[h=1]Ở Việt Nam, thế nào là một chiếc ôtô tốt?[/h] Có chạy ở tốc độ 120 km/h người ta mới nhận ra đâu là một chiếc ôtô tốt, ngoài những giá trị xưa cũ. Giới phân tích vẫn cho rằng một trong những nguyên nhân thất bại của nền công nghiệp ôtô Anh quốc, vốn có thời cực kỳ rực rỡ, là không được đi nhanh. Người Anh sinh ra toàn những thương hiệu lừng lẫy Rolls-Royce, Bentley, Aston Martin, Jaguar, Land Rover nhưng lại giới hạn tốc độ 120 km/h thì chẳng khác nào bắt người lớn đi xe cút kít. Cuối cùng phải bán cho Đức, cho Mỹ và Ấn Độ. Trái lại, nước Đức có autobahn không giới hạn tốc độ nên phải liên tục cải tiến công nghệ cho mạnh hơn, an toàn hơn. Mới thành bá chủ thế giới xe sang. Ai dám phi Honda Civic ở tốc độ 200 km/h? Trong khi chiếc Porsche có thể làm mà vẫn dư một phần ba ga. Cũng như vậy, khi Việt Nam chưa có cao tốc, vài liên doanh vin cớ chạy chậm nên không trang bị cân bằng điện tử ESP. Tốc độ 80 km/h thì Camry hay Matiz như nhau. ESP chẳng có nhiều ý nghĩa. Một thời, người ta chỉ quan tâm tới option, cửa sổ trời, sưởi ghế. Rồi xe nào tốn ít xăng, giữ giá. Hay vài trang bị bóng bẩy nhưng không thể bảo vệ chủ nhân. Khi có cao tốc và chạy 120 km/h, câu chuyện sẽ khác. Một chiếc xe đạt tốc độ ấy phải có cân bằng đủ tốt. Động năng gấp 4 lần tốc độ 60 km/h nên kết cấu phải chịu được va chạm. ESP sẽ thể hiện nó quan trọng như thế nào khi vào cua đánh lái hay đi qua vùng trơn trượt. Tôi thường gặp những chiếc Innova đá pha, bấm còi inh ỏi để vượt trên đoạn đường cho chạy 80. Nhưng ở cao tốc 120 km/h, chuyện không còn thế nữa. Mọi thứ được trả về đúng chỗ. Dường như ở tốc độ đó, con người ta biết sợ. Vì thế mới có chuyện ngược đời ở Việt Nam là cố đi nhanh khi bị bắt đi chậm. Nhưng lại đi chậm khi được phép đi nhanh. Đi nhanh, bạn sẽ biết cảm nhận thế nào là một chiếc xe tốt. Giá trị của một sản phẩm là những gì mà nó có thể đáp ứng, ở điều kiện cụ thể. Hai chiếc xe có thể giống nhau ở 80 km/h nhưng lại hoàn toàn khác ở 120 km/h. Tay lái có đầm? Thân xe có vững chắc? Khung gầm ổn định? Hệ thống an toàn đầy đủ? Đi nhanh, bạn phải quan tâm xe có bao nhiêu túi khí. Có nổ đúng lúc cần hay không. Chống bó cứng phanh ABS hoạt động ra sao. Cân bằng điện tử ESP thế nào. Lỡ có lật, có đâm thì khung xe đủ sức bảo vệ? Hàng loạt giá trị khiến chúng ta phải quan tâm, chứ không đơn giản và dễ dãi như trước. Cũng nhờ đó, những chiếc xe đặt tiêu chí an toàn, bảo vệ hành khách lên hàng đầu dần có chỗ đứng. Tôi hy vọng, một ngày nào đó Việt Nam giống như châu Âu. Ôtô phải có 6 túi khí, đủ hết ABS, ESP và các công nghệ an toàn, dù chỉ bình dân như Kia Morning.Nam Nguyễn Bài viết do Trọng Nghiệp biên tập Liên hệ: trongnghiep@vnexpress.net