Cậu bé bị tàu hỏa nghiến mất chân và cơ quan sinh dục Vô tư bước qua đường tàu hỏa lúc bố đi vắng, mẹ bận trông nồi cám lợn, bé Danh ngụ tại Cam Lâm, Khánh Hòa, vĩnh viễn mất một chân, bộ phận sinh dục và hậu môn cũng bị nghiền nát. Sự việc tuy xảy ra từ hai năm trước, nhưng đến nay khi nhắc lại cảnh cậu bé chưa đầy 2 tuổi bê bết máu, một chân bị tàu hỏa nghiến mất, bà con trong thôn vẫn chưa hết bàng hoàng. Bé Danh với một chân còn lại. Ảnh: LQP. “Tôi đã cố chạy hết sức để cứu bé khi thấy đoàn tàu phanh hết cỡ mà cháu vẫn vô tư bước qua đường ray, song vẫn không kịp. Bé Danh bị hất ra xa, người xanh như tàu lá, bê bết máu, phần thân dưới gần như bị mất chỉ còn một chân. Bà con xúm lại tìm cái chân kia nhưng vô vọng vì nó đã bị nghiền nát”, một người dân sống cùng thôn kể lại. Nghe tin con bị nạn trong lúc bận đi làm xa, người cha - anh Nguyễn Văn Thi trở về đến nhà thì bé đã được hàng xóm đưa vào bệnh viện. Mất quá nhiều máu, bé Danh được đưa đến bệnh viện Cam Ranh, rồi Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa. Tổn thương quá nghiêm trọng, bé được chuyển đến tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM). Sau ba tháng điều trị trở về, các bác sĩ phải làm cho cháu một đường đi vệ sinh bằng ống suốt đời, kể cả khả năng làm cha cũng không thể. Anh Thi cho hay, hai năm sau tai nạn, ngoài phần cơ thể bị mất, bé Danh vẫn lớn khôn bình thường như những trẻ khác. Chỉ có điều, chính sự vô tư của em lại khiến người lớn đau lòng. Chiều nào cũng vậy, khi bé Danh và anh trai từ trường trở về thì căn nhà nhỏ tại thôn Vĩnh Phú, xã Suối Tân, lại rộn ràng tiếng trẻ bi bô. Thế nhưng cũng ở chính căn nhà này, mỗi lần thấy cậu trai 4 tuổi một chân lò cò đùa nghịch, vợ chồng anh Thi - chị Anh lại rơi nước mắt. “Mỗi lần tắm con hoặc thay quần áo cho cháu là mỗi lần tôi khóc. May mà đến lúc này con tôi vẫn chưa nhận ra điều thiệt thòi của mình. Thôi cứ kệ, cháu nó còn vô tư được ngày nào hay ngày đó”, chị Hồng Anh - mẹ bé nghẹn ngào nói. Chứng kiến sự việc, động lòng trước cảnh “thằng bé có đôi mắt sáng, gương mặt khôi ngô lại phải sống trong cảnh tật nguyền mà bố mẹ lại quá nghèo”, cô Đặng Thị Mỹ Dung, hiệu trưởng Trường mầm non Suối Tân đã nhận bé đến trường, đồng thời vận động bà con giúp đỡ. “Mặc dù bé vẫn khỏe mạnh, song không cam lòng nhìn thấy cảnh nó cứ cò cò một chân, tôi quyết định kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ để gia đình cháu có thể tìm bác sĩ thật giỏi chữa trị. Nếu trị không được thì cũng có tiền để sau này làm chân giả”, cô Dung nói. Cũng theo cô Dung, trong thôn Vĩnh Phú, gia đình anh Thi - chị Anh thuộc diện nghèo. Anh Thi là lao động chính nhưng tháng cũng chỉ kiếm được hơn một triệu đồng từ tiền đi tiêm thuốc thú y. Chị Anh ở nhà làm nội trợ, trông con, nuôi lợn và chăm sóc mảnh vườn chưa đến một sào đất trồng hoa màu. “Khéo co kéo lắm thì may ra đủ sống cho cả bốn miệng ăn, còn lại tiền chữa trị hoặc tiền đi tái khám ở Sài Gòn nếu không nhờ bà con giúp đỡ thì xem ra cũng khó”, cô Dung nói. Độc giả muốn liên hệ với gia đình cháu xin hỏi về: Thôn Vĩnh Phú, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. ĐT anh Nguyễn Văn Thi (bố cháu Danh)0936.159.388
Phải nhờ anh em nào gần đây, xác minh hoàn cảnh có đúng như báo đăng hay không. Để giúp đở cháu bé " độc cô cầu bại " này.
Nỗi đau đớn của bé 4 tuổi bị nát chân vì tàu hỏa (Dân trí) - Sau vụ tai nạn thảm khốc tàu hỏa năm 2006 khiến bé Danh khi đó mới 18 tháng tuổi đã mất chân trái, không còn cơ quan sinh dục và hậu môn. Sau 3 năm, cậu bé nhà nghèo này đã lớn lên cùng trăm thứ khốn khó của cơ thể khuyết tật. Danh nằm yên để mẹ lau rửa đoạn ruột dẫn chất thải. Xót lắm nhưng bé chỉ xuýt xoa khe khẽ. Năm 2006, bé Danh mới 18 tháng tuổi, thường ở nhà với mẹ vì bố là bác sĩ thú y, hễ ở đâu gọi là đi ngay. Một lần, chị Oanh mải chăm đàn heo sau nhà mà không để ý đến con. Chị lại bị nặng tai, không nghe thấy tiếng đoàn tàu đến (bây giờ chị phải nhìn miệng người đối diện để biết chính xác họ nói gì). Nhìn trước ngó sau không thấy cha mẹ đâu, Danh chập chững đi ra con đường vắt ngang đường ray mà chị Oanh thường đi tắt qua đó để mua vài thứ mắm muối, hành tỏi. Đoàn tàu lao đến, thắng gấp nhưng không kịp. Bé Danh bị hất văng ra, bê bết máu, thân dưới chỉ còn chân phải. Hàng xóm đổ xô đi tìm chân trái, hi vọng có thể nối lại cho bé nhưng nó đã nát bấy dưới bánh tàu. Hay tin con bị nạn, chị Oanh ngất lịm. Anh Thi hộc tốc trở về, đến nơi thì vợ con đã được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Cam Ranh. Bé nhanh chóng được chuyển sang bệnh viện Khánh Hoà, rồi bệnh viện Nhi Đồng 1. Do tổn thương quá nghiêm trọng, bệnh viện tiến hành phẫu thuật lấy da mông để đắp vào phần thân dưới bị tàu nghiến nát và dùng một đoạn ruột làm ống dẫn chất thải ra ngoài trên thành bụng. Khả năng làm cha sau này của Danh thì coi như tắt ngúm vì tinh hoàn không còn. Khi vết mổ lành lặn, Danh bắt đầu bò quanh nhà, rồi dần dần vịn ghế đứng lên, nhảy lò cò như một chú kangaroo đáng yêu. Gần nhà không có bạn đồng trang lứa, ban ngày khi anh hai đi học mẫu giáo rồi, cậu bé chỉ quẩn quanh bên mẹ. Mẹ đi làm vườn trên miếng đất ông ngoại thuê gần nhà cũng đem Danh đi theo vì thường xuyên phải thay túi chất thải đeo bên bụng cho Danh. Có lần đang đi trên đường thì túi đầy. Không còn cách nào khác, chị Oanh đặt con nằm ngửa trên yên xe, hai chân kẹp giữ con rồi lấy đồ ra thay. Mỗi lần lau rửa, Danh đau lắm nhưng cậu bé chỉ xuýt xoa khe khẽ. Nhìn những vết sẹo chằng chịt trên cơ thể bé, chị Oanh quay đi để giấu những giọt nước mắt chực tuôn trào. Lòng người mẹ day dứt khôn nguôi. Tương lai tươi đẹp của con mình sụp đổ chỉ vì chút sơ sẩy. Cậu bé Danh và ba người bạn cùng lớp Chăm chú nhìn cô để nặn cho giống Những lần theo cha đi đón anh hai ở lớp học mẫu giáo, cậu bé thích thú với lớp học đông vui, đồ chơi nhiều màu. Ở nhà hai anh em Danh chỉ có vài con siêu nhân bị gãy đầu, gãy chân thôi. (Vì thế, Danh thường hái đọt ổi, giả làm các chiến binh rồi cho giao đấu với nhau). Thế là, Danh một hai đòi đi học. Để các bé hòa đồng, cô giáo Lan phải dặn dò: “Các con à, bạn Danh bị xe lửa tông, các con thương bạn, cho bạn vịn vai nghe”. Danh thích hợp với các trò chơi tĩnh (ngồi thành vòng tròn rồi cử động tay). Còn các trò chơi động thì hạn chế tham gia, bởi khi vận động nhiều, chất thải trong túi vọt ra tung tóe. Nhưng điều đó không thể kìm hãm cậu bé vui đùa cùng các bạn. Cô Lan thương Danh lắm. Và dường như bất cứ ai đã gặp là yêu mến ngay cậu bé có đôi mắt đen láy và nụ cười răng sún này. Tuy phải thường xuyên lau dọn, thậm chí mỗi lần thay túi cho Danh xong cô thường bị nôn vì mùi tanh của chất thải, nhưng cô biết: “Bây giờ mình cực lúc này thôi, còn cháu nó sẽ cực cả đời”. Đó cũng là nỗi trăn trở của cha mẹ bé Danh và cô Đặng Thị Mỹ Dung hiệu trưởng trường mầm non Suối Tân. Cô Dung cho biết: “Chúng tôi đang liên hệ để cháu được học ở trường dành cho trẻ khuyết tật. Ở đó cháu sẽ có điều kiện tốt hơn để phát triển. Nhưng học phí ở đó quá cao so với thu nhập của anh Thi, chị Oanh”. Anh Thi làm bác sĩ thú y, thu nhập không ổn định, một tháng nhiều nhất được một triệu đồng. Chị Oanh ở nhà vừa chăm con vừa nuôi heo, nuôi gà trên phần đất còn lại của ngôi nhà. Miếng đất ấy anh chị được ông nội bé Danh cho hồi mới cưới, hai vợ chồng dành dụm mãi mới cất được ngôi nhà. Nhà vừa xây xong thì bé Danh bị tai nạn. Từ đó, anh chị dốc sức chạy chữa cho con. Thương đôi trẻ sớm chịu nhiều tai ương, họ hàng nội ngoại đem cho mấy món đồ cũ như nồi cơm, đầu đĩa để cuộc sống gia đình bớt nhọc nhằn. Dù khiếm khuyết, nhưng bé Danh luôn tỏ ra là cậu bé sớm tự lập Bé Danh tập vẽ cùng anh trai Nhìn con cười đùa, nhảy nhót, cha mẹ nào không vui mừng? Song khi nghĩ đến tương lai của Danh thì lòng anh chị quặn thắt. Rồi đây, khi Danh lớn lên, bé sẽ phải đối mặt với sự thiệt thòi nghiệt ngã của mình. Chị Oanh ao ước: “Giá mà nó có thể chuyển được hậu môn về vị trí bình thường để tiểu tiện dễ dàng. Bây giờ nó còn nhỏ chưa biết gì, nhưng lớn lên chắc sẽ buồn khổ lắm”. Việc tái khám tại bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) sau 2 năm cũng đã dừng lại vì y học trong nước chưa thể phẫu thuật tái tạo các bộ phận cho Danh. Tuy nhiên, hễ nghe ở đâu có bác sĩ giỏi, bệnh viện tốt là tia hi vọng lại bùng lên trong lòng đôi vợ chồng. Nhịn ăn nhịn tiêu, cực khổ mấy anh chị cũng cắn răng chịu, chỉ mong tìm được hy vọng le lói cho con mình. Sức người có hạn, hoàn cảnh của Danh cần lắm những bàn tay chung sức giúp đỡ cho tương lai của cháu bé.