Cách tính nồng độ cồn trong máu Nồng độ cồn trong cơ thể sau khi uống rượu bia và thời gian giải rượu phụ thuộc trọng lượng cơ thể, loại và lượng thức uống, công thức tính giúp bạn biết thời điểm lái xe an toàn. Alcohol.org, trang web của Trung tâm Cai nghiện Mỹ (AAC), tính toán nồng độ cồn trong máu (BAC - Blood Alcohol Concentration) dựa trên giới tính, số cân nặng, độ rượu và lượng rượu, bia uống vào. Nồng độ này được tính trong thời gian 30-70 phút sau khi uống rượu bia. Các chuyên gia nhận định không có thực phẩm nào có thể giải được BAC, cách duy nhất là thời gian. Độ rượu là đơn vị để đo nồng độ rượu tính bằng số ml rượu nguyên chất có trong 100 ml dung dịch (hỗn hợp rượu với nước). Độ cồn càng cao thì trong rượu càng có nhiều chất cồn, còn gọi là "rượu nặng" và ngược lại. Bạn có thể tự tính độ cồn trong máu và thời gian cần để đưa độ cồn trong máu về 0 tính từ lúc uống xong, theo bảng dưới đây. Cách thức là nhập các chỉ số của mình tương ứng với các yêu cầu theo công thức, hệ thống sẽ cung cấp cho bạn kết quả tham khảo. Tính nồng độ cồn trong máu Theo luật, tại Việt Nam, người điều khiển ôtô, xe máy, mô tô không được phép có cồn trong máu khi đang lưu thông. Giáo sư, Tiến sĩ Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, cho biết khi uống rượu, trong máu mỗi người có các ngưỡng nồng độ cồn khác nhau nên thời gian chuyển hóa và trạng thái cảm xúc cũng khác nhau. Việc định lượng nồng độ rượu trong máu có thể xác định mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe ít hay nhiều của người uống, cụ thể như sau: Nồng độ cồn 50-70 mg/100 ml máu có thể gây hưng cảm, nói nhiều hơn, bắt đầu có sự suy giảm kỹ năng nhẹ trong hành vi, cảm xúc. Nồng độ cồn 80-100 mg/100 ml máu được coi là ngộ độc rượu. Các triệu chứng thường gặp như buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, gây suy giảm kỹ năng, hành vi và không đủ năng lực để lái xe. Nồng độ cồn 100-200 mg/100 ml máu khiến rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần nghiêm trọng hơn. Người uống có thể tê bì chân tay hoặc mặt, da xanh xao, cảm xúc không ổn định, dẫn đến giảm khả năng nhận thức, quyết định. Nồng độ cồn 200-300 mg/100 ml máu, bạn sẽ nói líu lưỡi, rơi vào trạng thái lú lẫn, nhớ nhớ quên quên, có thể mất trí nhớ hoặc không thể đi lại, phản ứng chậm. Người không có khả năng dung nạp rượu, nồng độ cồn máu đạt đến 400 mg/100 ml sẽ bị ngộ độc rượu nặng, tụt huyết áp, mất khả năng vận động, có thể mất hoàn toàn ý thức, hạ thân nhiệt, bị ức chế hô hấp, hôn mê, thậm chí tử vong. Về cách xác định độ cồn trong máu, bác sĩ Đức cho biết khi uống rượu hoặc bia, lượng cồn trong máu phụ thuộc vào 4 yếu tố: cân nặng người uống, tốc độ uống, thời gian uống và nồng độ cồn trong đồ uống. "Ví dụ trong một chai rượu mạnh 40 độ, cứ 100 ml rượu sẽ có 40 ml cồn. Một người có cân nặng khoảng 60 kg, chỉ cần uống một chén rượu trung bình ta hay sử dụng, tương đương khoảng 65 ml rượu 40 độ, thì sau 30 phút, nồng độ cồn có thể đạt 50 mg/100 ml máu", bác sĩ Đức giải thích. Theo bác sĩ, không có một tiêu chuẩn chung uống bao nhiêu rượu bia là có hại, bởi nguy cơ khác nhau do phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống. Thậm chí một số người dễ bị tổn thương có thể tăng tính nhạy cảm đối với tính độc, kích thích tâm thần và gây nghiện của rượu bia. Các bằng chứng khoa học cho thấy với một số người, uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định. Rượu bia thường xuyên được các chuyên gia y tế cảnh bảo là gây nhiều tác hại cho sức khỏe và an toàn cộng đồng nếu lạm dụng. Ảnh: Quick Startaz Lạm dụng rượu bia không chỉ gây rối loạn tâm thần, xơ gan và tai nạn giao thông mà hậu quả còn đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương. Cách thức uống rượu bia cũng phần nào giảm bớt say và mức độ ảnh hưởng sức khỏe. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết cách bớt say khi uống là không được để bụng đói, uống từ từ, chậm rãi để giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày. Uống khi dạ dày trống, rượu sẽ xuống ruột non rất nhanh và khiến người uống nhanh bị say. Nếu rượu ở trong dạ dày càng lâu, cồn sẽ bị hấp thu càng chậm, nên lâu bị say hơn. Một số thực phẩm nên ăn trước khi uống rượu bia là cơm trắng, bánh mì. Ngoài ra, không pha rượu với bia hoặc các chất kích thích khác bởi dễ gây ngộ độc như buồn nôn, chóng mặt, thậm chí có nguy cơ tử vong do nồng độ cồn trong máu tăng quá cao. Các chuyên gia khuyến cáo nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn một ngày, nữ giới không quá một đơn vị cồn một ngày và không uống quá 5 ngày một tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức khoảng 3/4 chai hay lon bia 330 ml (5%) hoặc một cốc bia hơi 330 ml hay một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hay một chén rượu mạnh 30 ml (40%). Thúy Quỳnh
Anh em trong đây có ai từng bị thổi dính nồng đô cồn nhưng thực tế không uống rượu bia, nhưng khi tự đi vào BV xét nghiệm máu thì không có chưa?