Cuộc đua đến 6G: Những quốc gia nào đang dẫn đầu? Khi thế giới dần thích nghi với công nghệ 5G, những cặp mắt nhìn xa trông rộng của ngành công nghệ lại đang đặt vào biên giới tiếp theo: mạng 6G. Dù phần lớn đang dừng ở khái niệm và dự kiến sớm nhất năm 2030 mới triển khai thương mại, 6G hứa hẹn sẽ định nghĩa lại các giới hạn của công nghệ không dây, cung cấp tốc độ nhanh hơn, độ trễ thấp hơn và độ tin cậy cao hơn. 6G là gì, khác gì 5G? Nếu 5G mang đến tốc độ gigabit, độ trễ thấp và dung lượng mạng khổng lồ, 6G còn thúc đẩy các ranh giới đó sâu hơn. Các chuyên gia dự đoán 6G sẽ cung cấp tốc độ terabit, độ trễ micro giây và cải thiện 100 lần so với 5G. Theo báo cáo về thị trường 6G của hãng nghiên cứu TechSci Research (Ấn Độ), thị trường 6G toàn cầu dự kiến sẽ phát triển mạnh trong giai đoạn 2024-2035 do nhu cầu 6G để liên lạc ngày càng tăng và ứng dụng các mạng có độ trễ thấp trong nhiều ngành công nghiệp. Với khả năng hoạt động ở tần số cao hơn, mạng 6G sẽ cung cấp dung lượng lớn hơn và độ trễ thấp hơn đáng kể. Một trong những mục tiêu chính của 6G là cho phép truyền tin với độ trễ thấp nhất là 1 micro giây, đồng nghĩa tốc độ nhanh hơn 1.000 lần hiện tại. Bước nhảy vọt về độ trễ tác động sâu sắc đến nhiều ứng dụng, từ trải nghiệm thực tế ảo nhập vai, chơi game thời gian thực đến các hệ thống điều khiển từ xa siêu nhạy, xe tự lái. Hơn nữa, dung lượng tăng của mạng 6G hứa hẹn hỗ trợ hệ sinh thái các thiết bị thông minh, tích hợp liền mạch thiết bị IoT, hạ tầng thông minh, hệ thống tự động hóa công nghiệp tiên tiến. Các chuyên gia dự đoán tốc độ dữ liệu nhanh nhất của 6G là 1 terabyte/giây, vượt trội so với 5G. Nó không chỉ thúc đẩy các công nghệ dựa trên dữ liệu như AI, IoT mà còn tạo ra các ứng dụng mới như thực tế mở rộng nhập vai thực sự, liên kết thế giới thực và ảo. Những quốc gia dẫn đầu cuộc đua 6G Nhiều nước đang tích cực phân bổ nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển 6G, nhằm giữ vị thế tiên phong trong công nghệ mang tính cách mạng này. Các quốc gia đều tăng tốc và dồn lực để có thể dẫn đầu cuộc đua đến mạng 6G. Ảnh: nextrendsasia Trung Quốc Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong ngành viễn thông và đang lên kế hoạch để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ 6G. Nước này gây chú ý khi phóng vệ tinh thử nghiệm để kiểm tra việc truyền tín hiệu Terahertz. Ngoài hậu thuẫn từ chính phủ, Trung Quốc còn có sự phục vụ của các “gã khổng lồ” viễn thông như Huawei và ZTE, đóng vai trò quan trọng trong cơ sở hạ tầng và sản xuất thiết bị cho các công nghệ không dây tiên tiến. Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận mở đối với công nghệ viễn thông, tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực 6G. Đây là nước đi đúng đắn vì nếu nhìn xa hơn, 6G sẽ kết nối không chỉ các cá nhân mà còn các thực thể thông minh như robot và vũ trụ ảo. Hơn nữa, nó cải thiện hơn nữa các kịch bản ứng dụng 5G. Hàn Quốc Hàn Quốc, một trong những nước triển khai 5G sớm nhất thế giới, cũng là ứng cử viên nặng ký trong cuộc đua 6G. Các tập đoàn công nghệ Hàn Quốc như Samsung và LG đã bắt tay vào công nghệ mới. Chính phủ đã công bố kế hoạch đầu tư hàng trăm triệu USD trong 10 năm tiếp theo cho nghiên cứu và phát triển 6G. Dù bắt đầu nghiên cứu muộn hơn Trung Quốc và Mỹ, Hàn Quốc tỏ ra lạc quan về kế hoạch của mình, đặt mục tiêu phát triển “công nghệ tiền 6G” vào năm 2026 và là nước đầu tiên triển khai 6G thương mại vào năm 2028. Bộ Công nghiệp và CNTT Hàn Quốc kêu gọi tập trung vào phổ tần 7-24GHz để khắc phục “hạn chế dung lượng của băng tần 3.5GHz và vùng phủ của băng tần 28GHz”. Mỹ Từ lâu, Mỹ là nước đi đầu về đổi mới trong công nghệ. 6G cũng không phải ngoại lệ. Các công ty công nghệ lớn cùng các trường đại học danh tiếng đã khởi động nỗ lực R&D liên quan đến công nghệ này. Ủy ban truyền thông liên bang (FCC) mở các dải Terahertz cho mục đích thử nghiệm, mở đường cho thí nghiệm 6G. Các nhà mạng như AT&T, Verizon và Next G Alliance đều góp phần định hình tương lai của 6G. Liên minh châu Âu Liên minh châu Âu (EU) có các sáng kiến quy mô lớn như chương trình Horizon Europe để thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Nokia đang đóng vai trò dẫn dắt trong phát triển 6G khi tham gia dự án Hera-X, về cơ bản là lá cờ đầu nghiên cứu 6G tại khu vực. EU cũng gây quỹ cho các dự án nghiên cứu, củng cố hợp tác giữa các trường đại học, ngành công nghiệp, chính phủ, hỗ trợ phát triển công nghệ và tiêu chuẩn then chốt cho 6G. Nhật Bản Nhật Bản bắt tay vào nghiên cứu 6G năm 2020, đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng là triển khai 6G vào năm 2030. Giống như Hàn Quốc, nước này phân bổ nguồn ngân sách lớn cho các công nghệ mới nổi, bao gồm 6G. Vào tháng 5, bốn công ty – Docomo, NTT, NEC và Fujitsu đã cùng nhau tạo ra nguyên mẫu thiết bị 6G đầu tiên, được cho là nhanh hơn 500 lần so với thiết bị 5G và có thể truyền dữ liệu trong khoảng cách hơn 100m. Nhận thức được những thách thức kỹ thuật và tác động to lớn mà 6G mang lại, các nước và các doanh nghiệp hiểu rõ giá trị của sự hợp tác. Đã có một số tổ chức và tập đoàn quốc tế làm việc cùng nhau để thiết lập các tiêu chuẩn và chia sẻ thông tin, kiến thức. Những nỗ lực này rất quan trọng trong việc định hình chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển công nghệ và giúp đảm bảo khả năng tương tác xuyên biên giới. (Theo TechSci Research, Light Reading, Tech Report) https://vietnamnet.vn/cuoc-dua-den-mang-6g-nhung-quoc-gia-nao-dang-dan-dau-2300082.html