Người đàn ông mù 30 năm ăn cơm với ớt (Dân trí) - Mù hai mắt từ nhỏ, ông lủi thủi sống một mình trong căn nhà vách cũ nát. Để có cái ăn, ông vẫn phải vào rừng kiếm củi đem bán, đi xát gạo, nạo sắn thuê cho dân làng. 30 năm qua bữa ăn của ông chỉ có cơm với vài quả ớt... Tuổi thơ nghiệt ngã Căn nhà ông rộng chỉ chừng 10 mét vuông, vừa đủ để chứa một cái giường ọp ẹp, một cái chạn bát bằng gỗ siêu vẹo. Ngồi trên bộ bàn ghế cũ nát, ông tiếp tôi bằng đôi tai nhạy thính khi đôi mắt đã không nhìn thấy gì từ khi mới lọt lòng. Ông tên là Ngô Văn Tuấn, năm nay đã 59 tuổi, người dân tộc Dao ở bản Lúc 2, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. “Mẹ tôi mất sớm, bố đi bước nữa nên tôi về sống với bà nội từ nhỏ. Lúc 6 tháng tuổi tôi bị sởi, lại dính hơi mỡ bắn vào mắt khi bà nội đang nấu ăn. Mắt mờ dần và không nhìn thấy gì nữa”, ông Tuấn bắt đầu kể về cuộc đời của mình. “Nhiều lần đi chăn trâu cùng các bạn, nghe họ vui đùa, chạy nhảy, tôi cũng ngứa chân tay lắm, nhưng đành chịu. Lớn lên bà nội cũng đưa tôi đi hỏi vợ nhưng họ nhìn thấy tôi mù nên chẳng ai dám lấy”, ông tiếp tục kể về thời trai trẻ. Ông Ngô Văn Tuấn, người dân tộc Dao bị mù từ nhỏ nhưng chưa bao giờ chịu khuất phục số phận Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, chiến tranh biên giới ở phía bắc diễn ra ác liệt, nhiều người đã chạy giặc xuống các vùng thấp hơn của tỉnh Lào Cai. Ông Tuấn cùng bà nội chạy đến nơi ở hiện nay là bản Lúc 2, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Tại đây hai bà cháu hàng ngày lên rừng đốn củi bán để kiếm sống qua ngày. Thế nhưng nỗi đau lại một lần nữa đến với ông khi chẳng ít lâu sau thì bà nội của ông qua đời vì một căn bệnh lạ. Tài sản duy nhất của bà nội để lại cho ông Tuấn là căn lều tranh giữa nơi rừng sâu nước độc. Mãi đến năm 2008, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ông được cấp 7 triệu đồng để làm nhà. Chính quyền xã Bảo Hà đã đứng ra xây dựng cho ông một ngôi nhà gỗ hai gian. Ông Tuấn kể: “Khi bà nội tôi mất, tôi buồn lắm. Tủi cái thân tôi là cả họ hàng chẳng còn ai nữa. Mắt thì không nhìn thấy gì, nhiều khi tôi không thiết sống nữa. Song tôi nghĩ mình không còn ai thân thích trong gia đình nhưng còn hàng xóm, họ vẫn sống xung quanh mình. Vậy là tôi quyết tâm đi làm thuê để kiếm được bữa ăn qua ngày”. 30 năm ăn cơm với ớt “Thế mắt ông không nhìn thấy thì ông làm được những công việc gì?. Tôi hỏi. Thật bất ngờ ngay sau đó tôi nhận được câu trả lời từ ông: “Đôi chân và đôi tay tôi có mắt”. Nói xong ông kể tiếp: “Trước đây làng tôi ở hiện nay toàn là cây cối, chỉ có một con đường mòn duy nhất, có hơn chục hộ sống và khai hoang ở đây. Họ thấy tôi khổ, mắt không nhìn thấy nhưng có cây gậy là tôi đi được. Tôi đã xin gùi thóc đi xát thuê cho họ để đổi bữa cơm, lúc đó tôi gùi gạo gần 2 cây số xuống dưới bản giáp trung tâm xã để xát. Nghe họ nói là xa như thế chứ tôi có thấy gì đâu. Mỗi lần đi xát thóc, người trong làng lại nhờ mua hộ chai nước mắm, gói bột canh, gói muối…Tôi đều mua được, dần dần tôi thường xuyên gùi thóc đi xát, mua hàng cho cả làng”. Tuy bị mù nhưng ông Tuấn hàng ngày vẫn đi kiếm củi, xay xát gạo thuê, mua hàng thực phẩm ở trung tâm xã giúp bà con trong bản làng Mỗi chuyến ông Tuấn gùi từ 25 – 30 kg thóc xuống xát, mặc dù con đường từ làng ông đến nơi xát được thóc ngoằn nghèo, toàn là dốc đá nhưng ông chưa bao giờ bị ngã hay đi lạc đường. Thường thì cứ buổi sáng ông đi xát thóc, buổi chiều ông ở nhà nạo sắn, té ngô thuê, làm ở đâu thì ông ăn cơm nhà đó chứ không lấy tiền công, cùng lắm lúc về họ cho bát gạo thì ông lấy. “Công việc gùi gạo đi xát thuê của tôi kéo dài được hơn chục năm, đến năm 1994 khi máy xay xát có mặt nhiều tại các vùng nông thôn, nhiều gia đình mua được xe máy, họ không thuê tôi nữa, bây giờ chỉ còn vài hộ chưa mua được xe máy họ mới sang nhờ đi xát hộ thôi”, ông Tuấn lại kể. Bây giờ không thường xuyên gùi thóc đi xát thuê, ông sống dựa vào 120.000 đồng tiền trợ cấp hàng tháng và số tiền ông vào rừng kiếm củi mang xuống núi bán, mỗi bó ông bán cũng được 5 - 7 nghìn đồng. Với số tiền đó đủ để ông đong gạo ăn uống hàng tháng. Lúc này đã gần trưa. Tôi hỏi: “Hôm nay ông không nấu cơm à?” Ông Tuấn trả lời: “Nấu chứ, nhưng chưa đến giờ”. Tôi giật mình thầm nghĩ, một người mù cả hai mắt, không nhìn thấy gì mà biết giờ giấc để nấu cơm. Chưa kịp hỏi thì ông Tuấn như đoán trước được suy nghĩ của tôi: “Lúc nào người dân họ đi làm về qua nhà tôi thì lúc đó là 11 giờ, lúc đó tôi mới nấu. Họ cũng sắp về rồi đó, chú ở đây ăn cơm với tôi nhé”. Rồi ông lọ mọ sờ vào cạnh chạn bát mốc meo lấy ra con dao mà tôi nhìn vào không thể phân biệt đâu là đằng lưỡi, đâu là đằng dậu nữa. Ông chặt củi, chẻ đuốc, chỉ vài phút sau ngọn lửa đã cháy bùng bùng. Nhìn xung quanh nhà chỉ thấy một cái nồi méo mó, đôi đũa cong queo và 3 cái bát sứt để trong chạn bếp, tôi lại hỏi: “Trưa nay ông Tuấn mời cháu món gì thế?”. “Như mọi ngày thôi mà, ăn cơm với muối ớt thôi”. Thì ra ông Tuấn hàng ngày chỉ nấu mỗi nồi cơm, thức ăn chẳng mấy khi có thịt, thay vào đó là những quả ớt – món ăn sở thích hàng chục năm nay của ông mà ông vẫn thường nhờ trẻ chăn trâu trong làng đi hái hộ về. Ông trộn với muối trắng rồi bỏ vào chai ăn dần. Và cứ thế ông Tuấn sáng ăn cơm với ớt, trưa ăn cơm với ớt và tối cũng ăn cơm vớt ớt. Dường như đã quen với khổ cực, cay đắng của cuộc đời, nên ông ăn ớt chẳng còn cảm giác cay nữa. Cái đài là người bạn tâm giao Trong lúc đợi nồi cơm chín, ông Tuấn lần mò tìm cái túi treo đầu giường, lấy ra một cái đài có xuất xứ từ Trung Quốc và khoe: “Cái đài này là của một người bạn tặng năm ngoái, cứ mỗi tuần tôi thay pin một lần. Nhờ có nó mà tôi thấy bớt buồn hơn. Nó cho tôi biết được giờ giấc, cho tôi biết về những đổi thay của cuộc sống hàng ngày bên ngoài… Nhưng bây giờ cái ăngten bị gẫy không nghe được rõ nữa”. Ông coi cái đài như người bạn không thể thiếu trong cuộc sống, đi đâu ông cũng mang theo. “Tôi thích nghe nhất là hệ Vov1, Vov2 và các chương trình ca nhạc, dân ca Huế, cải lương, vọng cổ. Còn những chương trình như chèo, tuồng là tôi không nghe, vì nghe cũng không hiểu gì hết. Ca trù nghe buồn tôi không thích”. Những nghiệt ngã, đắng cay trong cuộc đời khiến ông Tuấn ăn ớt chẳng còn cảm giác cay nữa Tuy tuổi cao sức yếu nhưng ông Tuấn vẫn phải thường xuyên vào rừng lấy củi đem bán kiếm tiền. Có lần ông vác củi đi nhầm hơn 3 cây số đường rừng, may gặp người làng họ bảo mới biết. “Nhiều hôm tôi lên rừng mót củi chất thành đống rồi đi lấy tiếp, đến khi quay về tìm mãi không biết đống củi đó ở chỗ nào nữa. Bây giờ có cái đài, cứ để củi ở đâu là tôi treo đài bên cạnh, đài nói chuyện là tôi biết đống củi ở chỗ nào”. Ông Tuấn cười và nói một cách điềm nhiên. Đã gần 60 tuổi, mơ ước lớn nhất của ông Tuấn lúc tiễn chúng tôi về nghe hết sức bình dị: “Mỗi ngày có được lưng bát cơm, mỗi bữa chỉ cần có một tý rau để đảm bảo sức khỏe là đủ. Tôi già rồi, còn gì để ham nữa đâu…”.Hoàng Chiên
trời ơi đọc mà ứa nc mắt .sao trên đời nhiều cảnh đời bất hạnh thế .bi giờ còn khoẻ rùi khi đến già phải làm sao đây :cry:
Phải nói là kẻ ăn không hết người lần không ra chứ? Tôn trọng làm gì những kẻ nhiều tiền nhưng mà tham sãi mõ
hãy nghĩ 1 bữa nhậu của dân mobile, mồi ăn ko hết cũng bỏ đó, bia uống chai còn chai hết cũng khui tùm lum......người ta ăn toàn muối ớt hơn 30 năm:cry: