Đa phần trẻ bị hóc dị vật đều dưới bốn tuổi, chủ yếu hóc các loại hạt như dưa, hướng dương, hạt điều... Nhận biết trẻ bị hóc dị vật đường thở Lúc đó, trẻ sẽ cơn ho sặc sụa dữ dội, khó thở. Một số trẻ lớn có biểu hiện hoảng loạn hoặc bị nghẹn ở cổ. Nếu dị vật gây tắc nghẽn hoàn toàn đường thở, trẻ bị hóc sẽ suy hô hấp, tím tái, ngưng tim. Các thao tác vỗ lưng ấn ngực đối với trẻ dưới hai tuổi. Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM Cách xử lý khi trẻ bị hóc Đối với trẻ dưới 2 tuổi, phụ huynh thực hiện vỗ lưng, ấn ngực: Đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. Dùng ngón trỏ và ngón giữa trái đẩy cằm trẻ lên cho cổ trẻ ưỡn tránh gập đường thở. Sau đó dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ (ở khoảng giữa hai bả vai). Nếu thấy trẻ còn khó thở, tím tái, cần lật ngửa trẻ sang tay phải và dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng ½ xương ức 5 cái. Tiếp tục luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho đến khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc thấy trẻ khóc được. Sử dụng thao tác Heimlich xử lý cho trẻ bị hóc dị vật trên 2 tuổi. Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng 2 Đối với trẻ trên 2 tuổi, phụ huynh thực hiện tư thế ngồi hoặc đứng phía sau người trẻ sao cho thuận tiện vòng hai tay qua người trẻ. Bàn tay trái tạo thành nắm đấm, đặt ngay thượng vị, dưới mũi ức phía trước ngực và bàn tay phải ôm lấy nắm đấm. Ấn mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên cho đến khi dị vật ra ngoài. Sau khi thực hiện các thao tác này phụ huynh vẫn nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám hoặc có những phương pháp kiểm tra thêm nếu cần, cho dù trẻ đã nôn ra dị vật. Nguồn: https://plo.vn/cach-xu-ly-nhanh-khi-tre-bi-hoc-post770889.html