Và nhà vô địch đã bật khóc. Thứ Năm, ngày 28-12-2017, George Weah - ngôi sao bóng đá của châu Phi, đã có được trận thắng quan trọng nhất đời mình, mà lần này là ngay tại đất nước anh. Ở tuổi 51, cựu cầu thủ đẳng cấp quốc tế đã được bầu làm tổng thống Liberia với 61,5% số phiếu. Trước đám đông náo nhiệt hò reo chúc mừng "vị anh hùng" của họ, tân Tổng thống đã không kìm nén được cảm xúc dâng trào. George Weah nay trong bộ vest của người lãnh đạo đất nước - Ảnh: REUTERS Mà ngược lại, buổi tối đó tại thủ đô Monrovia, cũng không ai muốn che giấu cảm xúc của mình. Trong một trạng thái hưng phấn chưa từng có, hàng ngàn người ủng hộ đã ca hát, nhảy múa, reo hò và chúc mừng vị tổng thống trẻ tuổi. "Mister George" chính là người hùng của tất cả họ, một người mà "cuối cùng sẽ mang lại tiếng nói cho chúng tôi", như phát biểu được lặp đi lặp lại của những người đến tổng hành dinh của ông để ăn mừng chiến thắng. Tiếng tăm của George Weah vốn đã tràn ngập ở quê nhà khi ông rất thành danh trong sự nghiệp sân cỏ tại nước ngoài, nên giờ đây nó càng đặc biệt quý giá hơn cho tầng lớp người dân lao động nghèo tại Monrovia. Vốn là thành phần dân cư chiếm đa số của đất nước, họ sống chen chúc trong các khu ổ chuột tồi tàn của thủ đô. Bạn hãy hình dung xem ra sao khi mà bạn sống trong một đất nước mà một nhóm người ít ỏi có ưu thế nổi trội thì có trong tay tất cả, còn mọi người khác thì không có gì cả. Giờ đây, vị tổng thống mới đắc cử của chúng tôi sẽ phân phát quyền lực của ông ấy đến cho dân chúng" Một phụ nữ đứng tuổi trong khu ổ chuột nói trong xúc động Những người ủng hộ George Weah xuống đường ăn mừng khi hay tin ông giành chiến thắng - Ảnh: REUTERS Vào đời với nghề sửa điện thoại hỏng Cuộc bầu cử năm 2017 đánh dấu một bước ngoặc lịch sử cho đất nước Liberia. Lần đầu tiên kể từ ngày lập quốc vào năm 1822, người chiến thắng là một "đứa trẻ khu ổ chuột". George Weah chào đời tại Clara Town, một khu dân cư nghèo khó ven biển. Cậu bé đã được bà ngoại nuôi dưỡng trong căn nhà nhỏ tồi tàn và hoàn cảnh gia đình nghèo khó nhất. Cậu đã phải phải đi làm kiếm tiền từ rất sớm, đi sửa điện thoại. Nhưng rồi, niềm đam mê quả bóng tròn mà cậu bé thường chạy đuổi theo trong những con đường nhỏ hẹp sình lầy của khu ổ chuột này cũng từ đó giúp cậu bé đổi đời. Ban đầu chơi vị trí thủ môn cho một câu lạc bộ nhỏ ở ngoại ô Monrovia, George Weah sau đó đảm nhận vị trí trung phong trong một CLB của Cameroon. Năm 1988, khi 22 tuổi, chàng cầu thủ trẻ được huấn luyện viên người Pháp Arsène Wenger của câu lạc bộ AS Monaco mua về và cũng cùng năm đó, anh bay sang điểm đến mới để gầy dựng cơ nghiệp. Suốt 14 năm liền, tiền đạo tấn công George Weah lần lượt khoác áo nhiều CLB danh tiếng châu Âu, từ Paris-Saint-Germain (PSG) cho đến AC Milan, kể cả Chelsea, Manchester City và Olympique Marseille (OM). Năm 1995, George Weah đã rất gắn bó với nước Pháp, anh đã có quốc tịch Pháp và nói sỏi tiếng Pháp, đã giành được Quả bóng Vàng trong màu áo PSG tại Cúp Vô địch châu Âu. Cho đến hiện nay, chỉ có anh là người châu Phi duy nhất có được danh hiệu này. Thành công từ bóng đá của George Weah đã khơi dậy niềm hi vọng cho rất nhiều trẻ em nghèo ở quê nhà Liberia - Ảnh: AFP Dấn thân từ các hoạt động nhân đạo Trong thời gian George Weah tung hoành sân cỏ châu Âu, tại Liberia, cuộc nội chiến khốc liệt đang tàn phá đất nước trong khoảng từ năm 1989 đến 2003. George Weah tránh được cuộc xung đột, vốn đã làm cho khoảng 250.000 người chết trong khi anh đang theo đuổi sự nghiệp sáng chói tại châu Âu. Hassan Bility, một chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền, nói: "Tôi chưa từng nghe bất cứ một người Liberia phê phán Weah vì điều đó. Ngược lại, đối với họ, anh ấy là nhân tố tích cực duy nhất mà đất nước Liberia đang có được trong thời điểm đó: một hình mẫu thành đạt mà vốn dĩ đã mang lại cho đất nước chúng tôi một tiếng vang xa". Tại Pháp, George Weah tích cực tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, đấu tranh cho một tương lai hòa bình tại Liberia, và kêu gọi Liên Hiệp Quốc hãy cứu giúp đất nước mình. Chính vì lý do đó mà lực lượng phiến quân nổi dậy đã trả thù anh, chúng đốt cháy căn nhà của anh tại Monrovia và bắt giữ hai người anh em họ của anh làm con tin. Khi Charles Taylor còn nắm quyền, theo lời kể của một người họ hàng thì cầu thủ George Weah đã thề rằng anh "không bao giờ về nước khi nào ông ấy còn làm Tổng thống". Khi George Weah và gia đình đang sinh sống tại Miami (Mỹ), thì "bà con họ hàng thường ghé thăm anh ấy và đề nghị anh ấy ra tranh cử năm 2005 vì anh ấy là người duy nhất không dính líu đến cuộc chiến. Anh ấy là một ứng viên trung lập", theo lời của Hassan Bility về cách George Weah bắt đầu dấn thân vào chính trị. George Weah và vợ - Ảnh: REUTERS Một "đứa con của dân tộc" Sau khi quay về Liberia, George Weah quyết định hoạt động chính trị, song để có thể dẫn bóng đến được… dinh Tổng thống, con đường quả là dài hơn dự kiến. Năm 2005, George Weah thất bại trước đối thủ Ellen Johnson Sirleaf, nữ Tổng thống sắp mãn nhiệm kỳ hiện nay. Sáu năm sau, George Weah một lần nữa ra tranh cử với bà Sirleaf. Lại thất bại. Cuối cùng, vào năm 2014, George Weah được bầu làm nghị sĩ hạt Montserrado, thuộc thủ đô Monrovia. Nếu như nữ Tổng thống sắp mãn nhiệm Ellen Johnson Sirleaf - nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên tại châu Phi, đã thành công trong việc duy trì một nền hòa bình mong manh cho quốc gia này, thì đất nước Liberia cũng đang kiệt quệ: 64% dân số sống dưới mức nghèo khổ, 62% người dân từ 15-24 tuổi không học hết tiểu học và 31% người dân Libéria bị suy dinh dưỡng. Chính từ hoàn cảnh khó khăn đó của đất nước, những bài diễn văn tranh cử của George Weah đã đi thẳng vào con tim và khối óc của tầng lớp những người nghèo khổ, đó có thể là nhân tố làm nên chiến thắng của ông. Song song đó, vị thế "người con của dân tộc" cũng đóng một vai trò quan trọng trong chiến thắng này. Là một người thuộc dân tộc Kru và không xuất thân từ tầng lớp thượng lưu thuộc dòng dõi những người nô lệ đến từ châu Mỹ, vốn là một thế lực từ xưa đến nay luôn khuynh đảo chính trường Liberia, ứng cử viên George Weah được xem như một người "bản địa ruột", một từ dùng để chỉ những người Liberia gốc châu Phi. Ngoài trường hợp của Samuel Doe - vị Tổng thống đã nắm quyền (1980-1990) qua một cuộc đảo chính, thì ứng viên George Weah hoàn toàn không có mối liên hệ nào với giai tầng xã hội được gọi là thượng lưu đó. Người dân Liberia đang hy vọng George Weah đem lại luồng gió mới bởi ông là người trong sạch - Ảnh: REUTERS Tại Liberia, đang tồn tại một hình thức nào đó của chủ nghĩa apartheid do những nô lệ được phóng thích đến từ nước Mỹ đã tạo ra một bối cảnh phân biệt chủng tộc và đã điều hành đất nước này liên tục từ trước đến nay" Maurice Mahounon - Tiến sĩ khoa học chính trị, đưa ra phân tích Còn lắm chông gai ở đất nước nhiều vấn đề Tuy nhiên, không phải là không có chỉ trích nhắm vào George Weah. Ông bị phê phán là không có trình độ học vấn, cho dù George đã có được tấm bằng Thạc sĩ về quản trị vào năm 2011 của một trường tư thục tại Mỹ. Về điều này, dân chúng đáp trả: "Thì ít ra ông ấy cũng nắm bắt được tốt những vấn đề hệ trọng của đất nước và sẽ làm việc không ngơi nghỉ để giúp đỡ người dân chúng tôi". Còn một chỉ trích nữa là chương trình tranh cử dường như chỉ là một danh sách liệt kê những điều sẽ thực hiện mà thiếu những đề xuất cụ thể về những giải pháp thật sự hiệu quả cho các vấn đề nổi cộm của đất nước như bài trừ tham nhũng, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao giáo dục và cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân. Do đó, George Weah có thể dựa vào ứng viên liên danh với mình là bà Jewel Howard-Taylor, một cựu nhân viên ngân hàng và là vợ cũ của cựu Tổng thống Charles Taylor, để bù đắp cho sự thiếu kinh nghiệm chính trị của mình. Người dân Liberia hiện đang ăn mừng, nhưng Hassan Bility cũng cảnh báo là "đừng quá trông chờ vào ông ấy" vì một tân Tổng thống còn non tay và chưa dày dặn kinh nghiệm chắc chắn sẽ vấp phải những khó khăn khi đối diện với thực tế đời sống kinh tế- xã hội của đất nước. Cho dù là đầy nhiệt tâm, nhưng tân Tổng thống George Weah đôi khi lại có nguy cơ làm thất vọng một dân tộc mà hiện nay có thể là đang sống trong niềm lạc quan phấn khích một cách "quá hớp" về ông. Người dân Liberia mong chờ George Weah giúp làm cuộc đổi thay kỳ diệu như ông đã làm được với cuộc đời ông - Ảnh: REUTERS TƯỜNG NGUYỄN Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
hy vộng ổng cố gắng giúp dân nghèo giúp dất nước phát triển . thấy dân châu phị thấy có vẻ tội hơn các châu khác