Bạn nghĩ World Cup 2018 chỉ là sân chơi của đá bóng? Bạn đã lầm, nó còn là nơi những công nghệ mới nhất có dịp phát huy tác dụng (và quảng bá cho nhà sản xuất), ví dụ như hệ thống trọng tài video mới có dùng nguồn video từ camera quay ultra slow-motion, hệ thống wearable theo dõi chỉ số của cầu thủ theo thời gian thực, công nghệ 4K HDR truyền hình ảnh chất lượng cao xuống cho bạn xem... VAR Đây có lẽ là một trong những công nghệ có ảnh hưởng nhất đến bóng đá trong thời gian gần đây. Công nghệ "trọng tài video" từ lâu đã được sử dụng cho các môn khác như tennis, giải bóng rổ và nay là môn thể thao vua. Ý tưởng rất đơn giản: Các trọng tài trên sân có thể tham khảo ý kiến của những trọng tài khác ngồi sau một màn hình video theo dõi sát sao trận đấu. Những trọng tài này sẽ đưa ra ý kiến của mình trong "các tình huống có thể ảnh hưởng đến trận bóng" hoặc khi cần bắt lỗi. Các nhân viên VAR sẽ theo dõi nhiều luồng video khác nhau để thấy được các góc mà trọng tài thông thường không thấy hoặc có thể phát hiện không chính xác. Một nhóm bao gồm 1 trọng tài trưởng và 3 trợ lý sẽ ngồi trong phòng Video Operation Room (VOR) tại Trung tâm Phát sóng Quốc tế ở Moscow. Các nhân viên VAR sẽ nói chuyện với trọng tài trên sân thông qua một hệ thống radio. Hình ảnh mà đội VAR được truyền từ 33 camera trên sân cộng với 2 camera riêng phục vụ cho VAR. Tín hiệu video được truyền trực tiếp tới phòng VOR thông qua cùng mạng này. Trong số các luồng video chuyển về có 8 luồng quay super-slowtion và 4 luồng quay ultra slow-motion. Khi các trận quan trọng diễn ra, sẽ có thêm 2 camera ultra slow-motion nữa xuất hiện. Một trong số các kĩ thuật viên trọng tài VAR VAR đã được thử nghiệm trong nhiều trận, bao gồm cả giải Cup FA, và có nhiều người nói nó tốt nhưng cũng nhiều người cho rằng công nghệ này là không cần thiết, vô dụng. Nhưng FIFA vẫn quyết định đem VAR cho tất cả 64 trận cầu của World Cup năm nay. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng các trọng tài VAR đôi khi cũng mắc sai lầm, sự cố kĩ thuật, hoặc đám đông tại sân vận động cũng có thể che mất một số tình huống quyết định. Ví dụ, trong trận chung kết của giải A-League, nhóm VAR đã không thể xem một góc quay camera quan trọng cho thấy một pha ghi bàn vì lỗi kĩ thuật. FIFA còn có hệ thống "VAR Information System" để cải thiện VAR bằng cách đảm bảo đài truyền hình, bình luận viên và những người làm ngay tại sân vận động có thể được thông báo thông tin kịp thời. Hệ thống này dùng các tablet để hoạt động và nó cũng tự tạo ra những đồ họa ảo cho nhà đài. 4K UHD và VR Mỗi mùa World Cup diễn ra là một dịp cực tốt để quảng bà những công nghệ mới trong ngành TV và hình ảnh, năm nay là 4K HDR. Các máy quay ở sân vận động và của các nhà đài hỗ trợ tối đa cho công nghệ này. Thật ra 4K thì đã có mặt tại World Cup Brazil 2014 rồi, nhưng đây là lần đầu tiên một lượng lớn người dùng có thể xem được hình ảnh độ phân giải cao chứ ngày xưa vẫn còn rất ít TV hỗ trợ 4K. Đài BBC còn có một luồng video chuyên cho VR, nó được phát sóng thông qua ứng dụng BBC Sport VR. Điều này giúp người xem cảm thấy như họ đang có mặt ở ngay tại sân đá bóng. Hệ thống theo dõi hiệu quả điện tử Electronic Performance and Tracking Systems (EPTS) là một hệ thống mới của FIFA được cung cấp cho huấn luyện viên của 32 đội tham gia để thể hiện thông tin về các cầu thủ cũng như xem video theo thời gian thực. Mỗi đội bóng được phát 3 chiếc tablet: 1 chiếc cho chuyên viên phân tích trên khán đài, 1 chiếc dành cho chuyên viên ngồi tại ghế và 1 cái dành cho đội y tế. Video nói là thời gian thực nhưng vẫn bị delay 30 giây, dù vậy nó vẫn hữu ích hơn là việc không có gì để xem. Dữ liệu được thể hiện cho từng cầu thủ sẽ bao gồm tốc độ, các va chạm, chấn thương, hướng chạy... Hệ thống EPTS được trang bị cho đội Đức EPTS hoạt động nhờ vào các camera được đặt quanh sân vận động kết hợp với cảm biến mà cầu thủ đeo trên người. Tất cả đều đã được FIFA chấp thuận vào năm 2015. Cho World Cup kì này, dữ liệu sẽ được theo dõi bởi 2 camera quan trắc gắn trên khán đài chính. Các đội bóng cũng sẽ được truy cập vào dữ liệu video của một số camera chiến thuật nhất định. 5G ở Nga TMS và Megafon, hai đối tác truyền thông chính của World Cup 2018, đã tiến hành thử nghiệm công nghệ 5G tại Nga trong những ngày WC rồi. Dự kiến tới năm 2019 các mạng 5G đầu tiên mới bắt đầu được triển khai theo dạng thương mại hóa. Nó không chỉ giúp cho các fan tại sân vận động mà còn hỗ trợ tốt cho các nhà đài truyền được video độ phân giải cao với độ trễ thấp. Ericsson và MTS cũng đang lắp đặt hệ thống MIMO lớn tại hơn 40 vị trí ở 11 thành phố có diễn ra WC. Mạng này sẽ bao phủ sân vận động, các vùng tập trung fan đá bóng cũng như các trạm trung chuyển giao thông công cộng và các địa danh nổi tiếng, bao gồm cả Quảng trường Đỏ. Quả bóng Adidas Telstar Adidas là nhà sản xuất quả bóng chính thức được dùng cho World Cup từ năm 1970 tới nay, và lần nào họ cũng nâng cấp nó để giải quyết những phàn nàn của thủ môn. Quả bóng Telstar 18 năm nay là một bản "hoài niệm" lại của quả bóng WC đầu tiên và nó được trang bị hoa văn, thiết kế mới để cải thiện hiệu quả cả khi đá trên sân lẫn ngoài đường phố. Cái thú vị nhất là Adidas Telstar tích hợp chip NFC. NFC cũng là công nghệ đang xài trong điện thoại của bạn. Người dùng có thể sử dụng các thiết bị có NFC, chạm vào đỉnh quả bóng để có thể trải nghiệm vui vẻ như những sản phẩm của adidas, các nội dung bóng đá mà họ đăng, các thử thách, thông tin về các trận đấu. Họ sẽ cập nhật liên tục liên tục các tag này. Nếu muốn trải nghiệm thì chúng ta có thể ra thẳng các store trưng bày để chạm quả bóng, không cần thiết phải mua về, adidas nhấn mạnh như vậy. Adidas từng giới thiệu một quả bóng miCoach Smart Ball dùng cảm biến để theo dõi vận tốc, hướng bay... nhưng nó không đủ bền để dùng trong các trận đấu thật. Nguồn: Forbes, FIFA