Có bắt buộc tiêm vắc-xin Covid-19 mũi nhắc lại không? (NLĐO) - Hiệu lực của vắc-xin Covid-19 giảm tương đối nhanh, do đó để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Y tế cho biết tại Việt Nam, thời gian qua số mắc Covid-19 có xu hướng giảm mạnh nhưng số mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành phố. Thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc Covid-19 trong thời gian tới. Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân Theo Bộ Y tế cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc-xin Covid-19 tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch Về việc có bắt buộc tiêm các mũi nhắc lại không, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết ngày 24-3-2022, Hội đồng tư vấn sử dụng vắc-xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra kết luận tiêm mũi nhắc lại lần 2 cho các đối tượng sau: + Người từ 50 tuổi trở lên; + Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến nặng; + Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm Covid-19; + Cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp. Vắc-xin sử dụng là vắc-xin mRNA (vắc-xin do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vắc-xin do Astrazeneca sản xuất; vắc-xin cùng loại với mũi 3; khoảng cách tiêm ít nhất là 4 tháng sau mũi 3 (mũi nhắc lần 1). Người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3 sẽ trì hoãn 3 tháng sau khi mắc Covid-19. Theo GS Lân, trên cơ sở đó, ngày 9-5 vừa qua, Bộ Y tế ban hành Công văn số 2357/BYT-DP về việc tiêm vắc-xin Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4). Đến nay, tiêm chủng vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống dịch, trong đó có dịch Covid-19. Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân, hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. "Hiện nay chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vắc-xin Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân, trong khi hiệu lực của vắc xin Covid-19 giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế"- GS Lân nhấn mạnh. Cũng theo ông Lân, viêm vắc-xin Covid-19 là để đảm bảo yêu cầu của công tác phòng chống dịch, vì vậy người dân cần đi tiêm đúng lịch, đủ liều. Phân tích về sự cần thiết của việc tiêm các mũi vắc-xin nhắc lại, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết các nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng, tử vong. Hiện biến chủng Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng có thể vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Tiêm vắc-xin giúp giảm nguy mắc bệnh nặng và tử vong Việc xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể, thậm chí có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương. Hơn nữa miễn dịch có được do tiêm vắc-xin bệnh và miễn dịch mắc phải đều không bền vững, do đó rất khó trong dự báo dịch. "Các nhà chuyên môn, nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 thông qua đánh giá lâm sàng cho thấy vắc-xin Covid-19 có miễn dịch không bền vững và lâu dài, chỉ sau khoảng 4-6 tháng thì miễn dịch sẽ giảm, vì vậy, người đã tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn có thể bị tái nhiễm, miễn dịch sẽ giảm dần. Vì vậy, việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là rất cần thiết để phòng bệnh, nếu không may nhiễm thì bệnh sẽ nhẹ, hệ thống y tế không bị quá tải, giảm thấp nhất ca nặng, hạn chế ca tử vong. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, vắc-xin vẫn có tác dụng phòng bệnh khi biến chủng Omicron vẫn chiếm "ưu thế" trên thế giới. Vì vậy, tôi nhấn mạnh một lần nữa việc tiêm mũi nhắc lại hoàn toàn cần thiết để phòng bệnh"- PGS Phu nhận định. PGS Phu cho rằng với các nhóm đối tượng có chỉ định tiêm mũi 3, mũi 4 cần phải tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu, những ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, những ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, nhất là người già, người mắc bệnh nền. "Chúng ta chưa có quy định bắt buộc tiêm vắc-xin Covid-19 nhưng từ lợi ích của việc tiêm vắc-xin thời gian qua cần truyền thông, vận động để mọi người tiêm chủng các mũi vắc-xin như khuyến cáo"- PGS Phu nêu ý kiến. Ngọc Dung
tiêm mũi 4 xong không dám đi khỏi nơi cư trú đâu, vì đi thì sợ không nhớ đường về nhà nữa. Cái này mình nói thật lúc trước trí nhớ mình rất tốt từ khi tiêm mũi 3 đến giờ hay bị quên lạ lắm.
Chỗ mình nhắc tiêm mũi 4 chả ai đi. Con nít có đứa tới lượt tiẻm mũi 3 cũng ko đi, mấy đứa nhỏ hàng xóm đến lượt nhắc mũi 2 cha mẹ ko cho đi sợ mất trí nhớ. Giờ chả biết sao nữa.
khi dịch ổn , thì ai cũng chê vacxin , khi dịch bùng phát thì tranh giành vacxin , cái gì cũng có mặt trái của nó.
Mấy lão quan lo giữ ghế chạy KPI lô vac xin sắp hết date thôi mà, ai k chích thì ký giấy có gì sau này mấy lão còn trình bày về số vac xin k sử dụng. Ghế ít đít nhiều , ít hôm thằng phó nó chọt cái lô vac xin k sử dụng gây lãng phí thất thoát của công các kiểu thì còn có thứ mà trình ra