phản hồi nào chính thức. Công ty có thể kháng cáo lên tòa án, nếu họ muốn. Theo The Verge, khoản tiền phạt 2 triệu USD này của Brazil dường như không gây khó khăn lớn cho Apple, công ty có doanh thu 111,4 tỷ USD trong quý I/2021. Khương Nha (theo The Verge)
Apple bị phạt hơn 300 triệu USD Tòa án Mỹ hôm 19/3 yêu cầu Apple phải trả cho Personalized Media Communications (PMC) số tiền 308,5 triệu USD vì vi phạm sáng chế liên quan đến iTunes. Theo đại diện bồi thẩm đoàn tòa án liên bang Mỹ ở Texas, Apple đã vi phạm sáng chế liên quan đến quản lý quyền kỹ thuật số được áp dụng trên iTunes. Số tiền "Quả táo" phải trả dựa trên số lượng sản phẩm và dịch vụ đã vi phạm. Apple tiếp tục phải chịu phạt tại Mỹ. Ảnh: AP. PMC - một công ty chuyên "săn lùng" bằng sở hữu trí tuệ có trụ sở tại Sugarland, Texas - lần đầu kiện Apple năm 2015 với cáo buộc iTunes - dịch vụ bị "khai tử" năm 2019 - vì vi phạm bảy bằng sáng chế của họ. Apple kháng cáo thành công tại Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO). Tuy nhiên, phiên phúc thẩm tháng 3/2020 đã đảo ngược quyết định, mở đường cho phiên tòa được tổ chức tại Texas. Trong một phát biểu với Bloomberg, Apple đã "bày tỏ thất vọng" với phán quyết và tuyên bố sẽ kháng cáo. "Những trường hợp kiện cáo được đưa ra bởi các công ty không tham gia sản xuất hoặc bán bất kỳ sản phẩm nào sẽ kìm hãm sự đổi mới và ảnh hưởng đến người tiêu dùng", đại diện Apple nói với Bloomberg. Ngoài Apple, PMC đang kiện các công ty lớn khác như Netflix, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Amazon. Apple liên tục dính vào các vụ kiện tụng. Gần nhất, hãng đã bị Procon-SP, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Brazil, phạt 2 triệu USD vì bán iPhone 12 không có củ sạc và quảng cáo gây hiểu nhầm. Công ty còn bị Cơ quan Chống độc quyền Italy (AGCM) phạt 11,95 triệu USD vì quảng cáo tính năng chống nước trên iPhone nhưng lại không bảo hành khi máy bị hỏng do ngấm nước. Đầu năm ngoái, chính quyền Pháp cũng tuyên phạt khoản tiền kỷ lục 1,23 tỷ USD do vi phạm luật chống cạnh tranh đối với mạng lưới phân phối và bán lẻ.Như Phúc (theo Reuters)