Báo Nhật Bản: Người Việt Nam đang giàu lên, tốc độ tăng trưởng sở hữu ô tô nhanh nhất thế giới Sức tiêu dùng của người dân Việt Nam ngày một tăng, cho thấy một thị trường đầy tiềm năng với các doanh nghiệp. Theo Nikkei Asian Review, những hàng hóa từng được coi là xa xỉ ở Việt Nam như ô tô, mỹ phẩm cao cấp, điện thoại sang trọng... đang trở nên dần phổ biến khi thu nhập người dân tăng nhanh nhờ sức mua của tầng lớp trung thượng lưu đang ngày càng mở rộng. Thậm chí nói về GDP bình quân đầu người, con số này chỉ là 122 USD tại Việt Nam năm 1990, bằng 1/13 của Thái Lan, 1/7 của Philippines và 1/6 Indonesia thì đến năm 2012, con số này là 2.000 USD và đạt đến 3.000 USD vào năm 2018. Tính đến năm 2024, Việt Nam đã vượt Philippines và gần bằng Indonesia. Mức GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với khu vực (USD) Nhanh nhất thế giới Tờ Nikkei cho hay cô Nguyen Thi Huyen là một nhân viên văn phòng điển hình tại Hà Nội mới mua một căn chung cư đầu tiên cho gia đình. "Mua nhà là xu hướng của thế hệ chúng tôi. Giá bất động sản tại Việt Nam đang tăng vọt, vì vậy mua nhà có nghĩa là có tài sản để bán", cô Huyen nói với Nikkei. Trang web Batdongsan.com cho biết giá bán nhà trung bình trên toàn quốc tính đến tháng 6/2024 cao hơn 24% so với đầu năm 2023, phần lớn là do thị trường căn hộ tại Hà Nội. Câu chuyện nhà ở này chỉ là một minh chứng cho sự bùng nổ chi tiêu tại nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Sở hữu ô tô là một chỉ số quan trọng khác về sức mạnh của người tiêu dùng Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính đến cuối năm ngoái, cứ 1.000 người thì có 63 xe, gấp ba lần tỷ lệ của 13 năm trước đó. Tổ chức các nhà sản xuất ô tô quốc tế (IOMVM) đánh giá con số này dù vẫn thấp hơn Indonesia nhưng tốc độ tăng trưởng hàng năm là 17% trong khoảng 2015-2020 lại là nhanh nhất thế giới. Đồng quan điểm, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết doanh số bán ô tô đạt tổng cộng 90.701 chiếc trong quý III/2024, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và đánh dấu tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Chính phủ Việt Nam thậm chí kỳ vọng doanh số bán hàng hàng năm sẽ đạt 1 triệu chiếc vào năm 2030. Thế rồi những cái tên Việt Nam cũng bắt đầu thu hút được sự chú ý của quốc tế. Nhà sản xuất xe điện được niêm yết trên Nasdaq của Việt Nam là VinFast cho biết công ty đã bán được 44.773 xe điện trong 9 tháng đầu năm 2024. "Ở một quốc gia mà xe máy là phổ biến và việc sở hữu ô tô được coi là biểu tượng của sự giàu có thì mức tiêu thụ của tầng lớp trung lưu thượng lưu dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa", một chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nói với Nikkei. "Tôi không phải là kiểu người vung tiền khắp nơi. Tôi hiếm khi mua các thương hiệu xa xỉ hay đồ gia dụng mà chỉ chi tiền cho những thứ khiến cuộc sống hạnh phúc hơn", anh Tran Nguyen Vu, một kỹ sư CNTT 33 tuổi đã mua một chiếc ô tô vào tháng 10 với giá 1,13 tỷ đồng và một căn hộ ở trung tâm Hà Nội hai năm trước đó với giá 1,85 tỷ đồng cho biết. Số lượng sở hữu xe hơi trên mỗi 1.000 người. Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất thế giới kể từ năm 2015 Bên cạnh căn hộ và ô tô, doanh số bán điện thoại thông minh cũng đang bùng nổ. Theo Statista, số lượng điện thoại thông minh đã đăng ký trong số 100 triệu dân của Việt Nam ước tính là 85,73 triệu, tăng 6,9% so với một năm trước đó, gấp đôi năm 2020 và tăng 23 lần so với năm 2014. Thu nhập kép Tờ Nikkei cho hay ngoài sản lượng kinh tế và tỷ lệ đầu tư đang bùng nổ của Việt Nam, các yếu tố văn hóa cũng giải thích một phần cho tỷ lệ tăng trưởng cao về sở hữu các sản phẩm từng được coi là xa xỉ. Đặc biệt, một yếu tố văn hóa là tỷ lệ thu nhập kép cao ở nhiều gia đình đang góp phần khiến sức tiêu dùng của người Việt Nam tăng lên. Nói đơn giản hơn, sự tham gia rộng rãi của phụ nữ trên thị trường lao động khiến thu nhập gia đình tăng lên, qua đó thúc đẩy sức tiêu dùng. Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nam và nữ của Việt Nam là 77,8% và 68,5% vào năm ngoái. Con số này cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Á-Thái Bình Dương là 73,6% và 58,6%. "Theo tôi thấy, phụ nữ Việt Nam có xu hướng chăm chỉ hơn và số lượng quản lý nữ nói chung đang tăng lên. Đây là môi trường dễ dàng hơn để phụ nữ làm việc so với Nhật Bản hoặc các nước Đông Nam Á khác", giám đốc của một công ty Nhật Bản có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết. Tỷ lệ sinh giảm của Việt Nam, đặc biệt là trong những năm 1990, cũng trở thành động lực thúc đẩy chi tiêu nhiều tiền hơn cho các mặt hàng xa xỉ khi nền kinh tế phát triển. Số liệu cho thấy tỷ lệ sinh của Việt Nam là 3,6 con trên một cặp vợ chồng vào năm 1990 đã giảm xuống còn 1,9 vào năm 2022, thấp thứ tư trong số các nền kinh tế lớn của ASEAN sau 1 của Singapore, 1,3 của Thái Lan và 1,8 của Malaysia. Việc có ít con hơn khiến các gia đình Việt Nam có dư tài sản để chi tiêu nhiều hơn cải thiện chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ tham gia lao động của nam-nữ tại Việt Nam cao hơn khu vực (%) Bên cạnh đó, Nikkei đánh giá tình hình chính trị trong nước ổn định, lao động tương đối rẻ và chi phí đất đai thấp đã góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến rất hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài trong hơn một thập kỷ. Thêm nữa, những lợi thế như các cảng nước sâu ở cả phía bắc và phía nam, có kết nối đất liền tốt với các quốc gia khác trên Bán đảo Đông Dương cũng góp phần tạo nên sức hút cho Việt Nam. Sự cạnh tranh thương mại trên thị trường quốc tế càng khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư thay thế an toàn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Các công ty từ các nguồn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Mỹ hiện không chỉ thiết lập các cơ sở sản xuất mà còn nhận ra rằng Việt Nam là một thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn. Rõ ràng, sự giàu có lên của người dân Việt Nam đang thu hút các doanh nghiệp nước ngoài khi sức mua hộ gia đình đi lên. Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư hấp dẫn mà còn cho thấy là một thị trường đầy tiềm năng. *Nguồn: Nikkei https://cafebiz.vn/bao-nhat-ban-ngu...to-nhanh-nhat-the-gioi-176241224110932134.chn