Ẩn / Hiện Quảng Cáo

3 điểm chung nguy hiểm của hàng chục ca đột quỵ mỗi ngày ở TP.HCM

Thảo luận trong 'CHUYỂN ĐỀ SỨC KHỎE' bắt đầu bởi NguyenLong248, 27/12/24.

  1. 27/12/24 lúc 09:12

    NguyenLong248

    Administrator

    NguyenLong248
    Tham gia:
    28/3/07
    Bài viết:
    9,781
    Được thích:
    7,813
    3 điểm chung nguy hiểm của hàng chục ca đột quỵ mỗi ngày ở TP.HCM


    Không uống thuốc ổn định huyết áp, thường xuyên thức khuya và chịu ảnh hưởng của thời tiết lạnh, huyết áp của người đàn ông 32 tuổi đã tăng vọt đến mức nguy hiểm.


    [​IMG]

    Theo y văn, thời tiết quá lạnh hay quá nóng, đặc biệt khi kèm với khí hậu ẩm ướt đều có thể được xem là yếu tố “kích hoạt” đột quỵ. Ảnh: Shutterstock.

    Người đàn ông 32 tuổi có tiền sử cao huyết áp, nhưng sự chủ quan khiến anh thường xuyên bỏ thuốc. Mất mẹ đột ngột, anh chìm trong nỗi đau và những đêm trắng lo tang sự. Thời tiết lạnh cuối năm, kết hợp với căng thẳng và thói quen bỏ thuốc kéo dài, đã đẩy huyết áp của anh tăng vọt, gây vỡ mạch máu não.

    Trong cơn nguy kịch, gia đình vội đưa anh đến khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115. Lúc nhập viện, chỉ số huyết áp của anh chạm mức nguy hiểm - 220 mmHg. Dù bác sĩ đã nỗ lực hết sức, phép màu đã không xảy ra.

    Sự ra đi bất ngờ ở tuổi còn quá trẻ để lại nỗi đau lớn cho người thân và là lời cảnh báo cho nhiều người.

    PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, chia sẻ rằng đây không phải trường hợp cá biệt. Cuối năm, những tình huống đáng tiếc như thế này xảy ra nhiều hơn, phần lớn đều bắt nguồn từ sự chủ quan với sức khỏe và bệnh lý mạn tính.

    "Nút kích hoạt" của đột quỵ

    Theo Tổ chức Đột quỵ Thế giới (The World Stroke Organization - WSO), khu vực Đông Nam Á, Đông Á (cùng với châu Đại Dương) là những vùng có tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Trung bình, cứ 4 người thì một người có nguy cơ đột quỵ.

    Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Sóng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết trung bình mỗi năm, khoa Bệnh lý mạch máu não của bệnh viện tiếp nhận khoảng 16.000 ca. Riêng năm 2024, con số lên đến 17.340 ca, trong đó có 15% bệnh nhân đột quỵ là do xuất huyết não, gây tàn phế và tử vong cao.

    Như vậy, mỗi ngày, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận hàng chục trường hợp nhập viện do đột quỵ. Những tháng cuối năm, con số này tăng thêm 10-15%.

    Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, đột quỵ có hai thể chính là nhồi máu não và xuất huyết não. Từ tháng 11 đến đầu năm sau, khi thời tiết bắt đầu trở lạnh cũng là lúc số trường hợp xuất huyết não tăng lên rõ rệt.

    [​IMG]

    Việt Nam thuộc nhóm nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới. Ảnh: NEJM.
    Điều này là do không khí lạnh gây tác động đến sự co dãn hệ thống mạch máu, làm tăng huyết áp và tăng hoạt động của tim.
    “Tuy nhiên, thời tiết lạnh chỉ một phần nguyên nhân kích hoạt khiến huyết áp tăng trên mức bình thường”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

    Lý giải điều này, PGS.TS Huy Thắng chỉ ra "mẫu số chung" của những ca nhập viện vào thời điểm cuối năm là: nam giới, huyết áp rất cao nhưng không duy trì việc uống thuốc, thường xuyên uống bia, rượu. Có thể nói, thời tiết chỉ tác động một phần nhỏ. Nguyên nhân gốc rễ vẫn là do thói quen sinh hoạt không điều độ.

    Theo nhiều chuyên gia, nhận thức của người Việt về nguy cơ đột quỵ còn hạn chế. Nhiều người không đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của bệnh, dẫn đến việc không đi khám định kỳ hoặc không tuân thủ điều trị, chẳng hạn như quên uống thuốc hạ huyết áp theo chỉ định.

    PGS.TS Nguyễn Huy Thắng khẳng định với người bệnh cao huyết áp, việc tuân thủ điều trị là yếu tố then chốt giúp kiểm soát huyết áp. Nếu uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn, huyết áp có thể được giữ ở mức bình thường, ngay cả khi thời tiết lạnh. Trong một số trường hợp, huyết áp của người bệnh vẫn có thể tăng nhẹ do thời tiết, nhưng không ở mức đáng báo động nếu điều trị đúng cách.

    [​IMG]

    Những ca nhập viện vào thời điểm cuối năm là: nam giới, huyết áp rất cao nhưng không duy trì việc uống thuốc, thường xuyên uống bia, rượu. Ảnh: Shutterstock.

    Ông cũng nhấn mạnh cuối năm là thời điểm nhiều buổi tụ tập, tiệc tùng diễn ra, khiến người bệnh dễ tiêu thụ lượng lớn rượu bia và thức ăn nhiều dầu mỡ.

    Những yếu tố này đều làm tăng nguy cơ huyết áp tăng cao đột ngột, đặc biệt ở những người vốn đã có bệnh nền như cao huyết áp. Để tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần hạn chế rượu bia, thực phẩm không lành mạnh, và luôn tuân thủ điều trị y khoa.

    Nhận diện nguy cơ đột quỵ và phòng ngừa tái phát

    Những tháng cuối năm, các trường hợp tài xế đột quỵ khi đang lái xe được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, gây lo ngại trong cộng đồng. Một trường hợp điển hình là nam tài xế xe buýt 43 tuổi ở TP.HCM, lên cơn co giật rồi ngất lịm khi đang chờ đèn đỏ. Dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay sau đó, người này không qua khỏi.

    PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết trong số 50-70 bệnh nhân đột quỵ được tiếp nhận mỗi ngày tại khoa, không ít người làm nghề tài xế. Đáng chú ý, nhiều tài xế có tiền sử cao huyết áp nhưng không đủ điều kiện hoặc không duy trì thói quen tầm soát và uống thuốc đều đặn.

    Môi trường làm việc căng thẳng, yêu cầu tập trung cao độ, lịch làm việc bất thường, thường xuyên thức khuya là những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ ở nhóm nghề này. Nguy cơ càng cao ở những người có bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, nhưng không kiểm soát tốt bằng cách tái khám và tuân thủ điều trị.

    PGS Thắng khuyến cáo tài xế và những người có bệnh nền nên tầm soát định kỳ, duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát các yếu tố nguy cơ để giảm rủi ro đột quỵ, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm khi áp lực công việc gia tăng.


    [​IMG]
    Việc uống thuốc là rất quan trọng đối với tài xế có tiền căn cao huyết áp. Ảnh: Mceu.

    “Khi gặp bệnh nhân đột quỵ là tài xế, tôi luôn khuyên họ nên cân nhắc chọn một nghề khác ít áp lực hơn, không phải thức khuya hay dậy sớm sau khi phục hồi, bất kể người bệnh có thể đi lại và sinh hoạt bình thường,” PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, chia sẻ.

    Theo ông, việc tài xế từng bị đột quỵ vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông công cộng là rất nguy hiểm. Người từng bị đột quỵ có nguy cơ tái phát cao, và hiệu quả điều trị trong lần tái phát thường thấp hơn so với lần đầu. Đây không chỉ là vấn đề đối với sức khỏe tài xế mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của hành khách và người tham gia giao thông.

    PGS Thắng nhấn mạnh tài xế cần nhận thức rõ trách nhiệm nghề nghiệp đối với cộng đồng. Với những người đã có bệnh lý nền như cao huyết áp, việc uống thuốc dự phòng đột quỵ là bắt buộc hàng ngày. Ngoài ra, cần thường xuyên thăm khám để kiểm soát các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.

    “Việc phòng ngừa không thể đợi đến khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ mới xử lý, bởi điều này sẽ là quá muộn, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của tài xế và hành khách trên xe,” PGS Thắng nhấn mạnh.

    https://lifestyle.znews.vn/3-diem-c...-ca-dot-quy-moi-ngay-o-tphcm-post1517944.html
     

Chia sẻ trang này