Ẩn / Hiện Quảng Cáo

Vì sao nhiều người không chịu tiêm vaccine Covid?

Thảo luận trong 'CHUYỂN ĐỀ SỨC KHỎE' bắt đầu bởi NguyenLong248, 18/1/22.

  1. 18/1/22 lúc 08:48

    NguyenLong248

    Administrator

    NguyenLong248
    Tham gia:
    28/3/07
    Bài viết:
    8,954
    Được thích:
    7,313
    Vì sao nhiều người không chịu tiêm vaccine Covid?

    TP HCMÔng Tuân, 70 tuổi, từng ngần ngại tiêm vaccine vì đã mắc Covid-19 và khỏi bệnh, nghĩ mình có kháng thể, ít đi lại nên không lo tái nhiễm.

    Ông Tuân sống một mình ở TP Thủ Đức, còn chị Hạnh - người con gái duy nhất của ông lấy chồng, làm việc ở Hà Nội. Từ giữa năm ngoái, dịch tại TP HCM bùng phát mạnh, họ không đoàn viên. Tháng 9, ông Tuân mắc Covid-19 khi chưa kịp chích ngừa. Chị Hạnh như "ngồi trên đống lửa", sợ bệnh bố trở nặng, trong khi chị không thể về nhà vì giãn cách xã hội và vướng con nhỏ, đành thuê F0 khỏi bệnh chăm bố. May mắn, ông cụ chỉ sốt và đau mỏi người, cách ly tại nhà, sau 10 ngày thì xét nghiệm âm tính.

    Chị Hạnh tính chờ đến lúc bố khỏi bệnh đủ 6 tháng để tiêm vaccine Covid-19, thì giữa tháng 12/2021 Bộ Y tế cho phép người mắc Covid-19 tiêm ngay sau hồi phục và hoàn thành cách ly y tế. Chị gọi điện giục bố đăng ký tiêm, ông cứ lắc đầu. Ông cho rằng cơ thể đã có kháng thể từ lần nhiễm trước, bản thân ông vốn khỏe mạnh, ít khi ra khỏi nhà, ít khả năng lây nhiễm. Quan trọng hơn là ông đọc nhiều tin tức, thấy khả năng tái nhiễm chỉ vài phần trăm nên cho rằng "chẳng cần thiết" phải tiêm chủng.

    "Bố tôi nói có người tiêm rồi vẫn nhiễm bệnh, vẫn tử vong, sống chết có số... nhưng sao mình để kệ như thế được", chị Hạnh kể. Thuyết phục từ xa thiếu hiệu quả, kỳ nghỉ Tết dương lịch vợ chồng chị bay vào Sài Gòn, trực tiếp phân tích cặn kẽ cho ông lợi, hại của vaccine, chia sẻ cảm xúc bất lực của họ khi chẳng thể chăm sóc ông lúc bệnh tật. Lúc chị bật khóc nói "bố làm sao con hối hận suốt đời", ông mới chấp nhận đi tiêm. Ngay hôm đó, sợ ông đổi ý, chị đưa ông đến trạm y tế phường chích mũi một vaccine Pfizer.
    Chần chừ 5 tháng, bà Liên, 66 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, mới quyết định tiêm vaccine phòng Covid-19 vào tháng 12/2021. Chị Thiện (con gái bà) cho biết có nhiều nguyên nhân khiến mẹ chị bỏ lỡ các đợt chích ngừa, dù được ưu tiên. Lần đầu tiên là hồi tháng 7/2021, tổ dân phố lên danh sách tiêm trước cho người cao tuổi, có bệnh nền nhưng bà từ chối. Lúc ấy nghĩ "vaccine còn mới, không biết như nào", chị chưa thúc giục mẹ. Lần khác là vì bà quá lo lắng khi thấy cháu ngoại bị phản vệ nhẹ sau tiêm, phải nằm bệnh viện một ngày. Thỉnh thoảng bà đọc được tin một số trường hợp tử vong hoặc sốc phản vệ nặng sau tiêm vaccine nên kiên quyết từ chối, sợ bị phản vệ, phải nhập viện và trở thành gánh nặng của con cái.

    Bà Liên thuộc nhóm nguy cơ cao (lớn tuổi, bị di chứng tai biến mạch máu não, liệt nửa người bên trái, kèm theo tiểu đường type 2, sức khỏe khá yếu). Chị Thiện phải nhờ họ hàng, người bạn thân của mẹ - là bệnh nhân ung thư đã chích hai mũi vaccine vài lần - tới nhà làm "nhân chứng sống", trò chuyện, thuyết phục bà mới chịu tiêm. Mặc dù vậy, bà vẫn giao hẹn nếu có phản ứng phụ nặng, bà sẽ ngừng tiêm. May mắn, tiêm xong bà chỉ sốt nhẹ, hiện đã hoàn thành hai mũi cơ bản.

    [​IMG]
    Người cao tuổi tại phường 3, quận 3, TP HCM, được nhân viên y tế tới tận nhà khám sàng lọc và tiêm vaccine, tháng 9/2021. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM

    Theo ông Ngô Xuân Bình (Chủ tịch UBND phường 3, quận Gò Vấp) trường hợp ngại tiêm vaccine phòng Covid-19 như trên tương đối ít. Đa phần người dân chủ động tiêm chủng khi được mời, hoặc đồng thuận ngay khi được chính quyền địa phương, ngành y tế phân tích, thuyết phục.

    Như ở phường 3, trên 3.000 người thuộc nhóm nguy cơ cao thì chỉ có 3-4 người từ chối tiêm chủng. Lý do chính là họ đang mắc bệnh nền nghiêm trọng, như ung thư giai đoạn cuối, đều đã trên 80 tuổi, sức khỏe yếu, hầu như nằm một chỗ, ít giao lưu, tiếp xúc. Bản thân người bệnh và con cái họ sợ tiêm vaccine làm bệnh nền nặng hơn, khả năng tử vong cao, vì vậy sẵn sàng ký cam kết không tiêm. "Tiêm chủng là quyền lợi của người dân, chính quyền không thể ép buộc", ông Bình nói.

    Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP HCM) cho rằng những người từ chối tiêm vaccine phòng Covid-19 có thể phân thành hai nhóm. Thứ nhất, chiếm đa số, là người thiếu kiến thức về sức khỏe, tìm hiểu không đầy đủ, hoặc từng thấy người quen tử vong sau tiêm nên sợ hãi nên ngại tiêm chủng. Nhóm thứ hai, thiểu số, là người theo phong trào anti vaccine (bài trừ vaccine).

    Trong đó, khó thuyết phục nhất - là những người mang tâm lý "mắc bệnh cùng lắm là chết". Họ chủ yếu là người già, đã bị bệnh nền giày vò thời gian dài dẫn đến suy yếu về thể chất, mất đi niềm vui sống, nếu không tiêm vaccine, không mắc Covid-19 thì nguy cơ tử vong cũng đã cao. Do đó, họ không còn sợ tử vong do mắc Covid-19 hay di chứng hậu nhiễm.

    Theo phó giáo sư Dũng, sự buông xuôi này có thể đem đến nhiều khó khăn cho người bệnh, gia đình và xã hội nếu mắc Covid-19. F0 không có bệnh nền thì vẫn phải cách ly, công việc gián đoạn, thu nhập bị ảnh hưởng, sức khỏe giảm sút. F0 có bệnh nền, nguy cơ cao diễn tiến nặng hơn, đau đớn hơn, cần nhiều thời gian điều trị hơn. Người từng vượt qua cửa tử phải đối mặt với nguy cơ "di chứng chồng di chứng", người nhà phải dồn công sức, thời gian chăm lo nhiều mặt cho họ, vừa phải phòng lây nhiễm chéo. Bệnh nhân phải nhập viện sẽ tăng thêm gánh nặng lên hệ thống y tế, như chi phí điều trị, nhân lực...

    Để tránh những tác động tiêu cực này, ông Dũng cho rằng quan trọng nhất là "đừng để nhiễm bệnh". Tiêm vaccine Covid-19 và thực hiện nghiêm 5K là cách phòng tránh cũng như giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong tốt nhất hiện nay. Hiệu quả của vaccine đã được chứng minh bằng rất nhiều nghiên cứu và thực tế. Tai biến nghiêm trọng nhất của vaccine là sốc phản vệ thì rất hiếm gặp, tỷ lệ chỉ một ca trên một triệu liều tiêm ở Việt Nam. "Lợi ích vaccine mang lại luôn lớn hơn những sự cố bất lợi sau tiêm chủng", phó giáo sư Dũng nói.
    [​IMG]
    Y bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nặng tại Trung tâm hồi sức Covid-19 (đặt tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2), ngày 13/9/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

    Sở Y tế TP HCM ghi nhận thành phố có hơn 25.000 người trên 65 tuổi, mắc bệnh nền, chưa tiêm vaccine phòng Covid-19. Đến ngày 13/1, khoảng 18.500 người trong số này đã tiêm (chiếm 71,6%); hơn 5.000 người mắc Covid-19 tạm hoãn tiêm cho đến khi khỏi bệnh; khoảng 2.000 người thuộc nhóm chống chỉ định, đang điều trị bệnh lý khác hoặc từ chối tiêm chủng.

    Thành phố đã triển khai nhiều đợt "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tiêm cho F0 khỏi bệnh, tránh tái nhiễm các biến chủng mới trong tương lai; đồng thời tìm hiểu nguyên nhân, thuyết phục và tổ chức tiêm tại nhà, người dân không cần phải ra điểm tiêm cộng đồng. Với người vẫn từ chối tiêm, ngành y tế tiếp tục thuyết phục, song song với hướng dẫn các biện pháp phòng tránh Covid-19.

    * Tên nhân vật đã thay đổi
    Thư Anh
     

Chia sẻ trang này