Ở thời điểm này, công nghệ ổ cứng thể rắn (SSD) ngày càng phát triển trong 1 thập kỷ qua. Kể từ đó, các nhà phân tích thị trường đã theo dõi một cách cẩn thận doanh số HDD và SSD bán ra trong từng năm, bên cạnh đó là so sánh hiệu năng và giá thành (USD/GB) của mỗi loại ổ cứng. Đến giờ, SSD vẫn có giá thành trên mỗi gigabyte lưu trữ cao hơn so với HDD, dù tốc độ của chúng nhanh khỏi phải bàn cãi. Trước đó, các nhà phân tích đã có một biểu đồ như hình dưới đây, qua đó cho thấy đến một lúc nào đó, SSD sẽ trở nên hiệu quả hơn nhiều so với HDD cả về hiệu năng lẫn chi phí mua và sử dụng. Bản thân bước chuyển từ nền tảng Serial ATA sang NVMe, giúp sức mạnh của SSD tăng gấp 5 lần về hiệu năng lại càng khẳng định cho dự đoán, rồi sẽ tới lúc, HDD sẽ là công nghệ của thời kỳ cũ, và tất cả sẽ chuyển sang dùng SSD. Theo biểu đồ dưới đây, vào năm 2012, chi phí hoạt động hệ thống SSD lưu trữ đã rẻ hơn HDD, rồi đến năm 2014, chi phí mua SSD đã giảm thấp hơn so với HDD. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc HDD sẽ bị xóa sổ trong ngày một ngày hai. Doanh số HDD đang giảm dần, và lý do có thể quy về khả năng hoạt động của “ổ cơ” thấp hơn ổ cứng thể rắn rất nhiều. Bằng chứng cho khẳng định này chính là báo cáo tài chính của Nidec, nhà sản xuất trục quay cho HDD lớn nhất thế giới. Họ dự kiến trong năm 2020, doanh số trục quay phục vụ thị trường HDD của họ sẽ chỉ còn một nửa so với năm 2014. Trong khi đó, số liệu của Statista cũng có phần giống với Nidec, với doanh số SSD bán ra trong năm 2021 (360 triệu chiếc) sẽ vượt qua HDD (330 triệu chiếc). Phải chăng Seagate và WD rồi sẽ chuyển hết sang SSD để phục vụ thị trường? Chưa chắc. Bất chấp tốc độ phát triển như vũ bão của SSD, HDD vẫn sẽ có đất sống ở thị trường doanh nghiệp, datacenter, những nơi cần ổ cứng vừa rẻ vừa có dung lượng cực lớn. Đó mới là thị trường tiềm năng của HDD, chứ không phải cho người tiêu dùng như chúng ta. Hãy lấy một ví dụ đơn giản, quay về thời điểm 10 năm về trước, khi những đầu thu TV kỹ thuật số (DVR) thống trị thị trường giải trí gia đình. Khi một show truyền hình chiếu trên TV, nhiều người sẽ ghi lại chúng nhờ đầu DVR để đi làm về hoặc lúc rảnh rỗi xem lại. Giờ đây với Hulu, Netflix hay sắp tới là Disney+, DVR bỗng trở thành món đồ không cần thiết, kéo theo đó là nhu cầu HDD lưu trữ các show truyền hình và những chương trình khác nhau. Những dịch vụ streaming chỉ cần một số lượng ổ cứng rất nhỏ so với trước, kèm thêm đường truyền internet ở mỗi gia đình là có thể đem bất kỳ show nào khách hàng muốn lên màn hình. Chúng ta cũng chẳng cần ổ cứng để ghi lại chúng nữa, có internet là xem được, rất tiện. Đó là một trong những lý do Nidec nhận ra nhu cầu HDD tiêu dùng đang giảm mạnh. Chúng ta đều cần những ổ cứng có tốc độ cao để cài hệ điều hành máy tính, cài game load cho nhanh, lưu file làm việc tốc độ cao… SSD có thể đáp ứng tốt mọi nhu cầu đó. Những dữ liệu không được sử dụng nhiều có thể lưu vào ổ cứng di động và ổ USB, hoặc tiện hơn cả, là lưu lên server đám mây. Dịch vụ lưu trữ đám mây càng ngày càng rẻ và ai cũng tiếp cận được. Vậy mua ổ cứng lưu file làm gì cho tốn tiền? Nói một cách khác, giờ đây cùng tầm giá, anh em lắp PC mới sẽ chọn một chiếc SSD 500GB thay vì một ổ HDD 2TB. Ấy là chưa kể, giờ đây thay vì video SD thời kỳ TV CRT, chúng ta có Full HD, thậm chí 4K. Những anh em chơi content 4K đều sẽ cảm thấy thấu hiểu nỗi khổ khi ổ NAS thiếu dung lượng. Nhưng đối với các doanh nghiệp, họ cũng đang chuyển dịch chất lượng video của camera an ninh lên HD hoặc 4K, và cloud server là lựa chọn tốt nhất dành cho họ. Cộng thêm xu hướng sử dụng thiết bị IoT, cộng thêm cả xu hướng phân tích big data, những doanh nghiệp luôn cần dung lượng ổ cứng càng nhiều càng tốt. Và chính những data center phục vụ cho họ mới là nơi cần nhất những ổ HDD dung lượng lớn. Gartner đưa ra dự đoán vào tháng 04/2019, rằng “doanh số HDD giảm sẽ được bù lấp bởi nhu cầu HDD dung lượng cao ở nhiều thị trường.” Toshiba đồng ý với quan điểm này trong báo cáo của mình, cho rằng “lượng dữ liệu lưu trữ trên ổ cứng của chúng tôi ngày càng nhiều, và tốc độ tăng vượt qua cả dự báo. Trước đó chúng tôi đã cho rằng, khi lượng dữ liệu lưu trên ổ SSD và flash tăng lên, nhu cầu HDD giảm đi thì lượng dữ liệu lưu trong HDD hoặc băng từ cũng sẽ giảm. Nhưng kỳ thực không phải, tất cả những dạng phần cứng lưu trữ dữ liệu đó đều có tăng trưởng nhờ vào lượng data ngày càng nhiều. Năm 2019, có thể dự đoán cỡ 90% tổng lượng dữ liệu lưu trữ trên các server đám mây đều ở trong ổ HDD, còn SSD chỉ chiếm cỡ 10% mà thôi.” Western Digital cũng không khác. Theo Eddie Ramirez, giám đốc sản phẩm và thiết bị datacenter của tập đoàn này cho biết mỗi năm WD bán ra cỡ 500 petabyte ổ HDD cho các doanh nghiệp, trong khi SSD chỉ cỡ 68 PB, tỷ lệ 7:1 xét về dung lượng ổ cứng. Nếu muốn thay thế hoàn toàn HDD, các nhà sản xuất SSD sẽ phải nghiên cứu được những công nghệ mới để giảm giá thành chip NAND và sản phẩm ra mắt thị trường. Mức giá USD/GB của SSD thậm chí phải giảm thấp hơn cả HDD thì các công ty hoạt động trong lĩnh vực datacenter mới để ý, vì họ phải bỏ tiền thay thế toàn bộ hệ thống đang làm việc rất tốt ờ thời điểm hiện tại. Con số này của HDD đang là 1,8 cent/1GB lưu trữ, còn của SSD đang là 13 đến 15 cent/1GB, chi phí cao gấp hơn 8 lần. Nhiều người cho rằng, SSD sẽ thay thế HDD nhờ định luật Moore, khi bề mặt PCB của ổ SSD có số lượng chip NAND ngày một dày đặc, trong khi công nghệ cũ của HDD không thể bắt kịp. WD chứng minh những người đó sai bằng cách ra mắt ổ cứng 20TB cho datacenter hồi tháng 6 vừa rồi, và đang có kế hoạch ra mắt ổ cứng 30TB. Những chiếc ổ này đắt, nhưng không thể nào đắt bằng chi phí để mua và hoạt động 30TB SSD được. Và chính vì lẽ đó, trong tương lai gần, ngoại trừ Samsung, Micron hay Hynix tạo ra được một bước đột phá lớn trong công nghệ SSD, chúng ta vẫn sẽ sống cùng những chiếc ổ cứng HDD, không phải trong những thiết bị máy tính tại nhà, mà là trong những datacenter phục vụ cho công việc và giải trí của chúng ta hàng ngày.Theo VentureBeat
Giờ thằng nào laptop 4gb ram kêu chạy chậm là tư vấn quất ssd 120gb boot gpt cài win 64bit vô khởi động vs tắt máy có mấy giây lụm mấy xị mà chủ latop cảm ơn rối rít. Kkkkk sướng tê người