Yamaha Exciter 150 – chiếc xe côn tay được nhiều bạn trẻ Việt chờ đợi vừa rò rỉ một số hình ảnh trên mạng. Quá dễ để nhận ra rằng, đó là "chiêu trò" PR cũ rích mà hãng xe Nhật Bản đang áp dụng. Còn nhớ, hồi đầu tháng 8, trên một số diễn đàn cũng như các trang web về xe đã đồng loạt đăng tải những hình ảnh Exciter 150 xuất hiện trên đường thử tại Việt Nam. Đến cuối tháng 8, hãng xe Nhật Bản tiếp tục "cố tình" lộ thông tin Exciter 150 sẽ ra mắt vào đầu quý IV năm nay khiến những người mê xe không khỏi khấp khởi. Và mới đây nhất, hình ảnh chiếc xe trong nhà máy bị "rò rỉ" lại thổi bùng lên cơn sốt về Exciter 150.Sản phẩm chưa "ra lò" nhưng đã rầm rộ chuẩn bị kế hoạch cho việc "quăng bom dọn đường" để hút dư luận. Đó là "chiêu trò" dường như là "bổn cũ soạn lại" của Yamaha tại Việt Nam. Dù bằng cách này hay cách khác, từ lộ ảnh trên đường thử, rò rỉ hình ảnh trong nhà máy hay tung tin thời điểm ra mắt… tất cả đã trở nên khá quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Bước đầu tiên mà Yamaha tiến hành là đưa ra những hình ảnh lộ diện "mờ ảo", thậm chí còn không xác định nó được chụp ở đâu, khi nào. Dù là hình ảnh "mắt thấy" nhưng vẫn không đủ độ xác thực. Rồi "mượn" các tài khoản cá nhân để tung lên diễn đàn, từ diễn đàn hình ảnh được đưa lên mặt báo. Vậy là một loạt các cuộc tranh luận trên diễn đàn, báo chí "nổ" ra. Người xem tranh cãi về chuyện thông tin đó có đúng hay không, có đáng tin không, hình ảnh đó ở đâu, có đúng là Exciter 150 không? Họ "đoán già, đoán non" từ những hình ảnh thiếu căn cứ xem chiếc xe mới này đẹp hay xấu, có cải tiến gì không, giá sẽ là bao nhiêu? Những câu hỏi đó không có ai đứng ra trả lời, chỉ biết rằng, tên sản phẩm đã được nhắc đến nhiều lần, người dùng bắt đầu nghĩ về nó. Bức ảnh xe lộ diện trên đường thử khiến nhiều người tò mò Bước thứ hai được áp dụng chính là "ngầm" cung cấp thông tin cho báo chí. Hãng xe Nhật Bản sẽ chọn những phóng viên "ruột" làm người đưa tin, khai thác thông tin theo kiểu "độc quyền". Tuy nhiên, thông tin đưa ra luôn theo kiểu "úp, mở". Đó là những thông tin không đáng tin cậy vì không có ai kiểm chứng nó, thông tin một chiều theo kiểu tin đồn, "dẫn từ fanpage nọ, diễn đàn kia", "nguồn tin từ một đại diện của Hãng"… Chẳng độc giả nào có thể biết chính xác đại diện của hãng là ai, tin từ diễn đàn có chính xác hay không. Khi được hỏi thì Yamaha chọn cách "im lặng" và không có bình luận gì. Người dùng lại được phen nữa tranh luận, đồn đoán thậm chí "cãi nhau lấy được". Cuối cùng không ai thắng, chỉ có Yamaha là "thắng lớn" về hiệu quả truyền thông. Các chiêu trò PR trước khi tung ra sản phẩm mới là điều hiển nhiên mà các nhà sản xuất đều làm. Điều đáng nói là hình ảnh đưa ra phải có tính xác thực, đúng thực tế, thông tin ra mắt xe phải đúng thời điểm như cam kết. Có như vậy, truyền thông mới không bị "dắt mũi", người dùng mới không phải cứ mòn mỏi chờ đợi sản phẩm mới ra đời. Những chiếc xe được đông đảo người dùng quan tâm chứng tỏ chiếc xe đó có sức hút. Vậy tại sao không tập trung cải tiến chất lượng tốt hơn nữa, kiểu dáng đẹp hơn nữa để đáp ứng nhu cầu, thay vì cứ dùng các chiêu trò PR, tạo ra những "cơn sốt ảo", làm "nóng" chiếc xe để rồi "chém" người mua với giá "trên trời"!?(theo autodaily.vn)